Thứ 5, 25/04/2024 17:59:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:21, 05/08/2015 GMT+7

NHỮNG TRIỆU PHÚ NGƯỜI DTTS Ở HỚN QUẢN: Giàu có nhờ cần cù, siêng năng…

Thứ 4, 05/08/2015 | 14:21:00 190 lượt xem
BP - Không bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, nhiều gia đình nông dân người dân tộc thiểu số ở Hớn Quản đã vươn lên làm giàu nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi.

Sống chủ yếu ở các ấp, sóc xa trung tâm xã, trình độ dân trí thấp, ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng nên việc nắm bắt tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi còn nhiều hạn chế, thế nhưng nhiều gia đình người dân tộc thiểu số lại không chịu thua kém người Kinh trong chuyện làm giàu.

“Đất đẻ đất...”

Đó là cách làm giàu của anh Lâm Văn Thành, SN1983, dân tộc Tày, ở ấp Chà Lon, xã Minh Đức. “Năm 2006 tôi lập gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn. Tôi luôn suy nghĩ phải làm cách nào để ổn định cuộc sống lâu dài. Vợ chồng tôi được cha mẹ cho 1 ha đất trồng điều. Hết mùa thu hoạch điều, chúng tôi tranh thủ đi làm thuê. Nhờ tiết kiệm, đến năm 2008, tôi mua thêm 1 ha cao su cạo. Cứ như vậy, hằng năm vợ chồng tôi tiết kiệm mua thêm đất để trồng trọt...” - anh Thành chia sẻ.

Hiện vợ chồng anh Thành đã có 8 ha đất, gồm cao su, điều và tiêu đang cho thu hoạch. Việc làm ăn của họ vẫn chưa dừng ở đó. Anh Thành còn mở tiệm buôn bán tạp hóa, thu mua nông sản, chăn nuôi heo, gà... Nông dân trẻ người Tày cho biết, hằng năm, gia đình anh đã tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu trên 300 triệu đồng.

Kế hoạch hóa gia đình

Sớm nhận thức được điều này, chị Thị Mương, SN1966, ngụ ấp Bù Dinh, xã Thanh An là người tiên phong chứng minh cho bà con đồng bào Xêtiêng của mình thấy: Sinh nhiều con để gia đình có nhiều lao động - không phải là cách thoát nghèo như quan niệm truyền thống.

Chị Mương lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn, lại phải nuôi mẹ già và người cha bị khiếm thị. Năm 1990, tức 7 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị mới sinh con đầu lòng. 9 năm sau, họ sinh đứa thứ hai và là người con út của gia đình chị. Kinh tế gia đình chị Mương dần khá lên nhờ chăm chỉ làm lụng. Từ nuôi gà lấy vốn để nuôi heo, bán heo gom vốn mua trâu... Cứ thế, chị góp nhiều cái nhỏ để thành cái lớn. “Làm được 100 ngàn đồng thì giữ lại ba bốn chục ngàn đồng chứ không dám tiêu xài hết” - chị Mương lấy ví dụ để giải thích về quá trình tích lũy làm giàu của gia đình mình.

Năm 2014, huyện Hớn Quản có khoảng 4.300 hộ dân tộc thiểu số thì có đến gần 600 hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Tức là cứ khoảng 7 hộ thì có 1 hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi. Trong số đó, 1 hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh cấp trung ương, 15 hộ cấp tỉnh và 108 hộ cấp huyện.

Ngoài sở hữu 10 ha đất trồng cao su, điều, lúa và tiêu, hiện gia đình chị Mương còn có 2 xe công nông, 1 máy chà lúa, một đàn trâu và nhiều tài sản có giá trị khác. Hằng năm, ngoài tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, gia đình chị Mương còn tiết kiệm được vài trăm triệu đồng.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật

Anh Điểu Gel, SN1973, ngụ ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng nói: “Trước năm 2000, tôi chỉ biết cuốc đất trồng cây, không biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, điều trị bệnh trên cây trồng và vật nuôi nên thu nhập của gia đình không được bao nhiêu...”. Anh Gel đã viết đơn xin vào hội nông dân. Nhờ tích cực tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về chuyển giao khoa học - kỹ thuật tại địa phương, tham quan các mô hình sản xuất - kinh doanh ở nhiều nơi, anh Gel đã học được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế gia đình từ đó cũng “phất” lên nhanh chóng.

Với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động, gia đình anh Gel còn đóng góp mỗi năm hàng chục triệu đồng để giúp đỡ các hộ nghèo và xây dựng đường liên thôn trong xã.              

Quang Trung

  • Từ khóa
38906

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu