Thứ 6, 19/04/2024 11:25:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:15, 19/02/2017 GMT+7

Niềm vui của người trồng cao su

Chủ nhật, 19/02/2017 | 07:15:00 130 lượt xem
BP - Cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nông dân trồng cao su ở Bình Phước nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung đón nhận nhiều tin vui. Đó là việc cây cao su được mùa lại được giá. Vụ khai thác mủ cao su năm nay kéo dài hơn so với mọi năm; cùng với việc giá mủ tăng trở lại đã đem đến niềm vui, sự lạc quan cho hàng vạn nông dân trồng cao su tiểu điền và các doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu cao su trong cả nước.

Thông thường, không chỉ các công ty cao su mà cả nhà vườn sẽ nghỉ khai thác mủ vào trước tết, (tức khoảng từ ngày 20-25 tháng chạp). Bởi đây là thời điểm cây cao su bắt đầu thay lá. Nhưng năm nay, những ngày cận tết các tỉnh phía Nam vẫn có mưa, khiến quá trình thay lá của cây cao su diễn ra chậm hơn so mọi năm, vì vậy việc khai thác mủ đã kéo dài theo. Điều đặc biệt là từ cuối năm 2016 đến nay, giá cao su thành phẩm trong nước liên tục tăng và có lúc đã đạt 50 triệu đồng/tấn. Đây được coi là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá cao su tăng nên nhiều doanh nghiệp đã tăng lượng xuất khẩu. Trong tháng 1-2017, cả nước đã xuất khẩu 102 ngàn tấn, với giá trị thu về 193 triệu USD, tăng 10,5% về lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cao su tăng, dẫn đến số lượng đơn vị thu mua cũng tăng. Hiện đã có nhiều cơ sở ép mủ cao su tư nhân ra đời, giúp việc tiêu thụ mủ của các hộ tiểu điền trở nên thuận lợi hơn. Giá mủ tăng, nông dân trong tỉnh rất phấn khởi. Điều quan trọng hơn là khi giá mủ tăng thì người nông dân mới gắn bó, chăm sóc cây cao su và quan tâm đến chất lượng mủ nhiều hơn. Theo những hộ trồng cao su ở Bình Phước, nếu duy trì mức giá như hiện tại, nông dân có thể sống khỏe từ vườn cao su. Tuy vậy, theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, năm 2017 tình hình giá mủ cao su mặc dù đã tăng hơn 2016, nhưng vẫn chưa ổn định lâu dài. Xu hướng giá cao su tăng dự báo sẽ còn tiếp diễn tới tháng 5-2017 do thiếu nguồn cung. Dù giá chưa ổn định nhưng đây là tín hiệu tích cực để nông dân duy trì và chăm sóc vườn cây, ổn định cuộc sống gia đình, để công nhân yên tâm gắn bó với nghề và các doanh nghiệp cao su phát triển trở lại.

Từ thực tế cho thấy, với việc cao su chậm thay lá, người dân kéo dài thời gian cạo để tăng thu nhập cho gia đình nhưng rất cần phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật để giữ vườn cây. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Phước đã khuyến cáo nông dân khai thác mủ cao su phải chú ý đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mật độ cạo để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây khi cao su vào mùa thay lá. Trong những năm giá mủ tăng cao, đa phần cao su tư nhân áp dụng chế độ cạo D2 (2 ngày cạo 1 lần) để tận thu mủ cao su. Khi giá giảm nhiều nông dân vẫn duy trì chế độ cạo D2, trong khi các doanh nghiệp chuyển sang cạo D3 qua D4 ở tất cả vườn cây nhóm 1 và nhóm 2, vừa giảm chi phí sản xuất, giá thành và quan trọng hơn là để tăng tuổi thọ vườn cây. Vì vậy, bà con nông dân không nên thấy giá cao mà “ép” cây cao su, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và nhất là tuổi thọ của cây.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu