Thứ 7, 20/04/2024 17:21:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:49, 28/10/2016 GMT+7

Những vướng mắc khi thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, nội vụ và tư pháp

Thứ 6, 28/10/2016 | 14:49:00 1,028 lượt xem

BPO - Hiện nay, việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác quản lý ngành một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều bất cập, một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chuyên ngành ở địa phương và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Những khó khăn, vướng mắc trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp từ kiến nghị của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, giải quyết:

Việc xử phạt tước giấy phép lái xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ trên thực tế có vướng mắc gây khó khăn cho các cán bộ khi xử lý tình huống. Ảnh chụp: Tổ tuần tra số 2 - Công an tỉnh, xử lý trường hợp vi phạm giao thông tại Km 65 đường ĐT741Việc xử phạt tước giấy phép lái xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ trên thực tế có vướng mắc gây khó khăn cho các cán bộ khi xử lý tình huống. Ảnh chụp: Tổ tuần tra số 2 - Công an tỉnh, xử lý trường hợp vi phạm giao thông tại Km 65 đường ĐT741 - Ngân Hà

Lĩnh vực đầu tư:

Đề nghị Quốc hội xem xét sớm có kế hoạch phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2016-2020 để làm cơ sở cho các địa phương tính toán, phân bổ chi tiết vốn đầu tư tại địa phương.

Hiện tại vấn đề  quản lý đầu tư đối với từng nguồn vốn quy định tại  Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Đầu tư công năm 2014 có sự mâu thuẩn, gây khó khăn cho cơ quan quản lý ngành khi áp dụng. Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định rõ về hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công (gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước,…). Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định có sự khác nhau trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách (phần vốn nhà nước ngoài ngân sách có nhiều loại, trong đó có nhiều nguồn thuộc vốn đầu tư công như nêu trên); Luật Xây dựng cũng không định nghĩa hoặc chỉ rõ vốn nhà nước ngoài ngân sách là những nguồn cụ thể nào? Đối với dự án sử dụng nhiều nguồn vốn (sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư công khác ngoài ngân sách) thì phải thực hiện thế nào? Đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất nội dung này.

Lĩnh vực nội vụ:

Việc thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế hiện nay có nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các quy định sau:

Hiện tại có một số cán bộ, công chức, viên chức khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng chưa đến mức phải nhập viện dài ngày, nếu tiếp tục công tác thì hiệu quả giải quyết công việc không cao. Mặt khác, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị ốm đau thường không có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm chi trả trợ cấp ốm đau. Đề nghị sửa đổi nội dung điểm g, khoản 1, điều 6 của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho phù hợp như sau: “sức khỏe yếu từ 61% trở lên trong hai năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế theo bản giám định sức khỏe của cơ quan có thẩm quyền”.

Đề nghị bỏ nội dung: “thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền” quy định tại khoản 6, điều 6 để tránh trường hợp những người công tác tại các tổ chức hội trong biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao mà không có chuyên ngành đào tạo phù hợp, không có trình độ chuyên môn hay được phân loại đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ mà không có cơ sở để xếp vào danh sách tinh giản biên chế.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 27, Nghị định 56/2015/NĐ-CP thì viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng quy định tiêu chí thấp hơn, vì tiêu chí này rất khó thực hiện trên thực tế, làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá viên chức.

Hiện nay Phòng Pháp chế thuộc 14 sở trên địa bàn tỉnh được thành lập theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ hoạt động không có hiệu quả, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ đề ra. Đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Tư pháp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế theo hướng không nên quy định Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quy định tại các thông tư hướng dẫn liên Bộ hiện hành thì một số phòng chuyên môn cấp huyện như Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, điều này gây khó khăn cho hoạt động của các phòng chuyên môn. Đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất với các Bộ liên quan xem xét quy định bổ sung các phòng chuyên môn cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định được thuận tiện, hiệu quả cao.

Hiện tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tuyển dụng và ký hợp đồng lao động dài hạn với 236 lao động. Qua thời gian làm việc nhận thấy số lao động này đã công tác ổn định và có nhiều đóng góp cho tỉnh nhà. Đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm, xem xét bổ sung 236 biên chế công chức cho tỉnh Bình Phước để làm thủ tục cấp biên chế cho số lao động này để các đối tượng yên tâm công tác.

Lĩnh vực tư pháp:

Công tác theo dõi thi hành pháp luật là một lĩnh vực mới, phức tạp và khó khăn trong quản lý nhà nước, do đó một số lãnh đạo, cán bộ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật, việc triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn lúng túng. Công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trọng tâm vẫn còn thụ động, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực với các cơ quan có thẩm quyền chung; giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan hành chính với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, HĐND các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan Báo, Đài ở địa phương. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng quy định tiêu chí cụ thể làm căn cứ để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật, chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm pháp luật trong thực tiễn và quy định quy chế cho việc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi khi phát hiện có sai sót để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, số lượng, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức và bổ sung biên chế cho các địa phương để bố trí vào công tác theo dõi thi hành pháp luật, khắc phục tình trạng thiếu và yếu trong đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các địa phương, đảm bảo việc theo dõi thi hành pháp luật hiệu quả.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục hoàn chỉnh các quy định pháp luật chung về XLVPHC, xử lý kịp thời những bất cập, không khả thi, không thống nhất trong các văn bản pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC nhằm tạo điều kiện cho các ngành, các cấp dễ áp dụng trong công tác xử lý vi phạm hành chính như quy định về xác định mức trung bình khung tiền phạt cho phù hợp đối với những vi phạm hành chính khi không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30-3-2016 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và tăng cường các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng và tích hợp số liệu xử lý vi phạm hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định về quản lý, sử dụng kinh phí cho các hoạt động liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ được giao.

Về lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính:

Về việc xử phạt tước giấy phép lái xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ trên thực tế có vướng mắc gây khó khăn cho các cán bộ khi xử lý tình huống trên thực tế. Cụ thể có những trường hợp khi kiểm tra xử lý vi phạm hành chính thì giấy phép lái xe của người vi phạm đã bị cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt trước đó lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe (thời gian hẹn xử lý trong biên bản còn hiệu lực). Vì vậy, khi ra quyết định tước giấy phép lái xe của người vi phạm thì không có giấy phép lái xe để tạm giữ. Đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn rõ hơn về các trường hợp bị tước giấy phép lái xe để công tác xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được thống nhất.

Khoản 3 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác”. Tuy nhiên, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định rõ vấn đề này để áp dụng trong thực tiễn, do đó trong quá trình áp dụng, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn mập mờ, lúng túng. Ví dụ như ở cấp xã Trưởng Công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng khi Trưởng Công an xã đi vắng có thể Ủy quyền cho Phó trưởng Công an xã được không? Vì Phó trưởng Công an xã không phải là công chức. Mặt khác, đối với các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính khác (tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…), Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không quy định việc giao quyền cho cấp phó trong việc áp dụng các biện pháp này dẫn đến sự lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về vấn đề giao quyền cho cấp phó trong công tác xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP để việc thực hiện được thống nhất.

Tôn Ngọc Hạnh
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

  • Từ khóa
16724

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu