Thứ 6, 19/04/2024 08:33:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:41, 24/07/2018 GMT+7

Nỗ lực phát triển nghề biển ở Tiền Giang

Thứ 3, 24/07/2018 | 08:41:00 207 lượt xem

BP - Tỉnh Tiền Giang có đường bờ biển dài 32km, với các ngư trường truyền thống rộng lớn, bao gồm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, biển Nam Côn Sơn, khu vực biển Tây... Trong những năm gần đây, ngành hải sản của tỉnh đang phát triển mạnh, trở thành chủ lực trong nền kinh tế địa phương. Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng đánh bắt trên 102.000 tấn hải sản. Tiền Giang cũng là một trong những địa phương triển khai và thực hiện tốt Nghị định số 67-NĐ/CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, ngư dân đã được vay vốn đóng mới hàng chục tàu cá, kể cả vỏ sắt và gỗ để ra khơi đánh bắt hải sản.

Tiền Giang hiện có 2 cảng cá lớn đóng vai trò đảm bảo hậu cần vững chắc cho nghề khai thác thủy hải sản, đó là cảng Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) và cảng Mỹ Tho (thành phố Mỹ Tho). Đi biển cũng là nghề truyền thống của nhiều ngư dân trong tỉnh, góp phần quan trọng thu hút lao động, việc làm, giải quyết an sinh xã hội. Các huyện có nghề đánh bắt hải sản lâu đời như Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thành phố Mỹ Tho với hàng chục ngàn lao động lành nghề. Ngoài ra, hải sản còn giúp các ngành nghề phụ khác phát triển như sơ chế hải sản, kinh doanh, mua bán thủy hải sản, làm khô mắm... đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa bàn ven biển.

Hằng năm, cùng với tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, tỉnh khuyến khích ngư dân mua sắm các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, ngư cụ khai thác hiện đại để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các mô hình tổ, đội liên kết đánh bắt hải sản được thành lập, nâng cao chất lượng khai thác thông qua việc tập trung phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần ở các cảng cá, cũng như áp dụng công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm. Đi đầu về liên kết sản xuất trong khai thác hải sản là huyện ven biển Gò Công Đông. Nơi đây có 26 tổ hợp tác khai thác biển được thành lập với trên 1.000 lao động. Các tổ hợp tác tập trung bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm chi phí, tăng hiệu quả đánh bắt, hỗ trợ nhau trên biển hoặc khi gặp thiên tai, rủi ro...

Để phát triển nghề đi biển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Tiền Giang tạo mọi điều kiện để ngư dân đầu tư vốn đóng mới phương tiện có công suất lớn, trang bị hiện đại để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa. Những chuyến tàu của ngư dân ra khơi vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo... Vì vậy, Tiền Giang được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong khu vực thực hiện cho vay theo Nghị định số 67. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67 trên địa bàn thuận lợi và đạt được một số kết quả khả quan. Chính sách của Nhà nước được thực hiện kịp thời, người dân tiếp cận nhanh và hưởng nhiều lợi ích từ chính sách này. Toàn tỉnh hiện có đội tàu đánh bắt trên 1.300 phương tiện, tổng công suất 434.500CV, trong đó 994 phương tiện có công suất máy từ 90CV trở lên đủ khả năng vươn ra đánh bắt tại các ngư trường xa bờ. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhờ tình hình hoạt động đánh bắt trên biển thuận lợi, trúng mùa, được giá, ngư dân đẩy mạnh khai thác nên sản lượng hải sản đã tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu của tỉnh. Riêng huyện Gò Công Đông hiện có 761 tàu cá, trung bình mỗi tàu từ 7-10 lao động; trong đó, nhiều nhất là thị trấn Vàm Láng 401 chiếc, xã Tân Phước 96 chiếc... Các tàu cá được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hằng năm mang về đất liền hơn 22 ngàn tấn hải sản.

Không chỉ ngành thủy hải sản phát triển mà hoạt động du lịch biển tại Tiền Giang thời gian gần đây cũng đã khởi sắc. Các tour du lịch sinh thái đang hấp dẫn du khách đến với tỉnh ngày càng nhiều. Tiền Giang có biển Tân Thành, còn gọi là bãi biển Gò Công, dài khoảng 7km, với triền cát đen trải dài, được xem là một trong những bãi biển thú vị nhất. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng một chiếc cầu dài dẫn ra biển rất đẹp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đón trên 954.000 lượt khách du lịch, tăng 12% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 316.000 lượt khách quốc tế (tăng 8,8%), doanh thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt 567 tỷ đồng. Những con số này khẳng định tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trên đường đổi mới và phát triển. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng nguồn tiengiang.gov.vn

  • Từ khóa
111341

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu