Thứ 5, 25/04/2024 21:00:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:40, 24/11/2017 GMT+7

Nỗ lực vượt khó ở ngôi trường vùng sâu

Thứ 6, 24/11/2017 | 14:40:00 433 lượt xem
BP - Trường tiểu học Ngô Quyền thành lập năm 2010, nằm nép mình bên sườn đồi của thôn Cây Da, xã Phú Văn (Bù Gia Mập). Học sinh của trường phần lớn là con hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, dù vậy, nơi đây vẫn có nhiều thầy cô gắn bó, bám lớp, bám trường, dìu dắt bao thế hệ học sinh vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Năm 2010, cô Lê Đỗ Thị Thu Hằng được điều động về công tác tại Trường tiểu học Ngô Quyền. Cô nói: Phần lớn học sinh ở trường là người dân tộc S’tiêng, chưa thông thạo tiếng Việt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì thế đến mùa điều hoặc mưa lũ nhiều em nghỉ học. Để vận động được học sinh ra lớp là vấn đề gian nan, không chỉ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Ban giám hiệu mà toàn xã hội phải vào cuộc. Cô Hằng kể: “Năm học 2013-2014, em Thị Bót, ngụ thôn Thác Dài, là học sinh chăm ngoan, học giỏi bỗng nhiên bỏ học không lý do. Để đến nhà em vận động, tôi phải đi qua vườn điều rộng hàng chục héc ta, đường lầy lội, trơn trượt có lúc phải nhờ trợ giúp của người dân mới qua được. Đường đi lại rất khó khăn nhưng phải đến lần thứ 7 tôi mới gặp được em, do Thị Bót thường xuyên theo mẹ vào rẫy lượm điều thuê. Khi tìm hiểu mới biết gia đình Thị Bót không có nhà mà ở tạm trong căn chòi của một người dân để lượm điều thuê. Thị Bót là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha, tôi đã tham mưu Ban giám hiệu hỗ trợ mọi mặt giúp em quay lại lớp học. Được động viên tinh thần, hỗ trợ về vật chất, ngay ngày hôm sau em đã trở lại lớp trong sự hân hoan, vui mừng của thầy cô, bạn bè”. Đây cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của cô trong nhiều năm bám trường, bám lớp ở vùng sâu, dân tộc thiểu số. Và hằng năm, lớp cô phụ trách có 4-5 em hoàn cảnh khó khăn bỏ học đều được vận động ra lớp.

Học sinh lớp 4A trong giờ rèn chữ

Cô Hằng cho rằng, vận động các em ra lớp đã khó nhưng giữ các em đi học càng khó hơn nhiều. Vì thế, để duy trì sĩ số học sinh, giáo viên thường xuyên sâu sát, kèm cặp các em mọi lúc mọi nơi. Ngoài vận động hỗ trợ vật chất, giáo viên còn xây dựng các tiết học nhẹ nhàng, tạo sự hứng thú, say mê học tập cho các em, đồng thời tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích để cuốn hút các em tích cực tham gia. Từ những trải nghiệm thực tiễn đối với học sinh nghèo, cô Hằng có nhiều sáng kiến hay trong công tác vận động học sinh ra lớp được các đồng nghiệp áp dụng hiệu quả. Trong các kỳ thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp huyện, tỉnh cô đều đạt giải cao. Nhiều năm liền, cô Hằng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, năm 2017 được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

5 năm liền không có học sinh bỏ học

Trường tiểu học Ngô Quyền có 5 điểm, gồm điểm chính cùng điểm lẻ 27-7 ở thôn Cây Da và 3 điểm lẻ ở các thôn: Thác Dài, Đắk Son, Đắk Khâu. Số học sinh hằng năm trên dưới 500 em/25 lớp, mỗi điểm 5 lớp với 64% là học sinh dân tộc thiểu số. Từ điểm chính đến các điểm lẻ gần nhất 5km, xa nhất 11km, nhiều tuyến đường dốc, trơn trượt, có nơi phải lội suối, băng rừng. Địa hình ở đây phần lớn là đồi núi, dân sống thưa, các dịch vụ trao đổi mua bán hầu như không có mà phải ra trung tâm xã cách 10km.

Năm 2010 tách trường, thầy Phạm Văn Luyến khi đó đang là Hiệu phó Trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Phú Văn được điều động nhận công tác tại Trường tiểu học Ngô Quyền và đề bạt làm Hiệu trưởng. Thầy Luyến cho biết: Mới thành lập, trường thuộc diện đặc biệt khó khăn, ngoài thiếu phòng học thì phần lớn các điểm lẻ đều không có điện, nước, nhà vệ sinh. Trường có 33 giáo viên đứng lớp phần lớn từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Dù nhiều giáo viên tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã nỗ lực bám trường, bám lớp từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Trong các phong trào thi đua của huyện, tỉnh, thầy cô đều tích cực tham gia và luôn đứng top đầu huyện. Đến nay, trường có 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 6 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, 1 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Trong kỳ thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh năm học 2016-2017, toàn huyện có 22 giáo viên được công nhận thì chỉ duy nhất giải ba thuộc về giáo viên của trường là cô Lê Đỗ Thị Thu Hằng.

Đến nay, các điểm trường đều có điện, nước, nhà vệ sinh, 100% bàn ghế đạt chuẩn theo quy định. Ngoài ra, năm học này UBND huyện còn đầu tư xây thêm 4 phòng học tại điểm chính cho Trường THCS Lý Thường Kiệt mượn, vì từ các thôn ra trung tâm xã quá xa, có nơi hơn 20km. Được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và lòng tâm huyết của đội ngũ thầy cô, từ năm học 2013-2014 đến nay, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp 1 đạt 100% và 5 năm liền trường không có học sinh bỏ học; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%, tỷ lệ lên lớp thẳng hằng năm trên 98%.

V.Thuyên

  • Từ khóa
87321

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu