Thứ 3, 23/04/2024 22:38:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:33, 07/04/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LỘC NINH (7-4-1972 - 7-4-2019)

Niềm tự hào của học sinh dân tộc thiểu số Lộc Ninh

Chủ nhật, 07/04/2019 | 08:33:00 779 lượt xem

>> Lộc Ninh hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
>> Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

BP - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh Hà Văn Giảng cho biết: Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Lộc Ninh là điển hình của huyện về phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Cơ sở vật chất dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những năm qua tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường luôn nỗ lực đưa chất lượng giáo dục top đầu khối các trường phổ thông DTNT THCS trong tỉnh. Đơn vị trở thành niềm tự hào của bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số.

Những khó khăn

Hiệu trưởng Phạm Ngọc Trâm cho biết: Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh tiền thân là Trường bổ túc văn hóa huyện Lộc Ninh, xây dựng bên quốc lộ 13 với diện tích 7.500m2; năm 1997 được bàn giao để thành lập trường DTNT huyện. Khi chuyển giao, các phòng học đều xây cấp 4 trên nền của phòng học gỗ, nền nhà cao nhưng phòng nhỏ, thấp, không đạt các tiêu chí về diện tích, ánh sáng. Sau 22 năm, trường cũng chỉ có 5 phòng học cấp 4 và hiện đã xuống cấp trầm trọng. Phòng học bộ môn chưa có; các phòng chuyên môn giáo viên, thư viện, phòng truyền thống, đoàn - đội phải tận dụng phòng học diện tích chật hẹp, cũ kỹ để hoạt động. Tại khu nhà ở nội trú, 1 phòng diện tích chưa đầy 25m2 nhưng trường phải kê chồng 6 giường đôi. Phòng nhỏ, ẩm thấp, thiếu ánh sáng nên nhà vệ sinh phải bố trí bên ngoài. Để đảm bảo nhu cầu học tập nội trú cho học sinh DTTS, hằng năm trường đều kiến nghị xây dựng mới, theo đó huyện cũng đã có chủ trương xây dựng mới cùng với Trường THPT Lộc Ninh tại trung tâm hành chính mới.

Học sinh lớp 7 Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh trong giờ học

 Do thiếu phòng học nên hàng chục năm nay trường chỉ có 5 lớp với khoảng 170 học sinh. Mỗi năm chỉ tuyển sinh 1 lớp/35 học sinh và cứ 4 năm thì tuyển được 2 lớp/70 học sinh. Trong khi đó, nhu cầu học nội trú của học sinh DTTS trên địa bàn rất lớn, hằng năm trên dưới 100 hồ sơ dự tuyển. Do có quá ít lớp nên công tác dạy học và các hoạt động thi đua gặp nhiều khó khăn. Ngoài môn Văn, Toán có nhiều tiết/lớp thì các môn học khác giáo viên đều phải dạy thêm môn hoặc kiêm các công việc khác mới đủ số tiết theo quy định. Hiện có 15 môn học nhưng trường chỉ có 12 giáo viên bộ môn. Cô Trâm cho rằng, nếu soạn 1 giáo án dạy cho nhiều lớp sẽ chất lượng hơn so với 1 lớp, bởi dạy nhiều sẽ có kinh nghiệm hơn. Mặt khác, ít lớp nên các hoạt động thi đua cũng ảnh hưởng bởi không có sự cạnh tranh sôi nổi giữa các lớp trong khối, vì mỗi khối chỉ có 1 lớp.

Thi đua dạy tốt, học tốt

Học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh có 9 thành phần dân tộc, trong đó 40% là đồng bào Khơme. Năm học 2013-2014, nhà trường đi tham quan một số trường DTNT ở tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông học sinh người Khơme theo học. Trong chuyến tham quan, Ban giám hiệu trường bị “say đắm” bởi dàn nhạc cụ ngũ âm truyền thống của người Khơme. Nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số bản địa, Ban giám hiệu đã làm tờ trình xin Sở GD-ĐT và đầu năm 2015 được đầu tư dàn ngũ âm trị giá gần 100 triệu đồng, gồm 9 nhạc cụ và 1 bộ cồng chiêng Tây Nguyên. Dù kinh phí hoạt động hạn hẹp nhưng để học sinh được học tập bài bản, trường vẫn tích góp thuê giáo viên ở tỉnh Trà Vinh về dạy, mỗi năm 2 đợt, 1 đợt 10 ngày. Việc học nhạc cụ ngũ âm, cồng chiêng được học sinh tích cực hưởng ứng, say mê tập luyện, phụ huynh đồng tình ủng hộ, các cấp, ngành đánh giá cao, vì thế duy trì từ năm 2015 đến nay. Tại liên hoan văn hóa - thể thao dân tộc thiểu số, học sinh của trường nhiều năm liền đạt giải cao và góp vào thành tích nhì toàn đoàn cấp huyện và được chọn tham gia cấp tỉnh. Liên hoan Văn hóa - Thể thao các DTTS tỉnh Bình Phước lần thứ VI/2019, huyện Lộc Ninh đoạt giải nhất toàn đoàn, trong đó học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh là nòng cốt. Ngoài học nhạc cụ dân tộc, từ nhiều năm nay trường hợp đồng giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện duy trì dạy học Ngữ văn Khơme cho học sinh, 1 tiết/tuần, từ lớp 6 đến lớp 9.

Trường có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 12 giáo viên đứng lớp với trình độ trên chuẩn 84%. Đội ngũ giáo viên luôn nhiệt huyết, yêu nghề, hết lòng với học sinh, tích cực tham gia phong trào thi đua “2 tốt”. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2017-2018, trường có 2 giáo viên đạt giải và hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2018-2019, trường có 6 giáo viên đạt giải, chiếm 50%. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được khẳng định, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi 2 năm gần đây luôn đạt trên 73%; hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 96%. Hằng năm, trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, mỗi năm từ 3-7 em. Học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9, phần lớn đều thi đậu lớp 10 Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh và các trường THPT trên địa bàn huyện. Trong số đó có nhiều em đậu đại học, ra trường có việc làm ổn định. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2008-2018, có 28 cựu học sinh của trường thành đạt, trong đó 11 người đang công tác trong ngành công an.

Thầy Trần Ngọc Ái gắn bó với trường từ lúc thành lập cho biết: Các thế hệ học sinh của trường luôn ngoan, hiền, chăm học và từ trước đến nay không có tình trạng bạo lực học đường. Dù ra trường nhiều năm nhưng các em vẫn luôn nhớ đến thầy cô, tích cực ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài của trường.

Với những thành tích nổi bật trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, 2 năm học liên tiếp 2016-2017 và 2017-2018, trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
88479

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu