Thứ 6, 29/03/2024 13:37:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:27, 17/04/2019 GMT+7

Nở rộ nghề “hái lộc trời” - Bài cuối

Thứ 4, 17/04/2019 | 06:27:00 4,951 lượt xem

>> Bài 1: “Canh bạc” dẫn dụ chim yến
>> Bài 2: 
Những lỗ hổng chưa được san lấp

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGHỀ YẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngành yến đã hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh cách đây hơn 10 năm, nhiều người dân trở thành tỷ phú với nghề nuôi loài chim trời này. Với những ai đã thành công thì không thể phủ nhận “đây là nghề siêu lợi nhuận”, vì nó mang về thu nhập bình quân hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là lý do đẩy ngành yến đang đứng ở bờ vực phát triển không bền vững do người dân đua nhau đầu tư vào nghề “hái lộc trời” một cách cảm tính, chưa có chiến lược rõ ràng; trong khi cơ quan chức năng chưa có chế tài quản lý và chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Lời cảnh báo

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 5/11 huyện, thị xã trong năm 2017 đã có tới 185 nhà dẫn dụ chim yến, với diện tích 32.062m2. Nhưng theo 2 “ông trùm” thầu xây nhà yến trên địa bàn tỉnh là Nguyễn Hoài Nam (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) và Trần Tuấn Anh (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), số nhà dẫn dụ chim yến, hộ chăn nuôi yến cũng như diện tích dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh cao hơn nhiều lần so với con số thống kê của cơ quan chức năng.

“Từ năm 2014 đến nay, chỉ tính trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Yến Sào Nam Anh đã thi công hơn 150 nhà dẫn dụ chim yến, chưa tính con số nhận lắp ráp âm thanh và kỹ thuật” - anh Nguyễn Hoài Nam cho biết. Anh Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay, tôi đã nhận thi công, lắp ráp kỹ thuật và xây dựng hơn 300 nhà yến trên địa bàn tỉnh”. Như vậy, chỉ mới thông qua 2 đơn vị cung ứng vật tư, xây lắp thiết bị âm thanh và xây dựng nhà dẫn dụ chim yến thì số nhà yến trên địa bàn tỉnh đã lên đến 450 căn. Trong khi chưa tính các nhà thầu khác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác về xây dựng và thi công, lắp ráp thiết bị âm thanh nhà yến. Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó phòng Kinh tế thành phố Đồng Xoài cho biết: Từ ngày 18-9 đến 31-10-2018, đoàn kiểm tra UBND thành phố Đồng Xoài đã kiểm tra 79 cơ sở nuôi yến có 89 nhà dụ chim yến, trong đó 85 nhà đang nuôi yến và 4 nhà chưa có chim yến về làm tổ.

Tại khu phố Tân Trà, phường Tân Bình (Đồng Xoài) trong bán kính chưa tới 100m có khoảng 13 nhà yến xây dựng sát nhau. Nhà yến dày đặc đến mức người dân đặt tên cho con đường này là “Đường Chim Yến”

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bù Nho đánh giá: “Hiện ở xã Bù Nho chỉ 5/84 nhà yến đang có yến. Nhìn ở góc độ kinh tế, tôi rất lo vì tình trạng người dân bỏ tiền tỷ đầu tư phát triển kinh tế nhưng thời gian cho thu hoạch đối với một nhà dẫn dụ chim yến hiện nay từ 3-4 năm. Với những hộ có tiềm lực kinh tế không đáng lo, trong khi phần lớn các hộ xây nhà yến thường đầu tư kiểu 50-50 (có tài chính 50%, còn lại vay ngân hàng). Bình quân một nhà dẫn dụ chim yến đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên. Nên trong thời gian chờ “lộc trời”, các hộ này phải gánh khoản lãi suất rất lớn. Nhưng “lộc trời” không phải ai cũng may mắn có được. Nếu thất bại muốn chuyển hướng đầu tư khác thì các nhà yến rất khó chuyển đổi công năng, gây lãng phí lớn. Tôi mong người dân tính toán kỹ, vì lượng yến trên địa bàn tỉnh hiện nay đã bão hòa và nguồn thức ăn tự nhiên cũng có giới hạn, chỉ đáp ứng cho số lượng đàn yến nhất định, còn lại chúng phải di chuyển sang vùng đất khác để sinh tồn”.

Anh Nguyễn Ba ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài cho biết: Hiện nguồn thức ăn tự nhiên dành cho chim yến trên địa bàn tỉnh ngày càng ít, vì vậy chất lượng tổ cũng giảm đi. Cụ thể, trước đây 10 tổ yến sẽ được 1 lạng yến thô nhưng nay phải lên 12 tổ, do nguồn thức ăn giảm nên tổ yến cũng mỏng hơn.

Anh Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Nam Anh cho biết thêm: Tôi bắt đầu xây nhà dẫn dụ chim yến từ năm 2010 với diện tích 1.000m2 mặt sàn. Hiện lượng đàn có từ 60-70 ngàn con. Trung bình mỗi tháng thu được 40kg yến thô. Giá thị trường hiện từ 20-25 triệu đồng/kg yến thô tùy theo chất lượng. Đa số nhà dẫn dụ chim yến thành công hiện nay đều có thời gian đầu tư khoảng 8-10 năm trở lên. Họ là những người đi đầu, lúc đó nguồn thức ăn cho chim yến còn nhiều, số lượng đàn chưa bão hòa. Đối với những nhà yến đầu tư hiện nay, nếu thuận lợi thì tốc độ phát triển cũng chậm hơn từ 10-20%. Do số nhà nuôi phát triển quá nhiều, chim yến phát triển chậm, phải cạnh tranh cao. Một năm đàn chim yến của tôi sản xuất ra 1.000 chim yến con, trong đó 90% bay đi nơi khác tìm nguồn thức ăn. Nên thời điểm hiện nay không nên đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến, đặc biệt ở những nơi đã tập trung nhiều nhà nuôi yến. Nếu có đầu tư nên đi các vùng chưa có nhà yến vì nguồn thức ăn còn nhiều.

Cần sớm có quy hoạch

Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó phòng Kinh tế thành phố Đồng Xoài nhận định: Hiện nay, tỉnh chưa có quyết định, quy định về nuôi chim yến, chưa ban hành kế hoạch, quy hoạch vùng nuôi. Các cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư ảnh hưởng đời sống người dân. Việc xử lý vi phạm đối với cơ sở nuôi chim yến gặp khó khăn do các văn bản quy định chưa ban hành kịp thời và đồng bộ. Các đoàn kiểm tra chưa xử lý vi phạm đối với các cơ sở nuôi chim yến, khiến tình hình sử dụng thiết bị dẫn dụ, xử lý chất thải từ các nhà nuôi yến, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo kết quả kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến của đoàn kiểm tra UBND thành phố Đồng Xoài từ ngày 18-9 đến 31-10-2018 tại 8/8 xã, phường, chỉ có 8/89 (đạt 8,89%) nhà nuôi yến thực hiện tốt việc sử dụng cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến đúng quy định tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16-12-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn (không vượt quá 55dBA trong khoảng thời gian từ 6-21 giờ). Còn lại nhà nuôi yến sử dụng cường độ âm thanh không chấp hành quy định do mở thiết bị lớn hơn.

Về vệ sinh thú y và phòng chống bệnh dịch, 73/79 cơ sở nuôi chim yến (đạt 92,4%) có trang phục bảo hộ; các cơ sở nuôi chim yến có sử dụng biện pháp tiêu độc, khử trùng nhưng chưa đúng thời gian theo quy định; chưa thực hiện vệ sinh chăn nuôi thường xuyên. Một số cơ sở chưa thực hiện quy định về giám sát sức khỏe và xử lý dịch bệnh trên đàn chim yến. Chưa cơ sở nào sử dụng chất độc khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Qua kiểm tra có 79/168 cơ sở ký cam kết thực hiện các quy định của Nhà nước về nuôi chim yến (đạt 47,02%); 89 cơ sở còn lại chưa thực hiện cam kết.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bù Nho cho rằng: “Về lâu dài, cơ quan liên quan cần có quy hoạch tổng thể phát triển ngành yến bền vững, tránh cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm”. Việc xây nhà yến ở đô thị hiện cấm cũng khó vì chưa có quy định rõ ràng, còn không cấm thì phát triển tràn lan, sau này rất khó quản lý. Đã đến lúc Bình Phước cần gấp rút quy hoạch khu vực nuôi yến, có định hướng cụ thể để tạo điều kiện phát triển ngành yến bài bản.

Ngọc Bích - Xuân Túc

  • Từ khóa
94533

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu