Thứ 7, 20/04/2024 04:26:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:19, 13/10/2013 GMT+7

Những nhà nông trẻ kể chuyện làm giàu

Chủ nhật, 13/10/2013 | 14:19:00 191 lượt xem

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chung một ý chí, nghị lực vươn lên lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình. Đó là những nhà nông trẻ đang phát triển hiệu quả các mô hình trồng trọt, chăn nuôi vừa được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.


NHÀ NÔNG “3 TRONG 1”


Anh Dương Hoàng Long bên vườn lan Mokara cho hiệu quả kinh tế cao

Dương Hoàng Long ở phường Phú Đức (TX. Bình Long) được mọi người gọi là “nông dân 3 trong 1”. Bởi anh không chỉ đạt danh hiệu nhà nông trẻ xuất sắc mà còn là cán bộ công an có trên 10 năm công tác trong ngành và là Bí thư đoàn cơ sở Công an thị xã năng nổ, nhiệt tình.

Thông qua các kênh truyền thông, nhận thấy trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình nên anh Long đã đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương học kinh nghiệm thực tế. Năm 2011, anh đầu tư vườn lưới, hệ thống phun tưới tự động, trồng thí nghiệm lan Mokara. Vụ đầu, trừ chi phí anh có lãi.

Từ thành công bước đầu, anh Long mở rộng quy mô lên 600m2 với hơn 3.000 gốc lan. Đến nay, vườn lan gần 3 năm của anh đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 1 nhánh lan Mokara có giá bán trung bình 10 ngàn đồng. Mỗi cây có từ 8 đến 12 nhánh, trung bình 40 đến 45 ngày lan cho một đợt hoa. Ước tính, gia đình anh thu từ vườn lan bình quân khoảng 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, số lượng hoa lan vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn. Anh Long đang dự kiến mở rộng diện tích nhà lưới, trồng thêm loại lan mới có giá trị kinh tế cao. Anh cho biết: “Nếu xét trên diện tích đất ít thì mô hình trồng lan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lan Mokara không khó trồng nhưng yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm và quy trình chăm sóc, phòng trừ địch hại. Người trồng lan nếu đảm bảo đúng những kỹ thuật này sẽ cho năng suất cao, chất lượng đẹp và bán được giá hơn”.

Trên diện tích đất hơn 1 ha, anh Long trồng thêm 250 gốc bưởi da xanh. Hiện đã có 100 gốc cho thu hoạch, trung bình mỗi cây đạt năng suất trên 60kg/năm. Vườn bưởi đem về cho gia đình anh hàng năm khoảng 80 triệu đồng.

LẬP NGHIỆP TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI


Anh Nguyễn Minh Hậu đã thành công trên vùng đất mới

Năm 2000, anh Nguyễn Minh Hậu từ tỉnh Long An lên lập nghiệp tại ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Anh miệt mài lao động và tích góp dần, mua sách báo nghiên cứu, tham dự nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh tổ chức để áp dụng ngay trên vườn của gia đình.

Đến nay, gia đình anh Hậu có trên 5 ha đất, trong đó 2 ha trồng cao su, 2 ha tiêu và hơn 1 ha điều. Anh xây dựng trang trại chăn nuôi với 30 con dê và 100 con heo. Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình anh không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tiết kiệm nhiều chi phí. Cụ thể, anh xây dựng hệ thống biogas để xử lý phân thải từ chăn nuôi. Nguồn khí biogas đủ phục vụ 4 gia đình ở gần nhà anh Hậu. Anh chọn nọc tiêu là những cây keo và cây anh đào để lấy lá nuôi dê. Mô hình cây - con kết hợp đã đem về cho gia đình anh Hậu gần 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ. Anh Hậu cho biết sẽ mở rộng diện tích trang trại để phát triển kinh tế gia đình, tạo nhiều việc làm cho thanh niên địa phương.

Là một trong 300 thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013, anh Hậu rất vui: “Giải thưởng là một động lực tiếp sức cho tôi cũng như nhiều thanh niên khác tiếp tục phát huy sức mạnh tuổi trẻ, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương đất nước”.

BÁM ĐẤT LÀM GIÀU

Năm 2013 là năm thứ 8 liên tiếp Trung ương đoàn tổ chức trao tặng giải thưởng Lương Định Của cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc đại diện cho hàng triệu thanh niên nông thôn tiêu biểu của cả nước. Bình Phước có 6 đoàn viên xuất sắc được nhận giải. Họ là những nhà nông trẻ, những thanh niên nông thôn tuổi từ 18 đến 35 có thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương, đơn vị.

Năm 1993, anh Đinh Văn Trương từ Lạng Sơn vào thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) lập nghiệp. Khi ấy, thôn Đắk Côn còn hoang sơ, anh Trương khai hoang được 2 ha đất. Bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ cây điều, anh học hỏi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến năm 2007, anh mua thêm 2 ha đất trồng tiêu, cao su và cà phê. Mỗi năm anh thu về không dưới 200 triệu đồng. Anh còn tích cực tham mưu trong công tác tập huấn khoa học - kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên và đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế trang trại.


Anh Đinh Văn Trương là một bí thư đoàn thôn tích cực

Năm 2004, anh làm Bí thư chi đoàn thôn Đắk Côn và cái duyên với công tác đoàn đã bén với anh cho đến nay. Anh Trương vận động thanh niên tham gia các hoạt động đoàn của xã và đoạt nhiều giải thưởng. Từ sự khơi gợi, tổ chức của anh, đoàn viên thanh niên, đã đứng ra làm đường nông thôn trong xã, thành lập tổ đổi công giúp nhau làm kinh tế, duy trì nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động, phong trào thu hút, tập hợp thanh niên. Anh Trương cho biết: “Thôn Đắk Côn có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Thanh niên trong thôn thường đi làm ăn xa nên anh đã cố gắng phát triển kinh tế gia đình, tự lấy mình làm gương, bám đất làm giàu. Nhờ vậy, số đoàn viên trong chi đoàn qua các năm đã tăng đáng kể. Thanh niên trong thôn biết đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất”.

T. Thủy

  • Từ khóa
47010

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu