Thứ 3, 19/03/2024 12:35:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:51, 18/07/2019 GMT+7

Nỗ lực phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Thứ 5, 18/07/2019 | 06:51:00 376 lượt xem
BP - Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra trên địa bàn tỉnh đến nay đã hơn 2 tháng và đang có những diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, tỉnh và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTHCP để hạn chế tối đa thiệt hại cho hộ chăn nuôi, góp phần ổn định sản xuất.

Diễn biến phức tạp

Nuôi heo từ năm 1996 nhưng chưa bao giờ gia đình bà Trần Thị Thu ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú lại chứng kiến cảnh heo bệnh cả đàn phải đem đi tiêu hủy như vừa qua. Đàn heo của hộ bà Thu bị tiêu hủy vì mắc bệnh DTHCP có 52 con cả heo nái và heo thịt với tổng trọng lượng 4,5 tấn. Sau 3 tuần kể từ ngày đàn heo bị tiêu hủy, gia đình bà Thu vẫn chưa hết xót xa vì thiệt hại về kinh tế quá lớn. Hơn nữa, trong nhà còn hơn 1 tấn cám để làm thức ăn cho heo không trả được vì sợ lây nhiễm bệnh cho những hộ chăn nuôi khác... Bà Thu cho biết, sau khi đàn heo của gia đình bị tiêu hủy, bà đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn của nhân viên thú y về vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quanh, phun thuốc khử trùng, rải vôi bột khu vực chứa phân, rác...

Xử lý khu vực chuồng trại nuôi heo sau khi có dịch tại một hộ chăn nuôi ở xã Long Hà (Phú Riềng)

Ông Trần Mạnh Cường, Trưởng ban Chăn nuôi thú y, UBND xã Tân Phước cho biết: Đến thời điểm này, toàn xã có 7 hộ nuôi heo bị nhiễm bệnh DTHCP, phải tiêu hủy gần 20 tấn thịt. Các cơ quan chuyên môn của huyện và xã đã thực hiện kịp thời biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống bệnh theo đúng quy định. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã lập chốt tạm thời kiểm tra việc vận chuyển heo, sản phẩm heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi có heo, sản phẩm heo được xác định dương tính với bệnh DTHCP qua địa bàn.

Trên địa bàn huyện Phú Riềng, bệnh DTHCP cũng diễn biến phức tạp, lần đầu phát hiện vào ngày 21-5-2019, tại một hộ chăn nuôi ở xã Long Hà, sau đó lan rộng ra các xã Phú Riềng, Bù Nho. Tính đến cuối tháng 6-2019, trên địa bàn huyện Phú Riềng có 9 thôn của 4 xã xuất hiện bệnh DTHCP. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã ở Phú Riềng đã tiêu hủy 319 con heo với tổng trọng lượng 13.699kg.

Tập trung phòng, chống bệnh dịch

Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh hiện có tổng đàn heo gần 677.500 con. Trong đó, số heo nái gần 120.000 con, heo thịt 534.246 con, heo đực làm giống 1.713 con và 21.989 con heo hậu bị... Toàn tỉnh hiện có 263 trang trại nuôi heo, trong đó 119 trang trại gia công; 117 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê và 27 trang trại tư nhân cùng hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Qua khảo sát cho thấy, nhìn chung các hộ chăn nuôi và trang trại trên địa bàn tỉnh đều có ý thức trong phòng dịch, thực hiện tốt phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ hằng tuần. Đồng thời, tích cực chăm sóc đàn heo, phòng bệnh bằng vắc-xin đối với các bệnh do virus gây ra và bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B, beta glucan... để tăng cường sức đề kháng cho heo. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn heo để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh. Khi phát hiện heo có dấu hiệu mắc bệnh, người chăn nuôi đã báo ngay với chính quyền cơ sở để có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn, lấy mẫu và phối hợp khống chế, dập dịch kịp thời.

Chăn nuôi heo theo hướng sinh học sẽ ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Trong ảnh là đàn heo của hộ ông Trần Cao Toán ở xã Bình Sơn (Phú Riềng)

Bệnh DTHCP hiện vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng ngừa, do vậy biện pháp phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất, trước hết tăng cường khử trùng, tiêu độc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo. Đồng thời, để khống chế dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ những biện pháp cấp bách như thực hiện các biện pháp ngăn chặn, lập chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ 13, 14 và ĐT741 để xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép heo và sản phẩm heo từ biên giới vào địa bàn tỉnh và từ các tỉnh, thành có dịch vào Bình Phước. Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn heo, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì nhanh chóng lấy mẫu xác định mầm bệnh, khoanh vùng ổ dịch phát sinh, không để lây lan diện rộng. Ngoài ra, trung tâm cũng tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, phát hiện dịch bệnh, xử lý kịp thời, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và huyện đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cách phòng, chống bệnh dịch; phổ biến các văn bản, chính sách về phòng chống bệnh DTHCP cho các tổ chức, doanh nghiệp và người chăn nuôi trên địa bàn. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh. Khuyến cáo người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển heo, tiêu thụ sản phẩm của heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Nâng cao nhận thức của nhân dân

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, DTHCP lần đầu phát hiện trên địa bàn Bình Phước vào ngày 8-5-2019 tại một hộ chăn nuôi ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, sau đó lan rộng ra nhiều địa bàn. Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, tình hình bệnh DTHCP có những diễn biến phức tạp và lan rộng tới các địa bàn như Đồng Xoài, Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Long, Bù Đăng, Chơn Thành và Bù Gia Mập. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy 3.469 con heo với trọng lượng 197.529kg của 184 hộ chăn nuôi tại 30 phường, xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Ông Trần Văn Phương cho biết thêm: Đến nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh DTHCP, chưa có thuốc đặc trị mà chỉ tiêu hủy heo bị bệnh và khử trùng khu vực chuồng trại là biện pháp duy nhất để khống chế dịch. Do vậy, người dân cần nắm thông tin dịch bệnh từ các cơ quan chức năng hoặc nguồn thông tin chính thống. Đặc biệt, mọi người không nên dùng mạng xã hội như Zalo, Facebook để chia sẻ và lan truyền những thông tin không rõ ràng, gây hoang mang trong dư luận. Hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm “5 không” theo quy định của Luật Thú y như không giấu dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa cho heo khi chưa qua xử lý nhiệt. Đồng thời cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; không mua heo giống trôi nổi trên thị trường và không rõ nguồn gốc. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực trang trại, chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, loài gặm nhấm; sử dụng các biện pháp vệ sinh sát trùng đối với người ra, vào trại. Đặc biệt, hộ chăn nuôi, chủ trang trại khi phát hiện có heo bệnh, heo chết không rõ nguyên nhân thì báo ngay cho chính quyền cơ sở, trung tâm dịch vụ nông nghiệp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Gia Nghi

  • Từ khóa
94583

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu