Thứ 6, 19/04/2024 05:31:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:51, 07/06/2017 GMT+7

Những thông tin độc hại sẽ được ngăn chặn

Thứ 4, 07/06/2017 | 07:51:00 183 lượt xem
BP - Ngày 1-6-2017, trên báo điện tử Vietnamnet có đăng bài “Bị phạt hơn 4.000 USD chỉ vì bấm “Like” trên Facebook” của tác giả Tuấn Anh (theo Guardian). Nội dung bài báo cho biết: Một người đàn ông vừa bị tòa án Thụy Sĩ tuyên phạt tới 4.000 Francs (hơn 4.129 USD) chỉ vì bấm “Like” (thích) các bình luận có nội dung nói xấu hoặc phỉ báng trên Facebook.

Bài báo viết: Theo thông cáo của Tòa án quận Zurich (Thụy Sĩ), bị cáo 45 tuổi đã chỉ trích nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của động vật Erwin Kessler là phân biệt chủng tộc và theo chủ nghĩa bài Do Thái. Người đàn ông này cũng bấm like dưới nhiều bình luận của những người khác, có nội dung nói xấu hoặc phỉ báng ông Kessler. Những bình luận thóa mạ ông Kessler được đưa ra từ năm 2015, trong các cuộc tranh luận nảy lửa trên Facebook về việc nhóm hoạt động xã hội nào nên được cho phép tham gia một lễ hội đường phố dành cho người ăn chay. Nhật báo Tages Anzeiger của Thụy Sĩ đưa tin, ông Kessler sau đó đã kiện hơn 10 người tham gia vào cuộc khẩu chiến nói trên.

Minh họa: S.H

Rất nhiều người đã bị kết tội trong vụ kiện này, chủ yếu vì những bình luận của họ. Song, người đàn ông vừa bị phạt tiền có lẽ là trường hợp đầu tiên lĩnh án chỉ vì bấm like các bình luận của người khác. Chánh án thụ lý vụ việc giải thích, vấn đề không nằm ở chỗ các bình luận phỉ báng bắt nguồn từ bị cáo. Phán quyết của tòa nêu rõ, “thông qua việc bấm nút like, bị cáo rõ ràng xác nhận việc ủng hộ những nội dung sai trái và biến chúng thành của mình”. Theo vị chánh án, bị cáo đã không chứng minh được những bình luận mình thích trên Facebook là đúng sự thật. Đồng thời, bằng cách bấm nút Like những bình luận đó, anh ta đã phát tán chúng tới tất cả bạn bè của mình trên Facebook và do đó “khiến các bình luận sai trái tiếp cận đông đảo mọi người”. Hành vi của bị cáo được coi là “sỉ nhục danh dự của ông Kessler”. Vì vậy, anh ta bị tuyên phạt.

Sự việc này không chỉ là bài học đắt giá cho người đàn ông ở Thụy Sĩ nói trên, mà cho tất cả mọi người trên trái đất hôm nay (trong đó có tôi và chúng ta) đang sử dụng Facebook, Zalo, YouTube..., cần phải hết sức cẩn trọng, tỉnh táo trước khi bấm nút like, share, hay bình luận (comment) hoặc các thao tác khác trên mạng xã hội. Và thực tế cuộc sống cho thấy, bất kể điều gì cũng phải phù hợp, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng và đúng thời điểm thì mới đưa đến một kết quả tốt đẹp. Like - thích, cũng vậy, đó là hành động mang bản chất không xấu, nhưng vì nó không được sử dụng một cách “phù hợp” nên mang đến kết quả cũng không “phù hợp”. Vì thế, xin mọi người đừng bao giờ giết thời gian nhàn rỗi của mình bằng việc like dạo, like vô tội vạ, hoặc không suy nghĩ trước khi bấm like. Bởi nhiều khi chỉ cần một hành động dù là rất nhẹ nhàng và tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang đến tác hại khôn lường.

Ví dụ về việc này là vụ một nữ sinh ở Khánh Hòa đã đưa lên Facebook rằng khi “status (trạng thái) đạt 1.000 like” thì sẽ châm lửa đốt trường học ở gần nơi mình sống. Sau đó, status của nữ sinh này được cộng đồng mạng chia sẻ và số like đã đạt như mong muốn. Thực hiện đúng lời hứa, nữ sinh 13 tuổi đã tưới xăng trước phòng y tế trường THCS ở Khánh Hòa rồi châm lửa đốt. Thế mới biết lớp trẻ ngày nay có không ít người đang sống ảo và qua sự việc này mọi người cũng thấy rõ mặt trái của cộng đồng mạng tác hại đến cỡ nào. Sao họ không ủng hộ, chia sẻ việc làm tốt để giúp ích cho đời thay vì những việc điên rồ như thế này. Chưa hết, ngày nay có rất nhiều trang mạng được các thế lực thù địch, phản động lập ra và có máy chủ ở nước ngoài, với mục đích tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trên các trang mạng phản động này có không ít những bài viết chuyên dựng chuyện, vu khống, nói xấu chính quyền, kích động các phần tử thoái hóa, biến chất và bọn tội phạm làm những điều phi pháp. Nếu như ai đó bấm nút like thông tin này cũng có nghĩa là quan điểm của anh ta phù hợp nội dung được đăng tải. Và như vậy người này đã đồng lõa với kẻ xấu, những kẻ phản động và đã vi phạm pháp luật. Trong trường hợp dù người này có vô ý nhấn nhầm nút like do quen tay thì vẫn là vi phạm pháp luật và bị xử lý bởi lỗi vô ý.

 Vấn đề nữa đặt ra trong bài viết này là chỉ vì bấm like mà một công dân Thụy Sĩ bị phạt đến gần 100 triệu đồng tiền Việt Nam, vậy ở nước ta khi nào hành vi này mới bị xử lý? Và câu trả lời là không còn xa nữa, vì Bộ Thông tin - Truyền thông vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân. Nội dung dự thảo nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng. Cụ thể, tại Điều 90 của dự thảo nghị định có quy định như sau: Mức xử phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau đây: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Cung cấp các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; Cung cấp thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác.

Đối với các trang mạng cố tình không thực hiện việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi không có biện pháp quản lý hoặc phòng ngừa hoặc phát hiện hoặc ngăn chặn phát tán phần mềm độc hại; Không xử lý việc phát tán phần mềm độc hại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi không có hệ thống lọc phần mềm độc hại trong quá trình gửi hoặc nhận hoặc lưu trữ thông tin trên hệ thống; Không thực hiện phòng ngừa hoặc không ngăn chặn phần mềm độc hại theo hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 101).

Như vậy, nếu dự thảo nghị định được thông qua thì hành vi “Lén” xem Facebook của vợ sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng và hành vi không thực hiện việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại hoặc nói xấu, vu khống cá nhân, tổ chức cũng sẽ bị phạt nặng. Mong rằng, những quy định nêu trên sớm được Chính phủ thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn các trang mạng độc hại, đồng thời lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước đối với các trang mạng xã hội.

N.V

  • Từ khóa
29711

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu