Thứ 5, 25/04/2024 07:34:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:30, 16/04/2019 GMT+7

Niềm vui văn nghệ của người khiếm thị

Thứ 3, 16/04/2019 | 14:30:00 188 lượt xem
BP - Với người khiếm thị, lời ca tiếng hát là “liều thuốc tinh thần” giúp mỗi người được trải lòng, vơi đi buồn tủi trong cuộc sống. Và cũng chính lời ca tiếng hát đã tạo cho họ cơ hội việc làm, có thu nhập, cuộc sống được tốt đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thanh Lâm (trái) biểu diễn tại Đại hội đại biểu Hội Người mù huyện Hớn Quản, nhiệm kỳ 2018-2023

Sau một cơn sốt năm 5 tuổi, chị Nguyễn Thanh Lâm (1976), xã An Phú, huyện Hớn Quản không may bị biến chứng làm mù đôi mắt. Mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người nhà giúp đỡ, việc học văn hóa không thể thực hiện được. Hơn 10 năm, chị chọn cho mình niềm vui là nghe các chương trình ca nhạc trên đài. Chị Lâm nói: “Ngày nào tôi cũng nghe, riết rồi hát theo. Mỗi sáng, sau khi cha mẹ đi làm, các chị em đi học thì tôi bắt đầu hát. Vì không phải bài hát nào cũng được nghe nhiều lần nên chắp ghép từng đoạn khác nhau ở các bài lại và hát say sưa. Lời ca tiếng hát tạo cho tôi thói quen không than phiền, không hờn trách thiệt thòi... Tôi cảm thấy luôn vui vẻ nhờ lời ca tiếng hát. Cũng từ đó, tôi bắt đầu tự tin hát trước mọi người trong gia đình, người đồng cảnh ngộ, hay ở ấp, xã...”.

Năm 2000, chị gặp anh Nguyễn Chánh Chung (quận 12, TP. Hồ Chí Minh, là người đồng cảnh ngộ). Thương hoàn cảnh của nhau, anh chị nên duyên vợ chồng. Nhờ đôi mắt anh còn mờ sáng, có thể nhìn thấy đường đi, hai vợ chồng bàn: Vợ hát, chồng cầm vé số và một số vật dụng cá nhân để bán. “Buổi đầu tiên hát trước bao người lạ, tôi lắng nghe âm thanh xung quanh. Ít ai phản ứng gì nhiều, đôi người đã lắng nghe. Như được tiếp thêm sức mạnh, từng lời ca cứ tuôn chảy. Tôi rất vui vì từ đây vợ chồng có công việc phù hợp, đúng sở thích” - chị Lâm nói thêm.

Để tiện đường đi lại, anh chị chọn hát ở 3 địa điểm: thị trấn Lộc Ninh, thị xã Bình Long rất gần Hớn Quản và một số quận, huyện mà anh Chung quen đi lại ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi nơi ở 3-7 ngày, nghỉ 1 ngày lấy sức lại đi tiếp. Anh Chung cho biết: “Đi đến đâu, mọi người ở đó đều nhớ, mong nghe lại tiếng hát và nhờ đó chúng tôi bán được nhiều hơn. Chứ hát một nơi, người ta nghe hoài cũng chán”. Với bình quân 20 ngày đi hát, trừ mọi chi phí, anh chị thu 3-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này không lớn nhưng là công sức lao động mà anh chị nỗ lực làm ra, giúp họ có điều kiện lo cho con gái đang học lớp 12 ở Hớn Quản. Gia đình chị Lâm mong có sức khỏe để tiếp tục đi hát nuôi con.

Cẩm Thơ

  • Từ khóa
93933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu