Thứ 6, 19/04/2024 23:55:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:07, 01/03/2018 GMT+7

Những “từ mẫu” ngành y

Thứ 5, 01/03/2018 | 15:07:00 122 lượt xem
BP - Trong xã hội hiện đại, so với nam giới, phụ nữ ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, công sở theo quy định thì còn có vô vàn công việc không tên khi trở về nhà. Với phụ nữ ngành y, để hoàn thành được những trách nhiệm, bổn phận đó còn khó khăn hơn nhiều, bởi công việc của họ không chỉ gói gọn trong 8 giờ hành chính.

Là ngành nghề đặc biệt với sứ mệnh cao cả là cứu người và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc thù trong hoạt động của ngành y là phải tỉnh táo, khẩn trương để từng giây, từng phút giành giật sự sống cho người bệnh. Thời gian làm việc trong ngành y cũng mang tính đặc thù, liên tục cả ngày, đêm và diễn ra trong điều kiện không phù hợp với quy luật sinh lý con người. Ấy là chưa kể phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh đau đớn, hóa chất cùng chất thải độc hại và nguy cơ lây nhiễm bệnh cao... ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý của người làm ngành y, nhất là đối với những cán bộ, nhân viên nữ.

Nữ y tá Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tiêm chủng cho trẻ sơ sinh - (ảnh minh họa) - K.B

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, số cán bộ, công chức, viên chức và lao động nữ chiếm khoảng 62% tổng nhân lực toàn ngành y tế tỉnh Bình Phước. Trong số đó, tuyến tỉnh chiếm khoảng 29%; tuyến huyện, thị 47% và tuyến xã, phường 24%. Về trình độ chuyên môn, 20% có trình độ đại học và sau đại học; 76% trình độ cao đẳng, trung cấp và khoảng 5% là nhân viên hợp đồng không trực tiếp thực hiện các hoạt động chuyên môn.

Hiện tại, 62% cán bộ, nhân viên nữ ngành y, tương đương khoảng trên 2.000 chị là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên... đang làm việc tại khoa, phòng của các bệnh viên, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường... Với chuyên môn được đào tạo và bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc; đồng thời với sự dịu dàng, giỏi chịu đựng của giới nữ, các chị đang ngày đêm thầm lặng thực hiện những công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân từ đô thị đến nông thôn vùng sâu, vùng xa. Chính sự cần mẫn, tận tâm trong công việc của các chị đã góp phần nâng cao chất lượng của các hoạt động vì sức khỏe nhân dân mà ngành y tế tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả ngày càng cao hơn.

Trong tổng số trên 2.000 cán bộ, nhân viên nữ ngành y, có khoảng 250 chị, tương đương 12% làm công tác lãnh đạo, quản lý như: giám đốc, phó giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; trưởng, phó các khoa, phòng chuyên môn tại các bệnh viện, trung tâm y tế và trưởng, phó các trạm y tế cấp xã. Là những người được đào tạo bài bản, có vị  trí khoa học, năng lực sáng tạo, dù phải gánh vác trên vai cả thiên chức người vợ, người mẹ, người làm công tác khoa học và quản lý, song các chị luôn mẫu mực làm tròn vai người phụ nữ trong gia đình và không ngừng học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, nữ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh còn thường xuyên tham gia tích cực các phong trào thi đua được phát động sâu rộng trong toàn ngành cũng như trong mỗi đơn vị, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, như phong trào “2 giỏi” của nữ đoàn viên công đoàn, phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như các hội thi tay nghề giỏi của ngành...

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã có các chính sách thể hiện sự quan tâm trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm... chức danh lãnh đạo của ngành, trong đó chú trọng bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ. Nhiều chị sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng trở về đã được sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn. Tuy nhiên, trong công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Theo quy định của Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 5-3-2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức thì độ tuổi đi đào tạo sau đại học lần đầu không quá 40 tuổi, tính từ thời điểm được cử đi đào tạo. Tuy nhiên, Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 4-12-2013 của UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng thì điều kiện đi đào tạo sau đại học lần 2 phải sau 5 năm công tác kể từ ngày được cấp bằng đào tạo sau đại học lần đầu và có 2 năm đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên. Trong thực tế rất khó thỏa mãn được những yêu cầu này. Ví dụ, một viên chức nữ ngành y 39 tuổi được cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I, đến 42 tuổi mới được nhận bằng chuyên khoa cấp I. Khi 48 tuổi mới đủ điều kiện đi học chuyên khoa cấp II nhưng lại không thỏa mãn được điều kiện thời gian cam kết phục vụ gấp 3 lần thời gian đào tạo theo quy định, vì nữ nghỉ hưu ở tuổi 55. Như vậy, phụ nữ ngành y rất ít cơ hội để đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, là cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho rằng, với những đặc thù về nghề nghiệp cũng như thời gian đào tạo, Bộ Y tế và các cấp chính quyền cần xây dựng chính sách ưu tiên cụ thể đối với cán bộ, công chức nữ ngành y, nhất là trong công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm.

Cho dù phải chịu những thiệt thòi cũng như đòi hỏi cao của nghề nghiệp, nhưng từng ngày từng giờ, những phụ nữ ngành y vẫn ân cần, lặng lẽ làm công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ bệnh nhân, để người dân trong tỉnh luôn yên tâm khi biết rằng bên họ luôn có những từ mẫu.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
60301

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu