Thứ 6, 26/04/2024 03:53:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:56, 23/10/2016 GMT+7

Nợ bảo hiểm xã hội: Ai sẽ lãnh hậu quả lớn nhất?

Lê Trâm
Chủ nhật, 23/10/2016 | 08:56:00 363 lượt xem

DÂY DƯA NỢ ĐỌNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) dây dưa, bắc cầu từ năm này sang năm khác của các doanh nghiệp (DN). Nhưng xét cho cùng, vẫn là ý thức về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động. Bởi không phải chỉ mấy năm gần đây, khi tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN gặp khó khăn, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, mà ngay cả lúc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, nhiều DN vẫn chây ỳ không chịu đóng BHXH. Thậm chí họ chấp nhận bị xử phạt vì nợ BHXH và xem đó như một cách để chiếm dụng vốn. Công ty  KJ Glove, Khu công nghiệp Tân Thành, ấp 2, xã Tân Thành (Đồng Xoài) là một ví dụ. Năm 2014, công ty này đã từng bị BHXH tỉnh kiện đòi nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8-2015, công ty mới nộp hết số nợ này. Rồi từ đó đến nay, công ty này lại tiếp tục tái nợ, đã lên đến gần 380 triệu đồng.

  Quyền lợi của người lao động cần được đảm bảo khi thực thi một quy định mới. Trong ảnh, công nhân Công ty giày da Thái Bình (Đồng Xoài) - ảnh chỉ mang tính minh họaQuyền lợi của người lao động cần được đảm bảo khi thực thi một quy định mới. Trong ảnh, công nhân Công ty giày da Thái Bình (Đồng Xoài) - ảnh chỉ mang tính minh họa

Không chỉ cố tình chây ỳ nợ đọng BHXH, không ít DN còn đóng không đúng thời gian, đúng mức quy định, đóng không đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, DN đã vừa chiếm dụng được số tiền lẽ ra phải trích đóng cho người lao động, lẫn số tiền người lao động trích đóng theo quy định, để quay vòng đầu tư sản xuất - kinh doanh. Mặc dù vẫn biết như thế thì quyền lợi của mình đã bị xâm hại, nhưng người lao động cũng không dám đi kiện, vì sợ mất việc và tốn công sức, thời gian và tiền bạc.

THIỆT THÒI ĐÂU CHỈ LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG?

Từ trước tới nay, cứ nói đến nợ BHXH là người ta chỉ nghĩ đến những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu. Nào là ốm đau không được khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế (BHYT); khi nghỉ việc, bị thất nghiệp không thể chốt sổ để hưởng bảo hiểm... Điều đó đồng nghĩa với việc người lao động mất luôn cả số tiền trích đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hằng tháng mà DN đã khấu trừ qua lương.

Thiệt thòi của người lao động thì đã rõ, tất nhiên là rất quan trọng với họ, bởi đó là “miếng cơm, manh áo”. Nhưng nếu đặt lên để cân đo thì tổn thất nhiều hơn xét cho cùng vẫn là DN. Vì DN muốn phát triển và phát triển bền vững thì phải có đội ngũ công nhân lao động lành nghề - những người đóng vai trò trực tiếp trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất và được xem là tài sản của DN. Vì vậy, khoan hãy nói đến quyền lợi của người lao động bị xâm hại như thế nào, mà trước tiên là do DN không thực hiện tốt chế độ chính sách theo quy định, người lao động sẽ tự rời bỏ để tìm đến những DN tốt hơn. Sự “một đi không trở lại” đó sẽ làm cho DN thiếu hụt lao động trầm trọng. Và tất nhiên, DN lại phải tuyển lao động. Lao động mới chưa có tay nghề lại học việc, đến lúc thạo nghề do chế độ chính sách không đảm bảo lại ra đi...

Trong cái vòng luẩn quẩn đó, sớm muộn gì cũng dẫn DN bị bế tắc và tự phá sản. Vậy là chỉ vì cái lợi trước mắt, vô tình những DN đó đã đẩy mình vào thế tự làm khó mình. Lúc đó không chỉ mất cả sản nghiệp, cùng những món nợ vay để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc trước đây, DN còn có thể phải đối mặt với những rắc rối từ pháp luật.

SẴN SÀNG CHO KHỞI KIỆN

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến 31-5-2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN (BHXH, BHYT, BHTN, gọi chung là BHXH) trong toàn tỉnh lên đến 157,636 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ 3 tháng trở lên có 433 DN, với số nợ gần 89 tỷ đồng. Danh sách các DN nợ BHXH ngày một dài và số tiền nợ cũng ngày một lớn. Giữ kỷ lục về thời gian nợ là Công ty TNHH phân bón Thanh Trúc nợ tới 61 tháng, với số nợ hơn 152 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước nợ 51 tháng, số nợ gần 897 triệu đồng; Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn nợ 50 tháng, số nợ hơn 766 triệu đồng. Nợ 44 tháng, với số tiền lên đến 1,49 tỷ đồng là Công ty cổ phần Hà Mỵ...

Trên cơ sở của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quy định vai trò của tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật về BHXH và Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH ngày 14-4-2016 hướng dẫn thi hành Luật BHXH của Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ, tòa chỉ thụ lý đơn khởi kiện đòi tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động từ tổ chức công đoàn. Thay vì cơ quan BHXH như trước đây, các tổ chức công đoàn đã vào cuộc với tinh thần tất cả vì quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc được trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH là quy định phù hợp với tình hình mới, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các DN, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Để triển khai hiệu quả việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH, tổ chức công đoàn tỉnh đã cử cán bộ tham gia chương trình tập huấn hướng dẫn tổ chức công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động tập thể do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, đồng thời xây dựng chương trình phối hợp với BHXH tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh.

Sự phối hợp trách nhiệm giữa công đoàn - BHXH và tòa án sẽ giúp công đoàn thực hiện tố tụng theo đúng quy định, để đưa ra tòa đối với DN điển hình trong nợ đọng BHXH. Lúc đó, thiệt thòi của DN để nợ đọng BHXH sẽ là không thể đo đếm và lường trước được.

  • Từ khóa
93117

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu