Thứ 6, 19/04/2024 21:56:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 14:20, 04/12/2018 GMT+7

Những nông dân dân tộc thiểu số tiêu biểu

Thứ 3, 04/12/2018 | 14:20:00 189 lượt xem
BP - Trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách thoát nghèo, nhiều nông dân dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Hớn Quản đã phát huy nội lực bản thân, chăm chỉ trong lao động để làm giàu, là tấm gương về tạo lập kinh tế. Họ được các cấp công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Điển hình là ông Điểu Sơn, anh Điểu Mạnh, hội viên nông dân ấp Sóc Lết, xã Tân Lợi.

Hăng say lao động

Dù gần 75 tuổi nhưng ông Điểu Sơn vẫn miệt mài làm việc. “Thời trai trẻ, ngày mới của tôi bắt đầu từ 1 giờ sáng với chiếc đèn đội đầu, làm đến khi nào mệt thì nghỉ, đói thì ăn, ăn xong làm tiếp, khi nào mặt trời lặn, không thấy đường thì về chứ không đặt chỉ tiêu làm được bao nhiêu phần việc” - ông Sơn kể với giọng nói sang sảng. Với cách làm đa canh, ông tính toán từng bước đi chắc chắn để khi cây này thất thu còn cây khác bù lại. Bởi vậy mà nhiều loại cây kinh tế chủ lực của Bình Phước như điều, tiêu, cao su, tầm vông, lúa ruộng... đều được trồng trên đất của ông.

Dù đã tuổi cao nhưng ông Điểu Sơn vẫn hăng say lao độngDù đã tuổi cao nhưng ông Điểu Sơn vẫn hăng say lao động

Ông Lê Văn Thú, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Sóc Lết nói về ông Điểu Sơn với sự cảm phục: “Ông Sơn dù tuổi cao nhưng rất hăng say lao động và đạt năng suất cao. Hôm nào cũng vậy, mới 6 giờ tôi đã thấy ông chạy chiếc xe cũ, cắt đầy một bao cỏ chở về cho bò. Một mình ông vừa đào cây lồng mức từ khắp nơi về làm trụ sống, rồi cuốc hố tự trồng hồ tiêu. Người dân ai cũng phục. Ông còn rất nhiệt tình, gương mẫu trong hoạt động xã hội, xây dựng nông thôn mới, tham gia hội đồng già làng, người cao tuổi”.

Công việc vườn rẫy tất bật nhưng ông Sơn luôn ưu tiên đầu tư cho các con học. Trong những người con của ông, 1 người tốt nghiệp trung cấp y, 1 người là Ấp đội trưởng, Bí thư Chi đoàn Sóc Lết. “Tôi thường động viên các con: Cha làm hết sức mình, “trồng cây”, mai này có “quả” các con thu hoạch. Các con tập trung lo học là cha vui rồi” - ông kể. Với khoảng 10,5 ha đất, trong đó 5 sào điều, 1 ha tiêu, 3,5 ha cao su, 8 sào lúa ruộng, còn lại là tầm vông cho thu lời trên 300 triệu đồng/năm là thành quả lao động hăng say của lão nông Điểu Sơn.

Một phần ấp Sóc Lết có địa hình dốc đứng hình chữ V với con suối ở chân dốc, trước đây “với chiếc cầu cây bắc qua suối”, chênh vênh, đi lại rất khó khăn, không ít lần mưa lớn trôi cầu, người dân hai bên bờ chỉ biết nhìn nhau. Thấy vậy, ông lấy phương tiện của gia đình chở đất đổ, chặt, chở cây, bỏ nhiều công cùng nhân dân làm cầu. Nay Nhà nước đã đặt cống, cải tạo con suối thành đường để thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Nhà nông năng động

 Càng thua lại càng quyết tâm theo đến cùng, đó là tính cách của anh Điểu Mạnh (42 tuổi). Trước đây, với địa thế đồi dốc, phù hợp phát triển cây tầm vông nên nhân dân Sóc Lết trồng loại cây này nhiều. Ngày ngày, thấy xe lái đến mua tầm vông rầm rập chạy ra - vào sóc, anh Mạnh trăn trở, người ta xứ khác phải tìm đến tận sóc mình để mua tầm vông, trong khi mình ở ngay “sân nhà” lại chỉ ngồi nhìn. Nghĩ là làm, anh lặn lội xuống tỉnh Bình Dương tìm mối tiêu thụ, sau đó thu mua tầm vông trong ấp và khu vực lân cận về giao lại cho họ. Tư duy “ông chủ” đã nung nấu trong anh từ khi mới 20 tuổi. Lúc đó, anh đã mạnh dạn đứng ra thuê nhân công mặc dù có những lần thua lỗ. Thấy không khá lên, có lần vợ anh cằn nhằn nói anh nghỉ đi buôn khi phải bù lỗ 20 triệu đồng cho một vườn mua mão. “Không chịu thua, từ từ, tôi rút kinh nghiệm, biết cách tính toán chặt chẽ hơn. Khi khách hàng có nhu cầu, tôi đến thăm vườn, thương lượng, trả giá với chủ, rồi thuê nhân công chặt cây, chất lên xe”... - anh Mạnh nói. Với 5 lao động thường xuyên chặt, thu gom tầm vông với mức lương 4 triệu đồng/tháng, quanh năm, cứ bình quân 3 ngày anh thu mua một lần từ 1-2 xe, trừ chi phí lãi vài triệu đồng/xe là chuyện bình thường.

Ngoài thu mua tầm vông, anh Điểu Mạnh còn tranh thủ phát triển kinh tế từ vườnNgoài thu mua tầm vông, anh Điểu Mạnh còn tranh thủ phát triển kinh tế từ vườn

Số tiền kiếm được anh Mạnh dành dụm hoặc gửi tiết kiệm, mua thêm đất. “Năng nhặt chặt bị”, đến nay anh sở hữu 4 vườn với 6,5 ha trồng cao su, tầm vông, điều, lúa và nuôi 8 con trâu. Trên thương trường, anh là lái buôn có vốn kinh nghiệm kha khá hoạt bát nhưng khi tham gia hoạt động xã hội, anh lại rất khiêm tốn, ít nói. Khi được hỏi mức thu mỗi năm, anh chỉ dám nhận con số trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ là nông dân thật thà, giỏi buôn bán, anh Mạnh còn là nhà hảo tâm luôn đi đầu các khoản đóng góp trong ấp, đoàn thể. Người dân càng xúc động khi thỉnh thoảng thấy anh mua trấu, đá mi, đất lấp ổ gà cho dân đi lại bớt trơn trượt, sình lầy lúc tuyến đường trong ấp chưa được bê tông hóa. Với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thấy hoàn cảnh ai trong ấp khó khăn, anh chia lúa của nhà cho họ có cái ăn trước mắt. Vì thế anh Mạnh luôn được người dân trong ấp tin yêu, quý mến. 

T.Mai

  • Từ khóa
111044

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu