Thứ 7, 20/04/2024 02:50:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:01, 28/11/2018 GMT+7

Những “người lái đò” tận tụy

Thứ 4, 28/11/2018 | 06:01:00 1,012 lượt xem
BP - Để đến bến bờ của “dòng sông tri thức”, “con đò kiến thức” nào cũng cần người cầm lái trách nhiệm, tận tâm. Ở Hớn Quản có 2 “người lái đò” tiêu biểu là cô Nguyễn Thị Thương (39 tuổi), Trường tiểu học Trần Cao Vân (xã Minh Đức) và cô Cao Thùy Dung (35 tuổi), Trường THCS Minh Tâm (xã Minh Tâm).

LỚP ÔN TẬP TRONG ĐÊM

21 năm cống hiến với nghề, kỷ niệm cô Nguyễn Thị Thương nhớ nhất là năm học 2017-2018, thời điểm các em chuẩn bị thi học kỳ I cũng là lúc cô bị tai nạn giao thông. Cô gác việc mổ tái tạo dây chằng bị đứt đến 3 tháng sau để lo cho học sinh. “Lúc đó, nhà trường đã kịp thời bố trí giáo viên dạy thay. Thế nhưng, thấu hiểu phụ huynh sẽ lo lắng về kết quả học tập của con mình khi cô chủ nhiệm gặp nạn cận kề ngày thi, lo học sinh bị sức ép tâm lý khi chuẩn bị bước vào kỳ thi, chưa kịp thích nghi với giáo viên mới nên tôi nén đau, viết giấy mời gửi phụ huynh bày tỏ nguyện vọng cho các em đến nhà vào buổi tối để ôn tập, bổ sung kiến thức. Vậy là đều đặn mỗi tối 25/27 học sinh của lớp đến nhà tôi ôn bài, trừ 2 em nhà xa không đến được” - cô Thương xúc động kể. Năm đó kết quả thi của lớp không hề giảm so với khóa trước cô dạy.

Cô Nguyễn Thị Thương là một trong những giáo viên đầu tiên của huyện Hớn Quản tiếp cận mô hình trường học mới

Cô Nguyễn Thị Thương là một trong 2 nhà giáo tiêu biểu của Bình Phước được dự lễ tri ân nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) tại Hà Nội; là một trong 87 gương điển hình tiên tiến của tỉnh được tuyên dương trong thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” giai đoạn 2013-2018; 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều lần đạt giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp. Cô Cao Thùy Dung 5 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được tặng bằng khen của UBND tỉnh.

Chứng kiến không khí sôi nổi, gợi mở tư duy, khơi dậy khả năng sáng tạo, tự tin, làm việc nhóm chuyên nghiệp của tổ trưởng, tổ viên trong lớp 3/1, Trường tiểu học Trần Cao Vân, chúng tôi mới thấy được thành công của cô Thương trong áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). “Học cô Thương chúng em rất nhanh hiểu bài. Kết thúc bài giảng, cô hỏi chúng em có hiểu không? Cô sẵn sàng giảng lại khi có bạn chưa hiểu. Cô rất yêu chúng em, những bạn gặp khó khăn cô đều giúp đỡ” - em Ôn Quỳnh Nguyên, học sinh lớp 3/1 kể về cô chủ nhiệm của mình.

Cách đây vài năm, cô Thương được cử lên Đắk Lắk tập huấn phương pháp mô hình VNEN. Qua tập huấn cũng như các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, lớp học của cô là điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm, dự giờ của các huyện bạn trong việc áp dụng phương pháp cũng như cách trang trí, sử dụng đồ dùng dạy học do chính cô làm theo mô hình VNEN. Đến nay, 100% khối lớp 2 đến khối lớp 5 của trường đều áp dụng phương pháp đó. Cô Thương có 2 người con, chồng đi làm xa nên ít có thời gian ở nhà. Cô Phan Thị Kim Phượng, Phó hiệu trưởng trường cho biết: “Cô Thương luôn hòa đồng, giúp đỡ đồng nghiệp, gương mẫu, yêu thương học trò, có tinh thần cầu tiến, nhiệt tình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

NIỀM TỰ HÀO CỦA TRƯỜNG THCS MINH TÂM

Ở Trường THCS Minh Tâm, cô Cao Thùy Dung là giáo viên dạy môn Sinh học tận tụy, hết lòng vì học sinh. Năm 2007, cô Dung về công tác tại Trường THCS Minh Tâm. “Từ khi còn là học sinh của tôi, Dung rất chăm chỉ, năng động, sôi nổi trong mọi phong trào. Khi về trường công tác, em nhiệt tình, mẫu mực, giúp đỡ đồng nghiệp, luôn nỗ lực học hỏi, tâm huyết với mọi hoạt động, là tấm gương sáng trong trường. Rất tự hào khi trường có một giáo viên năng động, sáng tạo, giúp trường nâng cao phong trào mũi nhọn, đại trà, từng bước tiến tới đạt chuẩn quốc gia” - cô Nguyễn Thị Kim Hương, Phó hiệu trưởng trường nói về học trò cũ và bây giờ là đồng nghiệp của mình.

Cô Cao Thuỳ Dung là niềm tự hào của Trường THCS Minh Tâm

Cô Dung cho biết: “Giờ đã thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng, tôi luôn hết lòng với nghề, với học sinh. Để làm chủ tương lai, học sinh phải nắm bắt kiến thức nền tảng nên tôi càng phấn đấu, học hỏi để truyền dạy cho các em. Gia đình, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nên tôi yên tâm công tác”. Xuất phát từ thực tế giảng dạy, cô đã có sáng kiến “Một số biện pháp gây hứng thú cho học sinh trong một tiết học ở môn Sinh lớp 8”. Theo đó, ngoài giảng dạy, cô còn tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo để các em tự tìm tòi, khơi dậy sự hứng thú, niềm đam mê. Nhờ vậy, tiết học không căng thẳng mà trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Cô cũng có nhiều sáng kiến được ngành áp dụng trên địa bàn huyện.   

Thanh Mai

  • Từ khóa
2190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu