Thứ 6, 29/03/2024 19:40:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:46, 01/08/2017 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Niềm vui và hạnh phúc của một chủ nhà trọ

Thứ 3, 01/08/2017 | 14:46:00 122 lượt xem
BP - Cho ở trọ miễn phí, tình nguyện làm “xe ôm”, đi chợ mua sắm đồ dùng và nấu cơm... giúp những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ trên chiến trường An Lộc là việc làm thường xuyên hơn 10 năm qua của bà Phạm Thị Lành, chủ nhà nghỉ Cát Tiên, phường Phú Đức (Bình Long). Những việc làm thiện nguyện của bà đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập dân tộc.

NHÂN DUYÊN VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

“Khoảng 5 giờ sáng, cách đây 10 năm, tôi nghe tiếng gọi cửa nhà nghỉ. Lật đật chạy ra, tôi thấy một đoàn khách 3-4 người đang mang những túi đồ lỉnh kỉnh. Đoán là khách từ xa, tôi mời vào nghỉ. Khi trời vừa sáng, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Nguyệt, quê Thái Bình, trong đoàn hỏi “Chị ơi, chợ có gần đây không?”. Tôi hỏi thăm, rồi đề nghị được chở chị Nguyệt đi. Sau khi chở chị Nguyệt đi mua nhang, vàng mã, trái cây, tôi biết đoàn khách này đang đi tìm hài cốt liệt sĩ” - bà Lành kể lại mốc thời gian đáng nhớ, mở đầu cho hành trình tình nguyện giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt trên chiến trường An Lộc (Bình Long).

Đã 56 tuổi và bị bệnh thoái hóa đốt sống, nhưng có gia đình

liệt sĩ liên hệ, bà Phạm Thị Lành vẫn nhiệt tình giúp đỡTrong lần gặp gỡ ấy, bà Lành đã cùng người nhà chị Nguyệt đi khắp nghĩa trang ở xã Tân Khai (Hớn Quản) để tìm phần mộ liệt sĩ Lưu Văn Tân, là anh chồng của chị Nguyệt. Sau 4 ngày tìm kiếm theo sơ đồ hướng dẫn của nhà ngoại cảm, với sự giúp đỡ, chỉ đường tận tình của chủ nhà nghỉ Cát Tiên, gia đình đã tìm được phần mộ liệt sĩ Lưu Văn Tân, thỏa ước nguyện bao nhiêu năm của gia đình.

Sau đó không lâu, chồng bà Lành đi tập thể dục buổi sáng và dẫn về nhà nghỉ một đoàn khách trên 10 người. Hỏi chuyện, bà Lành biết được đoàn người lịch lãm đi trên chiếc xe du lịch kia đang trên đường tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Toàn (Hà Nội) hy sinh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở chiến trường An Lộc. Hiện phần mộ nằm ở nghĩa trang Tàu Ô (Hớn Quản). Do đoàn khách lần đầu đặt chân đến Bình Phước nên bà Lành lại trở thành tình nguyện viên dẫn đường, mua sắm vật dụng thông thường và làm thủ tục xin phép chính quyền xã... Đến nay, tại nhà nghỉ Cát Tiên đã chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ nhân duyên giữa bà Lành với thân nhân của những liệt sĩ đang nằm lại ở chiến trường An Lộc.

“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”

Bà chủ nhà nghỉ Cát Tiên cho biết: “Cha mẹ tôi từng phục vụ kháng chiến, bản thân chứng kiến khói lửa chiến tranh, 2 anh chồng hy sinh, cộng với người chú ruột chưa tìm thấy phần mộ nên tôi hiểu rõ nỗi mất mát, trăn trở của người thân khi chưa tìm được phần mộ các liệt sĩ. Bởi thế, khi biết đoàn về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tôi tự nguyện làm người chỉ đường và hỗ trợ vật dụng cần thiết. Chúng ta bây giờ được sống trong hòa bình, độc lập là nhờ công sức, xương máu và sự hy sinh của các thế hệ cha anh nên “uống nước” phải luôn “nhớ nguồn”.

Xuất phát từ quan điểm làm việc thiện cốt từ tâm nên lần đầu tiên dẫn đoàn chị Nguyệt về nghĩa trang Tân Khai tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, bà Lành tình nguyện làm “xe ôm” miễn phí. Đến nghĩa trang vào giữa trưa nắng gắt, tìm kiếm gần tiếng đồng hồ, người nhà chị Nguyệt mới tìm được ngôi mộ theo sơ đồ của nhà ngoại cảm. Nhưng kết quả không như ý muốn, ngôi mộ đã có danh tính. Theo quán tính bà Lành nói đoàn tìm hướng ngược lại sơ đồ ngoại cảm xem sao và đã thấy ngôi mộ vô danh. Nhiều lần xác minh, gia đình chị Nguyệt đã tìm được chính xác phần mộ liệt sĩ Lưu Văn Tân. Thời điểm đó, mặc dù bận rộn mưu sinh để lo 2 con đang ăn học, cùng với quản lý nhà nghỉ nhưng bà Lành vẫn đồng hành với gia đình thân nhân liệt sĩ Lưu Văn Tân trong những ngày tìm kiếm, xác minh.

Trao đổi qua điện thoại, chị Nguyệt cho biết: “Chị Lành giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, từ chỗ ăn, nghỉ đến đưa đón đoàn tới nghĩa trang, xin phép chính quyền xã cho gia đình tôi làm các thủ tục hành chính... Nếu không có chị ấy, hành trình tìm kiếm hài cốt anh Tân sẽ còn phải kéo dài hơn. Đã qua 10 năm, chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc thân tình thường xuyên”.

Không chỉ làm người dẫn đường vào những ngày nắng nóng hay đêm khuya, liên hệ với chính quyền làm thủ tục hành chính, bà Lành còn tình nguyện nấu ăn miễn phí khi các gia đình làm lễ quy tập, cất bốc mộ. Bà Lành kể: Trong lần quy tập, cất bốc mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Toàn, người nhà ở Hà Nội và các cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đoàn 4 về Bình Phước rất đông. Vì từng làm người dẫn đường tìm mộ liệt sĩ Toàn nên lúc làm lễ cất bốc, quy tập phần mộ, tôi đã tự nguyện nấu miễn phí hơn 4 bàn ăn để phục vụ đoàn. 

Sau 10 năm tình nguyện, bà Phạm Thị Lành đã đồng hành giúp đỡ 10 gia đình liệt sĩ đi tìm mộ trên địa bàn Bình Long. Bà đã kết nối thêm tình nguyện viên là những cựu chiến binh trên địa bàn phường Phú Đức cùng tham gia giúp đỡ những đoàn người tìm kiếm mộ liệt sĩ. Các gia đình liệt sĩ được bà Lành giúp đỡ thường gọi điện và gửi những phần quà quê thay lời cảm ơn vào dịp 27-7. Còn với bà Lành, không gì hạnh phúc bằng các anh hùng liệt sĩ được trở về quê hương, “sum họp” cùng gia đình, người thân.

Cẩm Liên

  • Từ khóa
59264

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu