Thứ 5, 25/04/2024 21:19:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:21, 25/06/2017 GMT+7

Những người gắn bó với truyền thanh cơ sở

Chủ nhật, 25/06/2017 | 15:21:00 2,464 lượt xem
BP - Hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó cán bộ, nhân viên đài truyền thanh là người trực tiếp vận hành hệ thống máy móc, công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao.

Gắn bó với đài vì đam mê

Ông Nguyễn Văn Luân (1957, trú thôn 4, xã Minh Hưng) là một trong những người gắn bó với đài truyền thanh xã lâu nhất huyện Bù Đăng (tròn 20 năm). Trước đó, ông là nhà giáo có nhiều năng khiếu về sáng tác thơ, nhạc, viết tin bài cộng tác với các báo và tạp chí văn nghệ. Năm 1998, vào làm tại Đài Truyền thanh xã Minh Hưng, nhờ đam mê nên ông đã gắn bó với nghề đến nay.

Ông Luân cho biết: Trước kia, đài truyền thanh xã chỉ có nhiệm vụ tiếp phát lại chương trình của đài huyện, tỉnh. Máy móc đơn giản chỉ có chiếc cassette, một tăng âm. Loa phóng thanh chỉ có vài cái tại trung tâm xã, các thôn hầu như không có. Tuy nhiên, với vai trò quan trọng trong tuyên truyền nên hằng năm đài truyền thanh đều được đầu tư bổ sung thiết bị. Đến năm 2013, đài xã được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay, đài có 1 máy phát sóng FM 30W, 1 máy tăng âm công suất 300W, đường dây hữu tuyến 2km, một trụ ăng-ten cao 25m, 52 loa phóng thanh ở các khu dân cư và 1 máy vi tính để đọc thu chương trình.

Ông Vũ Phú Quang đọc bản tin phát thanh tại Đài Truyền thanh xã Thống Nhất

Hằng ngày, ông Luân mở đài từ 4 giờ 45 phút, tiếp sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tham mưu UBND xã xây dựng chương trình phát thanh hằng tuần và trực tiếp viết tin, bài. Sau khi nội dung được duyệt, ông lại làm nhiệm vụ của phát thanh viên đọc, thu và phát chương trình. Ông Luân cho biết: “Tôi không phải là nhà báo nhưng công việc hằng ngày không khác gì một nhà báo thực thụ. Viết tin, bài cũng rất nhiều thú vị, ít viết thì “cùn tay”, viết nhiều sẽ thành quen và nâng cao tay nghề. Đặc biệt tôi rất vui khi những tin, bài gửi cộng tác được đăng tải. Ở xã, tôi chủ yếu viết bài về gương người tốt, việc tốt nhưng quan trọng nhất là viết phải chính xác và thông tin kịp thời”.

Bà Đỗ Thị Ngọc Huệ, Phó chủ tịch UBND xã Minh Hưng cho biết: Ông Luân được trả phụ cấp theo quy định, tới nay cũng chỉ trên 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy phụ cấp thấp nhưng hằng ngày ông vẫn đều đặn tới xã làm việc. Dù ngày nắng hay mưa, Đài Truyền thanh xã vẫn phát sóng đều đặn. Những đóng góp tích cực của ông đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Ông còn được Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Phó chủ tịch xã kiêm nhân viên đài truyền thanh

Cuối năm 2016, do phụ cấp quá thấp nên cán bộ Đài Truyền thanh xã Thống Nhất (Bù Đăng) xin nghỉ việc. Vì tính chất quan trọng nên đài vẫn phải hoạt động, do vậy trong thời gian chờ tuyển dụng, ông Vũ Phú Quang, Phó chủ tịch UBND xã Thống Nhất đã tình nguyện nhận vận hành đài. Trong giờ hành chính, ông Quang làm nhiệm vụ của Phó chủ tịch UBND xã, tới giờ tiếp sóng ông lại làm nhiệm vụ bên đài theo 3 khung giờ sáng sớm, trưa và chiều tối. Mặc dù bận nhiều việc nhưng ông đã tham gia khóa tập huấn chuyên môn do Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tổ chức, nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết tin, bài, đọc phát thanh...

Ông Quang cho biết: “Tôi từng trải qua rất nhiều công việc của đoàn thanh niên, hiệu phó trường tiểu học nên việc viết tin, bài, đọc phát thanh cho đài xã cũng có nhiều thuận lợi. Hơn nữa, nhà ở gần UBND xã nên sáng sớm tôi vừa tập thể dục vừa lên mở đài”. Ông Quang đang xây dựng chương trình phát thanh địa phương; phát huy vai trò của đài trong việc thông báo các khoản thuế, phí, lệ phí và chính sách mới. Xã có 32 cụm loa góp phần triển khai tuyên truyền trong dân. Ông Quang cũng đã tham mưu UBND xã chi trả tiền điện 30 ngàn đồng/tháng cho mỗi hộ mở cụm loa nhằm duy trì hiệu quả. Ông thường xuyên tới thăm, kiểm tra việc mở các cụm loa. Đây cũng là điều kiện để ông được gần gũi, lắng nghe tiếp thu ý kiến từ cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác lãnh đạo, điều hành của mình.

Phó trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình Bù Đăng Lê Đức Tú cho biết: Huyện có 16 xã, thị trấn. Mỗi xã được đầu tư 1 đài truyền thanh và được bố trí 1 cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, chính sách đối với nhân viên đài truyền thanh cấp xã còn hạn chế khiến nhiều người đã xin thôi việc, chuyển công tác khác. Vì vậy, những người yêu nghề và gắn bó lâu dài như ông Nguyễn Văn Luân, người có trách nhiệm tâm huyết như ông Vũ Phú Quang đã vượt qua khó khăn để tiếng nói của đài luôn vang xa, góp phần mang ánh sáng văn hóa, văn minh đến với người dân, nhất là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang Minh

  • Từ khóa
18255

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu