Thứ 6, 19/04/2024 12:44:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:28, 21/03/2019 GMT+7

Những ồn ào không đáng có

Thứ 5, 21/03/2019 | 08:28:00 1,125 lượt xem
BP - Sau khi video/clip Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu tập thể dục giữa giờ trong một cuộc họp ngày 18-2-2019 được đăng tải trên kênh Youtube, những kẻ “ăn không ngồi rồi” liền chĩa mũi dùi xỉa xói, bêu rếu.

Trong video/clip nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện người lao động, nhất là giới văn phòng có đặc thù công việc là ngồi nhiều, từ đó dẫn đến mắc một số bệnh lý như đau mỏi cổ, vai gáy. Theo bà, việc tập thể dục giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như sức khỏe, vì vậy bà cảm thấy rất thiết thực. Thiết nghĩ, đó là những suy nghĩ và hành động tâm huyết, đúng đắn, khoa học của người đứng đầu ngành y tế, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không những không hưởng ứng, một số cư dân mạng lại lấy đó là nguồn đề tài để xuyên tạc, đả kích với những lời lẽ cay nghiệt. Họ cho rằng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang diễn kịch, chính bà đã và đang góp phần hủy hoại sức khỏe người dân Việt Nam bằng sự quản lý kém; rằng ngành y tế là “ung nhọt” của đất nước, một ngành đang “giết chết” đồng bào... Rất tiếc là những lời lẽ chua cay đó, những luận điệu võ đoán, thiếu căn cứ đó lại đánh lừa được không ít người nhẹ dạ cả tin với hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội.

Nhân câu chuyện tập thể dục của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng ta cùng luận bàn về sức khỏe của người dân Việt Nam hiện nay. Phải thừa nhận một thực tế đáng báo động rằng, chiều cao và cân nặng của người Việt Nam luôn xếp tốp cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới, nhưng về chỉ số uống rượu, bia và hút thuốc lá lại luôn đứng hàng đầu. Người Việt ngày càng lười vận động. Một số liệu nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho thấy, có tới 30% người trưởng thành Việt Nam thiếu vận động thể lực.

Và dù có gì đi chăng nữa thì tất cả chúng ta đều thống nhất nhận định rằng: Tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe. Những danh y từ cổ chí kim đều khuyên mọi người siêng năng tập thể dục để có một tinh thần thoải mái và cơ thể cường tráng, theo kiểu tay vận động - tốt cho não, hay người đến tuổi già thì phải rèn luyện, đi bộ, chạy chậm, luyện công, múa kiếm. Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, vận động thể lực thường xuyên, đúng cách giúp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp. Các chuyên gia tim mạch thế giới cũng khuyến cáo nên vận động hằng ngày ít nhất 30 phút.

Thần y cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa - Hoa Đà - vốn tinh thông phương mạch lại giỏi về đạo dẫn, vì vậy ông đã mô phỏng điệu bộ của các loại thú mà luyện tập thân thể, đến tuổi cao mà dung nhan vẫn như trai tráng. Môn khí công mà Hoa Đà luyện tập được ông đặt tên là Ngũ cầm hý. Hay Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ của nền y khoa Việt Nam, đã viết về tác dụng của việc luyện tập thân thể (võ thuật) trong tác phẩm kinh điển “Vệ sinh yếu quyết diễn ca”, đại ý như sau: Việc luyện tập võ thuật có nhiều tác dụng như giúp máu huyết lưu thông, tay chân lanh lợi, tinh thần thảnh thơi, khi máu huyết lưu thông thì sẽ không gây bệnh cho con người, ngược lại, máu huyết bế tắc, trì trệ thì sinh ra đau ốm, bệnh tật. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã khẳng định: Sức khỏe có vai trò to lớn trong cuộc sống của mỗi con người, của mỗi dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Người cho rằng, mỗi ngày tập một vài động tác thể dục, ngày nào cũng tập giúp khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, minh mẫn. Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người luôn dành một thời gian nhất định trong ngày để luyện tập các động tác võ nhằm rèn luyện sự dẻo dai, uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhanh nhạy và dứt khoát. Chính việc thể dục đều đặn, siêng năng là yếu tố hàng đầu giúp Bác có thể sống đến tuổi xưa nay hiếm, mặc dù ăn uống rất đạm bạc và điều kiện làm việc vô cùng vất vả.

Thực tế đáng mừng trong những năm gần đây là nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam về sự hữu dụng của việc tập thể dục đã được nâng lên rất nhiều. Đủ lứa tuổi, thành phần, tùy theo sở thích và điều kiện học tập, công tác, đã chú trọng hơn tới việc rèn luyện thân thể thông qua hoạt động thể dục thể thao. Nhiều trung tâm thể dục nhịp điệu, thể dục thể hình mà ta gọi là GYM được thành lập; nhiều dụng cụ thể dục đường phố được lắp đặt tại các công viên, nơi công cộng đã góp phần cải thiện tầm vóc và thể trạng người Việt Nam.

Trong khi đó, do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay lại chính là những người ít tập thể dục nhất trong toàn dân. Chính vì vậy, tranh thủ trong giờ làm việc tại công sở, trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để tập thể dục - dù chỉ một vài động tác cơ bản, nhanh chóng - cũng chính là biện pháp hữu hiệu để cải thiện sức khỏe cơ thể, sức khỏe tinh thần, tăng năng suất lao động, tạo hiệu quả nhất định trong công tác. Đó là biện pháp khoa học đã được tất cả chuyên gia y tế quốc tế công nhận.

Lời kêu gọi tập thể dục của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ngay tại hội trường chính là một biện pháp tuyên truyền, là cái tâm chân chính của người thầy thuốc; mỗi người góp một việc làm nhỏ để đem lại hiệu quả lớn - đó là nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, chỉ những kẻ không có tâm với đất nước, với Tổ quốc thì mới tức tối, khó chịu, kèn cựa, bêu rếu khi thấy mọi người khỏe mạnh, khi thấy người đứng đầu ngành y tế nước nhà kêu gọi và cổ vũ người dân hăng say tập thể dục, rèn luyện thân thể. Sự ồn ào dư luận những ngày qua là việc không đáng có, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh trước dư luận, cần có cách nhìn khách quan, toàn diện nhằm tránh sa vào bẫy dư luận phản tuyên truyền - một thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch mà chúng ta chưa thể loại trừ trong thời đại nhiễu loạn thông tin như hiện nay.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2836

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu