Thứ 7, 20/04/2024 14:48:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:59, 24/09/2014 GMT+7

Những người gieo chữ ở vùng biên

Thứ 4, 24/09/2014 | 10:59:00 141 lượt xem
BP - Năm học mới 2014-2015 đã bắt đầu nhưng nhiều lớp học ở các xã biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô và trò đang phải dạy, học “chay” vì thiếu đồ dùng, trang thiết bị giảng dạy. Thế nhưng, các em vẫn đến lớp hàng ngày, các thầy cô vẫn tận tụy gieo từng con chữ.

Thầm lặng “gieo” từng con chữ

Điểm lẻ trường Tiểu học Lộc Hòa ở ấp 8B có 2 phòng học với 72 em. Phòng học tạm bợ, không điện, không nhà vệ sinh, không nước sinh hoạt. Cô Nguyễn Thị Hiền, chủ nhiệm lớp 1A4 đã có 16 năm gắn bó với nghề cho biết: Năm học nào cũng vậy, các thầy cô phải đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con em đi học. Vì ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống nghèo khó nên học sinh bỏ học rất nhiều. Đã vào năm học mới nhưng đồ dùng học tập của các em còn nhiều thiếu thốn. Thầy cô trong trường không ít lần tự bỏ tiền mua đồ dùng, sách, vở cho các em.

Cô Nguyễn Thị Hiền đang dạy các em tập viết

 
Sau nhiều năm bám ấp, cô Hiền đã như người dân bản địa. Cô thuộc từng con đường, từng nóc nhà của các em học sinh. Dù cuộc sống ở vùng biên còn nhiều khó khăn, nhưng lòng yêu nghề, niềm vui được truyền con chữ cho học sinh nghèo đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho thầy, cô giáo nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (24 tuổi), quê ở Đắk Lắk, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đã tình nguyện về xã nghèo biên giới Lộc Hòa giảng dạy. “Ngày mới đến, tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống còn quá nhiều khó khăn của các em học sinh và người dân. Khổ nhất là đường sá đi lại nắng thì bụi, mưa thì lầy, biệt lập với trung tâm huyện. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở với dân, xem học sinh như con. Các em hiểu được nên học chăm ngoan hơn. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của các em dành cho mình. Chúng tôi đã có thêm nghị lực để quyết tâm ở lại giúp các em biết được con chữ. Hy vọng sau này các em có cuộc sống đỡ cực hơn” - cô Huyền tâm sự.

Thầy Huỳnh Quang, Hiệu trưởng trường THCS Lộc Hòa cho biết: Trường được thành lập năm 2011, có 8 phòng học và 4 phòng chức năng. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn

Niềm vui được đến trường

Xã Lộc Hòa có 1.338 hộ với gần 5.414 người, trong đó có tới 183 hộ nghèo. Trên địa bàn xã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Xêtiêng có 543 hộ với 2.092 người. Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn.

Được đến trường học chữ là ước mơ của em Thị Bem, học sinh lớp 7B, trường THCS Lộc Hòa. Bem là chị hai, cũng là người duy nhất trong gia đình được đi học. Hàng ngày em phải đi bộ đến lớp hơn chục cây số. Vất vả là vậy, nhưng Bem đã không từ bỏ ước mơ tìm đến con chữ. Sau mỗi buổi lên lớp Bem về nhà phụ giúp gia đình nhiều việc như: Nấu ăn, đi rẫy hái măng, chăm sóc em... “Được đi học em rất vui vì gặp bạn bè, thầy cô. Em ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy các bạn cũng nghèo như em bây giờ” - Bem tâm sự.

Cũng nghèo khó như em Thị Bem, em Danh Thị Thu Ba, lớp 6B tâm sự: “Dù khó khăn thế nào em cũng phải đi học để sau này có việc làm chăm lo cho bố mẹ và các em”.  

Xã Lộc Hòa còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em vượt lên tất cả để được đến trường với hy vọng sau này có một tương lai tốt đẹp hơn.

T.Thông - M.Cương

  • Từ khóa
84581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu