Thứ 7, 20/04/2024 02:07:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:59, 27/07/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2019)

Nỗ lực vượt khó của những thương binh, bệnh binh

Thứ 7, 27/07/2019 | 08:59:00 217 lượt xem
BP - Trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, những thương - bệnh binh trên địa bàn huyện Bù Gia Mập vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, không đầu hàng trước khó khăn, gian khổ, tiếp tục tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, nuôi con ăn học thành tài và tích cực với các hoạt động xã hội.

Ký ức một thời

Tháng 4-1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta đang trong giai đoạn nước rút thì cũng là lúc ông Nguyễn Đình Thủy (SN 1954, quê Hải Dương, hiện ngụ thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa) lên đường nhập ngũ với mong muốn đóng góp một phần sức trẻ cho Tổ quốc. Sau 4 tháng huấn luyện, đơn vị ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại mặt trận Tây Nam Sài Gòn và trực tiếp đánh trận đầu tiên tại Bến cầu Tây Ninh; tiếp đó đánh ở Gò Măng Đa (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An). Ở trận này, khi đánh vào ngã ba sông Tà Lưu (giáp ranh Campuchia), ông bị thương do pháo bắn. Dù vậy, chỉ sau 2 ngày ông tiếp tục cùng đồng đội đánh trận thứ ba vào Trung tâm tiếp vụ thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông chuyển về làm cán bộ tham mưu Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7), đóng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Phước Long cũ (nay là xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập). Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Ông Thủy cho biết: Suốt 16 năm trong quân ngũ với bao thăng trầm nhưng với tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất là 2 năm trực tiếp cầm súng cùng đồng đội chiến đấu. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, thử thách và đầy hiểm nguy nhưng cũng rất tự hào của tuổi đôi mươi.

Thương binh Nguyễn Đình Thủy

Từng nhiều năm tôi luyện trong quân đội nên khi trở về đời thường, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đình Thủy không đầu hàng trước khó khăn mà nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực hỗ trợ đồng đội. Hiện gia đình ông có 20 ha đất trồng cao su, điều, tiêu, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Mặc dù những năm gần đây người dân rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng” thì ông Thủy vẫn kiên trì với các loại cây trồng mình chọn ban đầu; đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua nông sản mất mùa, rớt giá nhưng vườn cây gia đình ông Thủy vẫn cho thu 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Vì vậy, ngoài nuôi con ăn học, có việc làm ổn định ông còn tích lũy xây được căn nhà Thái khang trang, sắm xe hơi 1,2 tỷ đồng. Ông cũng luôn tiên phong trong các khoản đóng góp ở địa phương; những đồng đội gặp khó khăn, hoạn nạn ông đều quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện.

Cựu chiến binh gương mẫu

Đó là ông Trần Văn Chiến (1950), 46 năm tuổi Đảng, thương binh 4/4, ngụ thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh. Trong kháng chiến, ông là chiến sĩ kiên trung, khi về đời thường là đảng viên gương mẫu, tiên phong trong công tác xóa nghèo và đi đầu mọi hoạt động ở địa phương.

Thương binh Trần Văn Chiến

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Gia Mập Phạm Thành cho biết: Huyện hội có 1.496 hội viên, trong đó 52 hội viên là thương binh, 15 hội viên là bệnh binh. Dù mang trong mình thương tật do chiến tranh nhưng phần lớn các thương - bệnh binh đều có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Hiện các thương - bệnh binh trong huyện không còn hộ nghèo mà đa phần có thu nhập khá. Điều đáng ghi nhận là phần lớn các thương - bệnh binh đều nuôi con ăn học thành tài và tích cực tham gia hoạt động xã hội, được nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Cuối năm 1969, khi tròn 19 tuổi, ông Chiến lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 22, Quân khu 9, trực tiếp chiến đấu khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông kể: Là lính pháo binh nên giai đoạn từ năm 1971-1973, tôi cùng đồng đội tham gia đánh hàng trăm trận. Lúc bấy giờ chưa có xe vận chuyển nên đêm nào chúng tôi cũng phải khiêng pháo đi bắn, từ chập choạng tối đến tờ mờ sáng. Lính pháo binh dù vất vả, cực nhọc nhưng bù lại an toàn hơn lính bộ binh. Trong 4 năm, đơn vị tiêu diệt hàng ngàn tên địch, đơn vị chỉ hy sinh 2 người và một số ít bị thương, trong đó có ông. Cuối năm 1973, ông bị trúng đạn M79 bị thương ở bụng, đầu, chân với tỷ lệ thương tật 26%, sau đó đi an dưỡng rồi phục viên về quê tỉnh Hải Dương sinh sống. Năm 1995, ông đưa gia đình vào Bình Phước lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Từ 1 ha đất, gia đình ông vay mượn xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà, ngan. Cần cù, chịu khó nên trại chăn nuôi của gia đình lúc nào cũng có số lượng lớn, với 10 heo mẹ, 100 heo thịt và hàng ngàn con ngan thịt, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Đến năm 2000, khi kinh tế gia đình tạm ổn định, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Bình Tiến 1 đến năm 2017 thì nghỉ để nhận nhiệm vụ mới. Từ năm 2017 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, kiêm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Minh. Là người lính Cụ Hồ nên dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa các phong trào địa phương, hội đi lên và luôn trong top đầu huyện. Năm 2016, ông được Tỉnh ủy tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Những đóng góp tích cực của ông góp phần đưa Hội Người cao tuổi xã dẫn đầu phong trào thi đua và được Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen năm 2018.

Vượt khó nuôi con ăn học

Chiến tranh ác liệt không thể quật ngã thì những gian khổ ở đời thường không là gì cả. Đó là chia sẻ của nhiều người khi nói về cựu chiến binh Lê Sỹ Yêm (1949), ngụ thôn 4, xã Bình Thắng, bệnh binh 2/3 giàu nghị lực, vượt khó nuôi các con ăn học. Năm 1969, khi đang có việc làm ổn định tại Phòng thủy văn, Chi thủy lợi tỉnh Thái Bình thì thanh niên Lê Sỹ Yêm xung phong lên đường nhập ngũ với suy nghĩ giản đơn “đất nước đang chiến tranh, mình không tham gia là có tội”. Ông được biên chế vào đơn vị pháo phòng quân thuộc Trung đoàn 243, Sư đoàn Phòng không 673 (Quảng Trị). Đây là đơn vị mạnh, có bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang, từng chiến đấu trên khắp chiến trường từ Bắc vào Nam và lập nhiều chiến công oanh liệt. Tháng 2-1975, sau khi giải phóng 10 tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên, đơn vị hành quân thần tốc vào Nam, đánh dọc QL14, qua Đồng Xoài đến Tân Uyên (Sông Bé cũ).

Bệnh binh Lê Sỹ Yêm

Sau giải phóng, ông phục viên về quê rồi cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Dù sức khỏe yếu nhưng để nuôi con ăn học, ông Yêm luôn là trụ cột của gia đình trong phát triển kinh tế. Từ 3,5 ha đất sản xuất, ngoài trồng các loại cây giá trị kinh tế cao, ông còn tham khảo, học hỏi nuôi các loại con giống nhanh thu lợi như thỏ, dế. Với các con, ông luôn thương yêu hết mực bằng tấm lòng của người cha và dạy con bằng kinh nghiệm, tính kỷ luật thời quân ngũ. Vợ chồng ông có 3 người con (2 trai, 1 gái). Ông cho biết, muốn thoát nghèo thì trước hết phải học, kể cả văn hóa và nghề. Và các con ông đều ý thức rõ điều đó, vươn lên học tập thành tài. Hiện cả 3 người đều có việc làm ổn định, trong đó 2 người làm giáo viên, 1 người làm trong Nhà máy chế biến mủ cao su, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Ngoài trách nhiệm với gia đình, ông Yêm còn tích cực với các hoạt động xã hội. Hơn 10 năm qua, ông là Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn 4, cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số xã... được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
29205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu