Thứ 4, 24/04/2024 03:55:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:55, 23/07/2014 GMT+7

Những việc làm phạm pháp của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma

Thứ 4, 23/07/2014 | 13:55:00 2,521 lượt xem
BP - Ngày 16-7-2014, giàn khoan Hải Dương 981 cùng toàn bộ tàu hộ tống của Trung Quốc đã di chuyển về phía đảo Hải Nam. Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này Bắc Kinh lại ráo riết đẩy mạnh hoạt động bất hợp pháp trên bãi đá Gạc Ma, một trong 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm lược năm 1988. Họ muốn biến nơi này thành khu đảo nhân tạo, thiết lập căn cứ quân sự có sân bay, cầu cảng hiện đại, làm tiền đồn án ngữ tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới trên biển Đông.

Đảo Cô Lin, phía xa là quang cảnh tàu Trung Quốc thi công trên đảo Gạc Ma

 
Nhìn trên bản đồ, địa danh Gạc Ma hiện hữu tại tọa độ 9o43'9"N-114o16'57"E, nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là đảo đá chìm, chỉ nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống, có vị trí chiến lược quan trọng ở đầu nút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Cuộc chiến đấu để bảo vệ đảo Gạc Ma của lực lượng hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 là một trong những trang sử bi hùng của dân tộc. Hơn 26 năm đã qua, trận hải chiến này vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, khi nhiều thi thể chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vẫn còn nằm lại nơi biển sâu. (*)

Ngày 14-5-2014, Trung Quốc đã chính thức xác nhận họ đang có nhiều hoạt động xây dựng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, hòn đảo nhân tạo do Viện Nghiên cứu và Thiết kế đóng tàu số 9 (NDRI), có trụ sở ở Thượng Hải triển khai. Vị trí đảo nhân tạo dự kiến ở quanh bãi Gạc Ma. Trung Quốc dự kiến xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và cảng hải quân trên hòn đảo nhân tạo. Nơi đây sẽ được sử dụng với mục đích chính là tăng khả năng phản ứng nhanh cho các chiến hạm và lực lượng an ninh hàng hải của Trung Quốc nếu có sự cố xảy ra trong khu vực. NDRI cũng đã tiết lộ hình ảnh phác họa căn cứ quân sự ở Gạc Ma. Còn Báo Want China Times (Đài Loan) dẫn nguồn Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với đầy đủ sân bay và hải cảng. (1)

(*) Ngày 14-3-1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma, HQ 605 ở đảo Len Đao và HQ 505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc Việt Nam, nổ súng vào bộ đội ta. Bị tổn thất và hy sinh nhưng bộ đội ta với tinh thần kiên cường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền đảo Cô Lin và Len Đao, tiếp tục triển khai đóng giữ bảo vệ thắng lợi Đá Nam và Đá Thị ở phía bắc quần đảo”. (Trích Lịch sử Vùng 3 hải quân)

Ông Dương Minh Thạnh, một ngư dân và là chủ tàu cá QNg 96079 TS ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu tháng 5-2014, khi cho tàu vươn khơi xa vùng biển Trường Sa của Việt Nam để đánh cá thì phát hiện rất nhiều tàu quân sự, vận tải của Trung Quốc đang bơm cát, xây dựng công trình tại khu vực các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cách đảo Cô Lin chừng 5 hải lý về phía Tây. Ông Thạnh nói: “Mỗi tàu hút cát đều có vòi rồng công suất lớn, họ hút cát quanh khu vực đảo Cô Lin đưa lên tàu vận tải rồi chuyển về Gạc Ma để bồi đắp. Thấy tàu cá của ngư dân mình tiếp cận đảo Gạc Ma, tàu quân sự Trung Quốc nổ súng uy hiếp, nhiều loạt đạn chỉ cách tàu mình vài sải tay”. Theo ông Thạnh, tại vùng biển quanh đảo Gạc Ma, hàng chục tàu vận tải cùng tàu hút cát trọng tải hàng chục ngàn tấn của Trung Quốc ngày đêm làm việc hết công suất. Nhiều bãi cát được hút lên đổ tràn trên đảo Gạc Ma, nhiều phương tiện máy móc có cả cần cẩu, máy ủi đang thi công các công trình quân sự. Phía ngoài biển có 2 tàu hộ vệ tên lửa và tàu hải cảnh án ngữ không cho tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến gần sát đảo. (2)

Các hoạt động trên Gạc Ma và các bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra gần như đồng thời với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy tất cả đều có sự liên kết với nhau, là sự bố trí, sắp xếp được tính toán bài bản của một chiến dịch hành quân xâm lăng kiểu mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, về bản chất vụ Trung Quốc biến Gạc Ma và một số đảo chìm khác ở Trường Sa thành đảo nổi nhân tạo lại nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, bởi đây là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên quần đảo Trường Sa chứ không còn là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn nữa, vị trí của nhóm đảo Gạc Ma nằm về phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, trực tiếp đối diện và gần bờ biển miền Trung Việt Nam, rất gần với khu vực thềm lục địa, nơi hiện nay chúng ta đang khai thác dầu khí. Do đó nếu nhóm đảo Gạc Ma trở thành “một tàu sân bay cố định” sẽ là mối hiểm họa khôn lường đối với an ninh của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, những hành động phạm pháp của Trung Quốc ở Trường Sa hay vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa đều nhằm tới mục đích biến các đảo chìm, bãi cạn thành đảo nổi để cố tình gán ghép chúng thành các thực thể thuộc 2 quần đảo này và giải thích nó là “quốc gia quần đảo” để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Từ đó họ có thể mở rộng thềm lục địa nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” đầy tham vọng và phi lý. Với những gì Trung Quốc đang làm ở Trường Sa và mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của nó, chúng ta cần phải chủ động ứng phó, lên án và vạch trần những thủ đoạn này của Trung Quốc trước dư luận quốc tế.

Trung Lương (tổng hợp)
(1) Theo datviet.vn
(2) Theo Báo điện tử VTC News, ngày 16-6-2014.

  • Từ khóa
11429

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu