Thứ 5, 28/03/2024 18:57:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:58, 23/03/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (23-3-1975 - 23-3-2018)

Những người con kiên trung ở xã anh hùng

Thứ 6, 23/03/2018 | 08:58:00 2,587 lượt xem

>> Bình Phước trong trái tim những người lính
>> Phước Long: Anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động

BP - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đồng Nai (thuộc Đồng Nai Thượng, huyện Bù Đăng) có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Đây không chỉ là nơi cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Phước Long đóng giữ mà còn là cửa ngõ chiến khu D, trực tiếp đón nhận cán bộ, bộ đội và vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường Nam bộ. Chính vì thế, Đồng Nai Thượng trở thành trọng điểm tập trung đánh phá của Mỹ - ngụy. Và trong cuộc chiến máu lửa ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên trung, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt, giải phóng đất nước

Căn cứ cách mạng giữa lòng dân

Gặp bà Điểu Thị Prốp (1948), ấn tượng mạnh với chúng tôi là bà vẫn giữ nguyên vẹn nét mộc mạc cùng lối ăn mặc truyền thống của người S’tiêng xưa. Khi chúng tôi đến thăm, bà đang ngồi bên bếp lửa nấu canh thục. Ánh lửa làm sáng lên ánh mắt cùng nụ cười rạng rỡ của bà. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với bà phải thông qua “phiên dịch” Thị Na, cán bộ công tác xã hội xã Đồng Nai. Qua cử chỉ, ánh mắt, chúng tôi hiểu bà đang hạnh phúc khi được an vui tuổi già bên các con, cháu.

Ông Điểu Lôn tự hào kể lại kỷ niệm thời kháng chiến oanh liệt cho con cháu nghe

Bà Điểu Thị Prốp cho biết, bà đến với cách mạng xuất phát từ tình cảm yêu mến bộ đội. “Hằng ngày, tôi lên rẫy làm lúa, thấy tôi, các anh bộ đội nhờ đi mua giúp đồ dùng, rồi giã gạo nuôi quân. Nhiều lần tiếp tế lương thực, đưa thức ăn, hái rau rừng cho bộ đội, tôi rất vui” - bà Điểu Thị Prốp bày tỏ.

Còn với ông Điểu Bá Lộc ở thôn 4, xã Đồng Nai, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc ông tham gia hoạt động cách mạng. Chỉ mới cưới vợ được 3 ngày, ông đã gác tình riêng vào rừng làm du kích. Nhờ sự nhanh nhẹn, ông Lộc được tuyển làm liên lạc, trở thành trinh sát cho bộ đội chủ lực. Ông kể: “Bộ đội đi đâu tôi theo đó. Do thông thạo địa bàn nên tôi luôn được cử đi thăm dò tình hình, trinh sát vùng giặc chiếm đóng, vận chuyển lương thực cho bộ đội và tiên phong làm dân vận. Ngày đó làm cách mạng khổ lắm, chủ yếu ăn lá nhíp, củ chụp, củ mài. Địch còn rải chất độc dioxin làm chết hết lúa, mì rồi lùa dân vào ấp chiến lược, cơ cực hết chỗ nói. Người dân biết bọn giặc xấu xa nên đồng lòng đánh đuổi, giữ thôn, giữ xã chứ không ai theo chúng vào ấp chiến lược”.

Ông Điểu Bá Lộc vui vẻ kể về một thời hào hùng

Năm 1972, trong một lần trinh sát ông Lộc bị địch bao vây rồi bị bắn trọng thương vào đầu, gãy chân. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm ở bệnh viện của địch. Chúng cứu sống ông rồi đưa về trại giam thuộc Hố Nai, tỉnh Đồng Nai với mục đích “moi” tin. Dùng đủ mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông vẫn không nao núng, chúng quay ra tra tấn ác liệt... Ông chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Tui đi làm rẫy kiếm gạo, kiếm mì, đâu biết gì mà khai”. “Sao đi rẫy mà có súng?” - chúng hỏi. “Đứa nào đổ vạ cho tao, chứ làm rẫy thì lấy súng ở đâu?” - ông vặn lại. “Mấy tên lính Mỹ xì xồ một hồi rồi bỏ đi” - ông kể.

Cũng nặng lòng đi theo cách mạng như ông Lộc nhưng ông Điểu Lôn lại làm du kích tiếp lương, gùi đạn và đưa bộ đội bị thương về tuyến sau ngay tại khu vực Đồng Nai Thượng... “Tôi làm du kích, bám trụ “Một tấc không đi, một li không rời” ở vùng đất này từ những năm 1960 đến ngày giải phóng. Tôi không sợ giặc đâu, vì xác định nếu không đánh giặc thì nó cũng đánh mình chết, phải xông pha chứ” - ông Lôn chia sẻ.

Một thời máu và hoa

Vết sẹo chạy dài trên cánh tay phải như nhắc bà Điểu Thị Prốp nhớ về một thời bi hùng, khó quên trong cuộc đời. Tuy trái gió trở trời, vết thương lại làm đau nhức nhưng với bà như vậy vẫn là may mắn. Như lời bà kể, nhiều người ở Đồng Nai vì chiến đấu bảo vệ quê hương đã bị giặc Mỹ giết hại. Vết thương của bà do một lần tiếp tế gạo, rau rừng cho bộ đội gặp giặc càn, bị bắn trọng thương. Chúng bắt giam bà một tháng rưỡi, tra tấn mãi cũng chỉ nghe được câu: “Tôi đi làm rẫy, biết bộ đội ở đâu mà nói?”. Không thu được kết quả, chúng phải thả bà ra. Ghi nhận đóng góp của bà, năm 1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký tặng bà Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Bà Điểu Thị Prốp thấy hạnh phúc khi được sống trong thời bình,  vui vầy bên con cháu

Trong ký ức của những người tham gia kháng chiến, giai đoạn 1965-1970 ác liệt nhất. Giặc Mỹ nhiều lần cắt rừng, đổ bộ càn quét, đốt phá thôn. Nhưng chính vì có cán bộ, bộ đội luôn kề vai, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc xây dựng phong trào cách mạng và mở rộng căn cứ ra nhiều vùng trọng yếu nên người dân rất vững tin vào cách mạng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đồng Nai Thượng đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 46 trận lớn nhỏ, diệt 500 tên địch, trong đó 76 tên Mỹ, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay, đánh sập 4 nhà lính, 1 bót gác, phá hủy 1 xe ủi đất và 1 pháo 105 li. Động viên hàng trăm người đồng bào dân tộc thiểu số thoát ly hoạt động cách mạng; huy động hàng trăm ngàn lượt người đi dân công hỏa tuyến tải vũ khí, đạn dược, thuốc men... phục vụ chiến đấu.

Trích sách “Bình Phước - Những tập thể và cá nhân anh hùng”

Ông Điểu Bá Lộc không quản gian nguy luôn tiên phong trinh sát ở nhiều nơi trong tỉnh Phước Long (cũ), thì ông Điểu Lôn lại cùng nhiều du kích khác chiến đấu, hỗ trợ bộ đội chủ lực với tinh thần “chết thì bỏ, sống là phải chiến đấu”, dù khổ cực thế nào cũng không đầu hàng giặc. Năm 1968, ông Điểu Lôn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và cuối năm 2017, ông vinh dự đón nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Thương binh hạng 2/4 Điểu Bá Lộc thì không chỉ tự hào khi ở tuổi 74 đã 50 năm tuổi Đảng mà còn vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh, mẹ ông là Chi hội trưởng phụ nữ thôn đã tạo cơ sở che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Vợ chồng anh trai là Điểu Khung - Điểu Thị Ai cũng là chiến sĩ cách mạng “nòi”. Năm 1998, bà Ai được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông Khung thì năm 2001 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và năm 2014 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

Kinh qua chiến tranh, chứng kiến đổi thay hôm nay, bà Điểu Thị Prốp, ông Điểu Lôn, Điểu Bá Lộc... càng thêm trân trọng cuộc sống thời bình. Dù sau chiến tranh, được giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt ở xã, huyện nhưng với các ông Điểu Lôn, Điểu Bá Lộc... không gì sánh với niềm hạnh phúc được sống trong cảnh đất nước độc lập.

Những con người kiên trung “Một tấc không đi, một li không rời”, quyết tâm ở lại bảo vệ vùng căn cứ, không vào ấp chiến lược, không đầu hàng địch, một lòng đấu tranh anh dũng như người dân xã Đồng Nai mà tiêu biểu là các ông Điểu Lôn, Điểu Bá Lộc; các bà Điểu Thị Prốp, Điểu Thị Ai... đã làm nên trang sử vẻ vang, là địa chỉ đỏ của Đảng trong thời chiến. Vinh dự hơn, năm 1978, Đồng Nai là xã đầu tiên của tỉnh Sông Bé được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

>> Tự hào truyền thống quê hương anh hùng

Ngọc Tú

  • Từ khóa
20238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu