Thứ 5, 25/04/2024 04:21:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:40, 27/07/2017 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017)

Những thương binh giỏi ở Bình Long   

Thứ 5, 27/07/2017 | 13:40:00 1,938 lượt xem
BP - Thị xã Bình Long hiện có 1.843 đối tượng người có công và thân nhân người có công, trong đó có 28 Mẹ Việt Nam anh hùng cùng 183 thương - bệnh binh. Điều đáng nói là nhiều thương - bệnh binh đã không ỷ lại chính sách của Nhà nước mà nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

Giúp ích cộng đồng

Ông Nguyễn Phước Lộc ở khu phố Phú Bình, phường An Lộc tham gia Đội công binh Chơn Thành từ năm 1975 và tình nguyện lên đường chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng Pol Pot. Trong một trận đánh, ông vĩnh viễn mất đi một mắt và bị rất nhiều vết thương trên cơ thể. Từ một thanh niên tràn đầy sức sống trở thành người tàn phế, có lúc ông suy nghĩ tiêu cực, nhưng được đồng đội và người thân động viên đã tiếp thêm nghị lực giúp ông gây dựng cuộc sống. Về Bình Long lập nghiệp từ năm 1992 với nhiều khó khăn nên việc gì ông cũng làm, từ chăn nuôi đến phụ vợ buôn bán tại chợ Bình Long. Nhờ có thêm nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống và nuôi 2 con ăn học thành tài. Từ một hộ có mức sống trung bình đến nay gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá và giúp đỡ nhiều hộ khó khăn trong khu dân cư. 

Ông Nguyễn Phước Lộc

Là thương binh hạng 1/4, sức khỏe yếu, nhưng ông Lộc luôn cố gắng sắp xếp việc gia đình, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Từ khi phát động cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (năm 1989) đến nay, ông đã giúp 14 địa chỉ nhân đạo và đang vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ 2 cháu khó khăn, tàn tật tại khu dân cư với mức 200-300 ngàn đồng/tháng. Ông còn giúp hộ khó khăn trong khu dân cư vay tiền không lãi, trợ giúp gà giống, ủng hộ tiền xây nhà tình thương... Thấu hiểu nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam, với cương vị Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường, ông không chỉ dành nhiều thời gian đến thăm hỏi, động viên mà còn vận động tặng quà nhân dịp lễ, tết, giúp họ vơi bớt phần nào nỗi đau về tinh thần. Nghị lực và những việc nghĩa của ông Lộc đã thể hiện rõ tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế - xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Xây dựng gia đình cách mạng kiểu mẫu

34 năm cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên chiến trường Đông Nam bộ, ông Trương Văn Thọ, đảng viên 55 tuổi Đảng, thương binh 3/4 ở phường Phú Đức được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba cùng hơn 100 bằng khen, giấy khen do các cấp khen tặng... Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông khi trở về cuộc sống đời thường đó là nhiều năm liền được UBND thị xã Bình Long công nhận gia đình cách mạng gương mẫu, người công dân kiểu mẫu, gia đình văn hóa tiêu biểu.

Ông Trương Văn Thọ

Hiện 3 người con của ông bà đều có công việc ổn định, kinh tế khá giả và các cháu chăm ngoan, học giỏi. Đã bao lần vào sinh ra tử, nhiều lúc tưởng chừng cận kề cái chết đã hun đúc cho ông một trái tim nóng và tinh thần sắt đá. Do vậy, ông luôn xác định, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt là cơ sở để xây dựng một xã hội bền lâu.

Bước vào nhà ông, ngay trong phòng khách chúng tôi thấy trưng bày rất nhiều giấy khen, bằng khen và tràn ngập hình ảnh gia đình hạnh phúc. Trên bàn thờ, 3 tấm hình lớn của C.Mác, Lênin và Bác Hồ được treo trang trọng. Ông nói, cả đời ông và con cháu nguyện tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Ông chia sẻ: “Trong tổ chức hoạt động của gia đình ba thế hệ, người lớn phải làm gương cho con cháu. Thứ hai phải phát huy dân chủ tại chính gia đình để đảm bảo sự công bằng cho mọi thành viên. Mỗi khi có việc quan trọng đều họp gia đình để bàn bạc, đồng thời lắng nghe ý kiến mỗi người, từ lớn đến nhỏ để sửa chữa khuyết điểm, hoàn thiện bản thân. Các cháu khi đạt thành tích ở trường đều được ông bà khen thưởng”.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia công việc ở khu dân cư và là thành viên ban công tác dân vận khu phố, ban hòa giải khu phố, ban bảo vệ vệ sinh môi trường... Gia đình ông còn là điển hình trong các phong trào văn hóa - văn nghệ, như: Dự thi ngày hội gia đình cấp thị xã và tỉnh; tham gia game show truyền hình trên HTV7 được công nhận là gia đình tài tử; các cháu là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt tại trường học...

Người bệnh binh gương mẫu

Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trở về cuộc sống đời thường, ông Phan Kim Toàn, bệnh binh 2/3 ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương luôn tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động của địa phương và xây dựng kinh tế gia đình vững chắc. Hiện ông đã gây dựng được một cơ ngơi khang trang với mức thu nhập bình quân mỗi năm 300-400 triệu đồng từ trồng tiêu và chăn nuôi heo, dê sinh sản. Để có được thành quả như vậy, ông phải luôn tìm tòi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng và tận dụng nguồn phân heo, dê bón cho vườn tiêu giúp giảm chi phí đầu tư.

Ông Phan Kim Toàn

Ấp Thanh Hải hiện có 80% hộ làm nông nghiệp, chủ yếu trồng tiêu, cao su. Đến Thanh Hải hôm nay, đường bê tông đã vào tận cuối xóm, hai bên đường là những vườn tiêu xanh tốt, cao su bạt ngàn... Sự thay đổi này có một phần đóng góp của ông. Được chi bộ tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, trong hai năm 2015-2016, ông cùng cấp ủy chi bộ và ban điều hành ấp vận động nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng làm 9,2km đường bê tông. Cách làm của ban vận động ấp là “Đầu tư có trọng điểm và hiệu quả”, lựa chọn nơi dễ làm trước, khó làm sau. Ông trực tiếp đi vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, góp công xây dựng các tuyến đường.

Với những nỗ lực của bản thân, ông vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND thị xã. Ông xứng đáng là người bệnh binh làm kinh tế giỏi, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và là tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
18504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu