Thứ 7, 20/04/2024 20:40:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:53, 13/02/2014 GMT+7

Ai là người trong diện tinh giản biên chế?

Thứ 5, 13/02/2014 | 10:53:00 165 lượt xem

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành ở trung ương và địa phương, người dân. Theo dự thảo nghị định này, sẽ có 5 trường hợp nằm trong diện xét tinh giản biên chế sắp tới, gồm:

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có 2 năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày. Thứ hai là cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác. Thứ ba là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hóa hoặc giao, bán, giải thể, phá sản... Thứ tư là người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. Thứ năm là những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn...

Theo dự thảo, đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55 đến 58 tuổi đối với nam và từ 50 đến 53 tuổi đối với nữ, đồng thời phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Số đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phận khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh 3 tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm. Riêng với những người thôi việc, ngoài được 3 tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm. Cũng theo dự thảo nghị định này, từ nay đến 2020, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100 ngàn người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Mặc dù nội dung trên đây mới chỉ là dự thảo, song điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là phải đảm bảo tinh giản đúng người, đúng chỗ. Điều này có nghĩa là việc sắp xếp lại nhân sự theo hướng hợp lý hơn, người nào có trình độ bị phân công nhiệm vụ chưa phù hợp thì phải bố trí lại công việc. Người không đủ năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy, kể cả đối tượng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Vì xưa nay chỉ thấy “tinh giản” nhân viên chứ chưa “tinh giản” thủ trưởng, thủ phó.

Bên cạnh đó, các tiêu chí để tinh giản biên chế cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng. Nếu quy định như trong dự thảo rằng “người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”, là một khái niệm rất trừu tượng, khó xác định vì chưa có tiêu chí để xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực...

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu