Thứ 6, 29/03/2024 19:50:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:23, 09/11/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Nỗ lực đem ánh sáng về nông thôn

Minh Luận
Thứ 4, 09/11/2016 | 06:23:00 270 lượt xem
BP - Hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước, đồng thời góp phần đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện ngày càng tăng, tháng 8-2016, Công ty Điện lực Bình Phước đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam cấp bổ sung hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng lưới điện các khu vực bức xúc cho nhân dân. Triển khai từ trung tuần tháng 9-2016, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 85% khối lượng công trình.

NIỀM VUI VÙNG SÂU

Những ngày này không khí làm việc của cán bộ, công nhân ngành điện hết sức sôi nổi. Toàn ngành đang tập trung cao độ để hoàn thành các công trình đưa điện về vùng sâu, vùng xa. Theo đó, ngành điện sẽ đầu tư 54,8km đường dây trung thế, 74,9km hạ thế; dung lượng trạm biến áp 4.112kVA với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng cho các thôn, ấp trên địa bàn 11 huyện, thị xã.

Cán bộ, nhân viên Điện lực Đồng Phú đưa điện về ấp Pa PếchCán bộ, nhân viên Điện lực Đồng Phú đưa điện về ấp Pa Pếch

Pa Pếch là ấp vùng sâu, vùng xa của xã Tân Hưng (Đồng Phú). Toàn ấp có 277 hộ, trong đó 96 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong ấp có khu định canh, định cư theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ với 62 hộ dân sinh sống nhưng chưa có điện sử dụng. Hầu hết người dân nơi đây dùng đèn dầu, điện năng lượng mặt trời hoặc bình ắc-quy, máy phát điện để thắp sáng, tưới cho cây trồng nhưng phải sử dụng hết sức dè xẻn. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Pa Pếch nói: “Pa Pếch cách tỉnh lộ 753 hơn 6km và cách xã Tân Hưng 18km. Thế nhưng, điện thắp sáng, nước sinh hoạt và đường giao thông là niềm mong mỏi của người dân hơn 20 năm qua. Do thiếu điện, nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng nên đời sống người dân rất khó khăn. Toàn ấp còn 59 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Hiểu rõ lợi ích của đường điện lưới quốc gia, người dân trong ấp đã giải tỏa 3.150 cây cao su, 2.800 cây điều 11 năm làm đường điện mà không yêu cầu đền bù”.

Anh Phạm Quang Thọ, Tổ trưởng Tổ thi công Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Đồng Phú cho biết: “Khối lượng công việc lớn trong khi thời gian không nhiều, lại vào mùa mưa nên thi công gặp rất nhiều khó khăn. Công trình cấp điện cho nhân dân ấp Pa Pếch gồm 7km trung thế và 7km hạ thế, trị giá 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ấp Pa Pếch có địa hình phức tạp, nhiều đồi cao, đường nhỏ hẹp, xe tải chở trụ điện không vào được, chúng tôi phải thuê xe ban đường. Nhiều đoạn lầy lội phải thuê xe kéo... Tuy nhiên, điều khiến cán bộ, nhân viên ngành điện phấn khởi là luôn được người dân hết lòng ủng hộ”.

 ĐÁP ỨNG MONG MỎI CỦA NGƯỜI DÂN

Hơn 30 năm sinh sống tại Pa Pếch là chừng ấy thời gian Trưởng ấp Nguyễn Văn Đức mong chờ ngày có điện. Ông Đức cho biết, nhiều hộ chắt chiu từng đồng đầu tư bộ năng lượng mặt trời hoặc bình ắc-quy. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chịu cảnh đèn dầu do không có điện. Nay có điện thắp sáng, người dân ấp Pa Pếch tiếp tục chung sức, đóng góp tiền nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ ngã ba Cứ vào trung tâm ấp dài 12km. Khi có điện, có đường, chắc chắn đời sống người dân Pa Pếch sẽ có những đổi thay đáng kể.

Nhân viên Công ty Điện lực Bình Phước sửa chữa đường dây tải điện - Ảnh: S.HNhân viên Công ty Điện lực Bình Phước sửa chữa đường dây tải điện - Ảnh: S.H

Hộ ông Lê Văn Đính ở Pa Pếch có 2 ha điều xen cà phê. Vào mùa khô, ông Đính phải dùng máy bơm để tưới cây, mỗi tháng chi phí hết hơn 1 triệu đồng tiền dầu. Ông kể: “Năm 2015, gia đình đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời nhưng chỉ dùng cho sinh hoạt. Có điện lưới, chúng tôi sẽ đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống mọi mặt chắc chắn sẽ được nâng lên”.

Ông Nguyễn Trần Trí Linh, Giám đốc Điện lực Đồng Phú cho biết, ngoài vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành điện giao năm 2016 là 10 tỷ đồng, vừa qua Điện lực Đồng Phú còn được cấp bổ sung 3,8 tỷ đồng để giải quyết các công trình điện bức xúc cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Với số vốn được cấp bổ sung này, Điện lực Đồng Phú lựa chọn cấp điện cho nhân dân ấp Pa Pếch và ấp Cây Điệp (Tân Phước). Chúng tôi đang tập trung thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện vào ngày 15-11, vượt tiến độ 1 tháng. Mục tiêu đến cuối năm 2016, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện ở Đồng Phú lên 96% và đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước của ngành điện.   

Những ngày này, nhân dân các ấp vùng sâu, vùng xa đang hân hoan mong chờ dòng điện sáng. Cùng với các chương trình đầu tư của Nhà nước, việc có điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ giúp người dân vùng khó khăn cải thiện cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Đây cũng là tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới và góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Ở vùng sâu, xa, vùng biên giới, người dân sống thưa thớt, kéo điện cả chục kilômét chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Lượng điện sử dụng không nhiều, nhân viên điện lực có khi phải đi nửa ngày mới tới nơi nên hiệu quả kinh tế với ngành điện là không cao. Tuy nhiên, khi có điện, người dân sẽ hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; được tiếp cận các mô hình làm kinh tế giỏi, những kinh nghiệm hay trong sản xuất, từ đó làm động lực vươn lên đổi thay cuộc sống.

Ông Nguyễn Trần Trí LinhGiám đốc Điện lực Đồng Phú

 

  • Từ khóa
93142

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu