Thứ 4, 24/04/2024 05:53:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:56, 10/03/2016 GMT+7

Nỗ lực trong phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

Thứ 5, 10/03/2016 | 07:56:00 294 lượt xem
BP - Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nên diễn biến thời tiết trên cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng ngày càng bất thường. Nắng nóng kéo dài và gay gắt nên nguy cơ gây cháy rừng càng dễ xảy ra. Để bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả đòi hỏi ngành kiểm lâm phải nỗ lực và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ cùng sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.

CHỦ ĐỘNG LÀM TỐT CÔNG TÁC PCCCR

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 25.788,6 ha nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (Bù Gia Mập). Vườn vừa là nơi bảo tồn hệ động vật, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm, vừa là rừng phòng hộ đầu nguồn cho hồ chứa các thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sork Phu Miêng và đập thủy lợi Phước Hòa. Do đó, việc bảo vệ rừng và PCCCR ở đây được thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Cao Ngọc Long, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho hay: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng vườn quốc gia luôn bảo đảm quân số trực phòng cháy khi có cháy xảy ra. Công tác bảo dưỡng, sẵn sàng các phương tiện, công cụ chữa cháy, kiểm tra, bảo vệ đập chứa nước cục bộ phục vụ nước chữa cháy khi có cháy rừng luôn được duy trì trong suốt mùa khô để ngăn cháy lan từ khu vực ngoài vào vườn. Tổ kiểm lâm cơ động và PCCCR phối hợp với các lực lượng nhận khoán tổ chức phát dọn đường băng cản lửa theo ranh của vườn, tăng cường tuần tra tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao (tiểu khu 21, 26, 27, 28, 29, dọc đường ĐT741 và đường tuần tra biên giới). Hạt còn cử nhân viên trực gác thường xuyên tại các chòi canh lửa; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn người xâm nhập vào rừng; tuyên truyền lưu động về PCCCR cho người dân các xã vùng đệm. Ký cam kết không phát dọn, lấn chiếm để lửa cháy lây lan vào rừng khi phát dọn vườn điều với các hộ có vườn điều giáp ranh...

Cán bộ Hạt kiểm lâm Bù Đốp xử lý thực bì và dọn cành trong rừng tràm để hạn chế nguồn gây cháy

Cũng là địa bàn trọng điểm về bảo vệ và PCCCR, Bù Đốp hiện có 13.145 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng tự nhiên 6.417,5 ha, 6.149,4 ha rừng trồng và 578,1 ha đất không rừng, đường, suối... Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp cho biết: Trước mùa khô, hạt đã củng cố các tổ, đội về PCCCR và xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn tình hình thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn. Đồng thời xử lý thực bì, tạo đường băng cản lửa bằng các băng trắng, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, lực lượng chữa cháy. Tại các khu vực trọng điểm, hạt đã phối hợp với Nông lâm trường Bù Đốp làm mới và tu sửa 12 hồ nước nhân tạo, làm 3km đường băng trắng, tổ chức 3 đợt diễn tập chữa cháy rừng trên tuyến bộ và tuyến sông nhằm nâng cao kỹ năng phòng chống cháy, khả năng phối hợp và sử dụng các công cụ, phương tiện chữa cháy. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn người và phương tiện vào rừng trái phép, tổ chức các biện pháp tuyên truyền về công tác phòng chống cháy rừng...

Ông Vũ Đình Trúc, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện 7 huyện, thị xã có rừng (trừ 2 thị xã Đồng Xoài, Bình Long và 2 huyện Phú Riềng, Chơn Thành) đã thành lập ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng. 31 ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã với 90 tổ bảo vệ rừng - PCCCR tình nguyện được thành lập ở các xã có rừng và đất lâm nghiệp. Các tổ này do kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND cấp xã thành lập với quân số bình quân 10 người/tổ, được trang bị công cụ thô sơ để tham gia chữa cháy tại chỗ khi xảy ra cháy rừng. 17 tổ PCCCR của các đơn vị chủ rừng và 59 tổ tự nguyện của các đơn vị nhận khoán trồng rừng và cây công nghiệp với quân số bình quân từ 5-10 người/tổ thường xuyên kiểm tra, sẵn sàng chữa cháy tại chỗ khi xảy ra cháy rừng. Lực lượng bảo vệ rừng - PCCCR ở địa phương còn được trang bị các loại phương tiện, thiết bị, công cụ, bảo đảm cho công tác PCCCR.

Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh hiện có 58.614 ha, chủ yếu là rừng hỗn giao gỗ - lồ ô, tre, nứa nằm rải rác trên địa bàn các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp. Diện tích rừng trồng 56.881 ha, trong đó 90,7% rừng trồng cây đa mục đích đang trong thời gian khép tán. Do vậy, khả năng xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh thời gian tới rất cao. Mặt khác, với 61.760,91 ha đất chưa có rừng, trong đó 89,1% diện tích trồng cây đặc sản, cây nông nghiệp ngắn ngày do người dân đang canh tác, sử dụng nằm xen kẽ trong diện tích rừng tự nhiên nên cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.

Do làm tốt công tác PCCCR nên trong năm 2015 và những tháng đầu 2016 hai địa bàn trọng điểm của tỉnh là Bù Gia Mập và Bù Đốp không xảy ra cháy rừng. Chỉ có 3 vụ cháy nhỏ xảy ra tại lâm phần do Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long và Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết quản lý với tổng diện tích bị cháy 0,475 ha.

NHỮNG NGUY CƠ, BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP

Theo ông Vũ Đình Trúc, diễn biến bất thường cùng với những yếu tố bất lợi khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Đó là: Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh tuy có mật độ cao (0,7-0,8km/km2), nhưng phần lớn có lòng hẹp, dốc, tạo lũ lớn trong mùa mưa và kiệt nước trong mùa khô nên khi xảy ra cháy rừng khó tiếp cận nguồn nước. Đa phần diện tích rừng hiện còn không tập trung, nhiều khu vực xen kẽ với đất nông nghiệp, xa khu dân cư, xa đường giao thông và hiểm trở. Hiện trạng rừng hỗn giao thường rụng lá về mùa khô, tạo nên thảm thực bì bị khô nỏ. Ngoài ra còn có hiện trạng đất trống (Ia, Ib, Ic) có thảm cỏ, bụi cây dễ cháy liền kề nên nguy cơ xảy ra cháy cao và rất khó khăn cho công tác PCCCR. Mặt khác, tập quán sống gần rừng, bám rừng của đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện qua các hoạt động như săn, bẫy, hái lá nhíp, đọt mây và nấu ăn ở trong rừng hay đốt tổ ong, đốt than... cũng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng. Đầu tư cho diễn tập PCCCR còn hạn chế, dẫn đến khó điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, việc dự báo, cảnh báo và phát hiện sớm điểm cháy của lực lượng kiểm lâm đã được thực hiện nhưng còn nhiều hạn chế do chỉ dự báo nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, chưa dự báo trực tiếp đến các vị trí, khu vực trọng điểm nên khó phát hiện cháy sớm để xử lý kịp thời. Một số khu vực thường xảy ra cháy rừng có địa hình đồi dốc, bị chia cắt, các phương tiện cơ giới không tiếp cận được hiện trường, việc chữa cháy chủ yếu dùng các công cụ thủ công nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn...

Ông Vũ Đình Trúc cho rằng: Muốn nâng cao khả năng kiểm soát và hiệu quả PCCCR phải thực tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Đồng thời nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCCR cho các cấp, các ngành, chủ rừng và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường diễn tập PCCCR để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng bảo vệ rừng, các chủ rừng và giúp chính quyền cơ sở làm tốt công tác bảo vệ rừng - PCCCR ngay tại gốc. Lực lượng PCCCR và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng - PCCCR phải được xây dựng, củng cố, kiện toàn, bảo đảm đủ mạnh để khống chế, dập tắt kịp thời khi xuất hiện cháy rừng. Nhất là phải xây dựng và duy trì hoạt động dự báo cháy rừng, phát hiện điểm cháy cụ thể để việc chữa cháy được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.       

Lâm Phương

  • Từ khóa
46738

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu