Thứ 7, 20/04/2024 13:59:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:26, 22/09/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Những nông dân biết “thiết kế” tương lai

Hồng Cúc
Thứ 5, 22/09/2016 | 14:26:00 223 lượt xem
BP - Tích lũy và biết tính toán làm ăn để có tài sản tỷ đồng; dám làm điều trái ngược với người khác đang làm để có mùa bội thu là hai nông dân không giống nhà nông tại huyện Hớn Quản. “Không giống nhà nông” vì bề ngoài của hai nông dân này không vướng chút bùn đất nhưng thực tế họ làm nông rất đáng nể.

TỪ NGƯỜI LÀM THUÊ TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ

Là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, song mục tiêu anh đang phấn đấu trong thời gian sớm nhất là đạt nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương. Vạch mục tiêu, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén trong tính toán làm ăn, đó chính là nông dân Đoàn Phương Bình (1978), hội viên Chi hội 1, Hội Nông dân xã Minh Tâm.

Năm 1994, anh Bình mới 16 tuổi đã rời Bình Dương đến Bình Phước làm nghề bán xăng thuê. Năm 2004, nhà máy mì ở xã Minh Tâm đi vào hoạt động, vợ chồng anh đổi nghề làm dịch vụ nấu cơm cho công nhân với  400 suất/ngày. Năm 2005, từ vốn tích lũy được, vợ chồng anh Bình mua 1 ha đất trồng cao su, xen mì để lấy ngắn nuôi dài, đồng thời mở thêm tiệm tạp hóa. 

Vườn ổi sạch của gia đình anh Đoàn Phương BìnhVườn ổi sạch của gia đình anh Đoàn Phương Bình

Anh kể: Bước ngoặt cuộc đời khi tôi tham gia lớp sơ cấp bảo vệ thực vật nên quyết định bán vườn, mua đất ở trung tâm xã mở đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tôi nghĩ, học lý thuyết chưa đủ mà cần có kiến thức, kinh nghiệm thực tế để tư vấn kỹ thuật và bán phân, thuốc trị đúng bệnh trên cây trồng. Năm 2011, tôi mua thêm 4,7 ha đất trồng 600 nọc tiêu, 200 cây ổi lê Đài Loan, 200 cây xoài, 2.200 cây cao su, 50 cây bưởi da xanh và 100 cây dừa.

Hiện vườn cây nhà anh Bình không dùng thuốc hóa học, mà chỉ dùng phân vi sinh để cây giữ được tuổi thọ cao và nông sản làm ra bảo đảm an toàn. Khu vườn đa canh của anh Bình còn là nơi để anh thí nghiệm các loại phân bón và thuốc trị bệnh cho từng loại cây trồng. Tham quan vườn tiêu vừa cắt dây, không ngại chia sẻ lý do dù biết cắt dây, tiêu dễ bị bệnh nhưng anh muốn tìm hiểu để trị loại bệnh đó. Hay vườn ổi, dù biết bón phân hóa học ổi sẽ ngọt hơn, cho thuốc kích thích trái sẽ to hơn nhưng anh không làm. Vì khách hàng đã tin tưởng dùng loại ổi sạch của nhà anh.

Ngoài trồng trọt, anh còn chăn nuôi gà thả vườn, heo rừng lai và 15 con bò. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh thu nhập trên 400 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Chu Đức Luân cho biết: “Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi, anh Bình còn dành nhiều tâm huyết với bà con nông dân. Mỗi năm anh bán gần 100 tấn phân bón trả chậm, giúp nông dân phát triển kinh tế và trực tiếp hướng dẫn họ cách phun thuốc, bón phân cho cây trồng. Đối với những hộ nghèo, hộ khó khăn anh bán phân với giá ưu đãi và cho thiếu thời gian dài. Mỗi năm anh tạo việc làm ổn định cho 20 lao động”. Hướng tới anh Bình sẽ xây dựng trang trại bò với quy mô 40-50 con, kinh doanh cây xăng để thỏa ước mơ trở thành ông chủ sau nhiều năm đi bán xăng thuê.

“MỌI NGƯỜI TRỒNG CAO SU, TÔI TRỒNG NHÃN”

Làm điều ngược lại này với ông Lê Hiếu Hữu ở xã Tân Hiệp là sự tính toán đường dài. Ông cho biết, ai cũng trồng cao su thì đến một thời điểm nhất định cung vượt cầu sẽ khó tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy giữa bạt ngàn cao su, 6 ha nhãn xuồng cơm vàng gần 17 năm của ông tỏa hương thơm ngào ngạt. “Làm kinh tế đòi hỏi phải biết tính toán, nhận định thị trường. Sở dĩ tôi chọn nhãn xuồng là vì lúc bấy giờ chưa ai trồng. Giá một cây giống 18 ngàn đồng, trong khi 1kg nhãn bán ra khoảng 10 ngàn đồng. Cây giống đắt nên đa phần mọi người trồng nhãn da bò khoảng 2.000-3.000 đồng/cây. Mặt hàng của tôi lạ nên tiêu thụ dễ dàng” - ông Hữu cho biết.

Ông Lê Hiếu Hữu giới thiệu đặc tính của cây nhãn xuồng cơm vàngÔng Lê Hiếu Hữu giới thiệu đặc tính của cây nhãn xuồng cơm vàng

Chọn trồng nhãn xuồng phải chấp nhận những đặc tính khác biệt của giống cây này. Về năng suất chỉ bằng một nửa các giống nhãn khác, nhãn rụng khoảng 1/3 số trái đã kết, cây giòn, dễ gãy. Song nhãn xuồng lại có ưu điểm là chịu hạn tốt, phù hợp với chất đất cát pha, không bị bệnh chổi rồng như nhãn da bò và “trồng một lần ăn cả đời”. Muốn giữ hương vị thơm ngon thì cần bón phân hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 1 ha nhãn trung bình sau khi trừ chi phí, ông Hữu “bỏ túi” 100 triệu đồng.

Hiện giá nhãn ông bán tại vườn loại 1 khoảng 60.000 đồng/kg, bán xổ 40.000 đồng/kg. Loại 1 được thu mua đưa vào siêu thị, còn chủ yếu ông xuất sang Campuchia. Ông cho biết, mỗi năm thu 1 vụ nhãn gói gọn trong một tháng. Trung bình 1 ha nhãn xuồng cơm vàng năng suất 8-10 tấn. Chính vì vậy phải có thị trường tiêu thụ rộng mới đảm bảo nhà nông không bị thua lỗ.

Nhãn xuồng cơm vàng của gia đình ông Hữu được phân loại để đưa đi tiêu thụNhãn xuồng cơm vàng của gia đình ông Hữu được phân loại để đưa đi tiêu thụ

Giống nhãn của ông được bạn hàng đánh giá là trái to, cơm dày, ráo, thơm. Năm 2009, nhãn của ông đã được chứng nhận GlobalGap, tuy nhiên do sản lượng ít nên sau đó không đăng ký tiếp. Ông mong muốn những người trồng nhãn trong tỉnh liên kết lại để thành lập hợp tác xã. Ông sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác để nhãn xuồng Bình Phước có thương hiệu, chỗ đứng ổn định trên thị trường trong nước và xa hơn là gia nhập thị trường TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).

Cũng như những nông dân thành công khác luôn biết trả ơn tình người, tình đất nơi mình sinh sống, 3 năm nay, quỹ học bổng do ông Hữu làm Chủ tịch hội đồng quản lý, mỗi năm đều tặng 40 suất học bổng (300 ngàn đồng/suất) cho học sinh dân tộc thiểu số nghèo, học giỏi của Trường tiểu học Tân Hiệp B; qua đó đã tiếp thêm niềm tin, động lực và hướng các em phải cố gắng học tập để thực hiện ước mơ.

  • Từ khóa
40708

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu