Thứ 5, 28/03/2024 20:45:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:09, 07/05/2017 GMT+7

Những vướng mắc trong hoạt động ở trạm y tế xã

Chủ nhật, 07/05/2017 | 15:09:00 1,350 lượt xem

BP - Sau khi thực hiện thông tuyến, hầu hết trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều vắng vẻ. Đã vắng bệnh nhân, cộng thêm thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc men…, nhân viên các trạm y tế càng công tác lâu năm càng lụt nghề, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân gần như mất hẳn chức năng. Thực tế đó đang đặt ra vấn đề: Ngành y tế cần sắp xếp lại hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn hợp lý, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Đìu hiu trạm y tế xã

Chỉ cách Trung tâm Y tế thị xã Phước Long chưa tới 1km, nhưng suốt buổi sáng khi chúng tôi đến, nhân viên Trạm Y tế phường Thác Mơ chỉ tiếp một cụ già đến nhận thuốc tâm thần cho con. Theo báo cáo của trạm, năm 2016 các chỉ tiêu khám và điều trị tại trạm đều giảm. Y sĩ Khuất Thị Nhạn, Trưởng trạm Y tế phường Thác Mơ cho biết: Các chỉ tiêu giảm một phần là do cấp trên giao chỉ tiêu chưa sát, nhưng chủ yếu do trạm gần Trung tâm Y tế thị xã, không có bác sĩ, xung quanh có đến chục phòng mạch tư nhân. Từ khi thực hiện thông tuyến đến nay, mặc dù phường Thác Mơ có tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế cao nhất thị xã (gần 80%) nhưng hầu hết bệnh nhân đều chọn cơ sở khám, chữa bệnh có trang thiết bị hiện đại, có bác sĩ... Vì vậy, người dân hầu như không còn mặn mà đến trạm y tế khám chữa bệnh như trước. Nhân viên của trạm hiện chủ yếu làm công tác dự phòng.

 

Trạm Y tế xã Long Giang vắng người đến khám, chữa bệnhTrạm Y tế xã Long Giang vắng người đến khám, chữa bệnh

26 năm công tác tại trạm y tế xã, y sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng trạm Y tế xã Long Giang cho biết: Trước đây, có thời gian nhân viên trạm làm việc không ngơi tay, từ điều trị ban đầu đến dự phòng, tư vấn, tuyên truyền, vận động. Thế nhưng hiện nay, hầu hết không còn phát huy tác dụng như trước. Trạm Y tế xã Long Giang cả năm nay hầu như không có bệnh nhân nội trú. Trạm vẫn tồn tại một số bất hợp lý như xa khu dân cư, kinh phí hoạt động hằng năm thấp... nhưng chủ yếu người dân không đến là do có chỗ “lựa chọn tốt hơn”. Ông Minh thừa nhận hiệu quả khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã không cao và đang dần mất đi chức năng của trạm.

Nhiều bất cập cần giải quyết 

Ngày 22-3-2017, Sở Y tế Bình Phước đã có Công văn số 591/SYT-TCCB về việc đồng ý cho Trạm Y tế thị trấn Chơn Thành chỉ thực hiện công tác dự phòng. Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành đã có tờ trình xin chủ trương của sở để Trạm Y tế thị trấn Chơn Thành không làm công tác cấp cứu ban đầu và khám, chữa bệnh do trạm gần Trung tâm Y tế huyện, các phòng khám đa khoa tư nhân.

Thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường trên địa bàn, Trung tâm Y tế thị xã Phước Long nhận thấy có nhiều bất cập. Hiện nhân sự tại các trạm y tế xã, phường theo chuẩn phân bố chưa đủ chức danh, đặc biệt 7/7 trạm không có bác sĩ. 31/42 nhân viên y tế thôn bản tại các phường không có phụ cấp nên hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Điều kiện kho bảo quản thuốc tại các trạm không đạt quy định vì không có tủ biệt trữ (trừ kho thuốc của Trạm Y tế phường Phước Bình được lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực); số lượng thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền thấp (trung bình từ 18-37%) không đạt cơ số theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bình quân trang thiết bị y tế tại các trạm khoảng 62%, nhưng trang thiết bị hư hỏng lại chiếm đến 18%. Đáng nói là trang thiết bị y tế cấp về các trạm hầu như không được sử dụng, điều kiện bảo quản không tốt dẫn đến hư hỏng và các trạm cũng không báo cáo bổ sung. Việc quản lý sổ sách trang thiết bị y tế ở các trạm không chặt chẽ, có trạm lập sổ nhưng không cập nhật tình trạng sử dụng, thậm chí có trạm không mở sổ quản lý trang thiết bị. Chỉ tiêu khám, chữa bệnh thực tế tại các trạm đạt rất thấp, một vài số liệu báo cáo không đúng. Trong những lý do tỷ lệ khám, chữa bệnh đạt thấp còn do năng lực chuyên môn tại các trạm hạn chế, thực hiện danh mục kỹ thuật kém hiệu quả.

Bác sĩ Phạm Đức Thành, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long cho biết,  thực hiện Quyết định số 2038/QĐ-UBND ngày 1-8-2016 của UBND tỉnh về thành lập các trung tâm y tế huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế, đến nay công tác y tế trên địa bàn thị xã có nhiều chuyển biến, nhất là chức năng phòng, chống dịch bệnh được quan tâm đúng mức. Qua đó đã tạo thế chủ động, công tác dự phòng phát triển có chiều sâu, được nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, chức năng khám, chữa bệnh của các trạm y tế xã chưa mang lại hiệu quả. Mặc dù hằng tuần theo đề nghị của các trạm, trung tâm y tế đã phân công 1-2 bác sĩ về hỗ trợ cơ sở nhưng kết quả vẫn không cải thiện. Với thực tế này, bác sĩ Thành đề xuất ngành y tế sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các trạm y tế xã, phường, nhất là những trạm y tế gần trung tâm.

Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn thường có 5 biên chế và được cấp một khoản kinh phí hoạt động nhất định. Ước tính trung bình mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi từ 250-300 triệu đồng để duy trì hoạt động một trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, với xu thế phát triển và xã hội hóa y tế ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, ngành y tế cần khảo sát, nắm được còn bao nhiêu trạm y tế hoạt động không hiệu quả để tổ chức sắp xếp lại, tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

P. Dung

  • Từ khóa
108630

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu