Thứ 7, 20/04/2024 12:03:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:48, 10/02/2016 GMT+7

Những người con kiên trung của xã anh hùng đầu tiên ở Sông Bé

Thứ 4, 10/02/2016 | 14:48:00 2,041 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, thời tiết hanh khô và se lạnh. Chúng tôi trở về mảnh đất Đồng Nai để được nghe những nhân chứng lịch sử kể lại một thời chiến đấu kiên trung của người dân nơi đây. Ngồi quanh ché rượu cần, trong ánh mắt, lời nói của người dân luôn chứa đựng niềm tự hào của một vùng đất anh hùng.

Đất nước hòa bình, những cựu chiến binh lại vui vầy bên con cháu và họ luôn nhớ lại ký ức đã cùng đồng đội trải qua trong cuộc chiến tranh giành độc lập (trong ảnh là vợ chồng ông Điểu BLong và bà Thị Đứt)Đất nước hòa bình, những cựu chiến binh lại vui vầy bên con cháu và họ luôn nhớ lại ký ức đã cùng đồng đội trải qua trong cuộc chiến tranh giành độc lập (trong ảnh là vợ chồng ông Điểu BLong và bà Thị Đứt)

Sau ngày giải phóng miền Nam, Đồng Nai (Bù Đăng) là một xã của huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ. Trước năm 1960, vùng đất này có tên gọi xã 5, K29 hay vùng nước Sông (vì giáp sông Đồng Nai). Sau tháng 6-1960, tỉnh Phước Long được thành lập thì Đồng Nai được gọi là K3. Năm 1961, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện âm mưu bình định miền Nam Việt Nam. Sông Bé ngày ấy cũng như các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ chịu sự bao vây của Mỹ - ngụy. Với phương châm “Một tấc không đi, một li không dời”, tất cả đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng, Mơnông, Châu Ro... quyết tâm ở lại bảo vệ vùng căn cứ, không vào ấp chiến lược, không đầu hàng địch. Chính tinh thần kiên định, đấu tranh anh dũng, lập được nhiều chiến công nên năm 1978,  Đồng Nai là xã đầu tiên của tỉnh Sông Bé được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

MỘT THẾ HỆ KIÊN TRUNG

Chúng tôi được anh Nguyễn Văn Hùng, dân quân tự vệ dẫn đến ngôi nhà của ông Điểu Khung (75 tuổi) ở thôn 4, người Châu Mạ. Biết chúng tôi mong được nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, ông đã từ chối và nói: “Nhắc lại làm gì, thời đó qua rồi, đau thương quên hết rồi, giờ chỉ còn niềm vui được sống trong hòa bình thôi”. Nói vậy nhưng ông vẫn tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ mà vợ chồng ông đã sống từ ngày hòa bình đến nay. Bà Điểu Thị Ai, xuân này đã 67 tuổi, cũng là người nuôi cơm cho bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông bà gặp nhau trong bom đạn và nên duyên từ đó.

Năm 1960, ông Khung là người đầu tiên ở xã 5 (tên cũ của xã Đồng Nai) theo chân những người anh, người chị đến Lâm Đồng làm du kích. Năm 1962, ông trở về hỗ trợ bộ đội bảo vệ căn cứ xã 5. Ông tham gia bắn địch, làm lính trinh sát vùng giặc chiếm đóng, vận chuyển lương thực cho bộ đội và tiên phong làm dân vận. Ông nói: “Ngày đó làm cách mạng khổ lắm, công tác dân vận lại càng khó hơn. Dân thì nghèo, giặc rải chất độc dioxin làm chết lúa, chết mì. Ngày nào máy bay địch cũng thả bom, người chết la liệt. Tôi phải cùng nói, cùng làm, giải thích, tuyên truyền để đồng bào không vào ấp chiến lược, đồng lòng đánh đuổi địch, giữ thôn, giữ xã”.

Được lãnh đạo huyện Phước Long chọn là người làm công tác dân vận, vì ông Khung biết được 3 tiếng nói của dân tộc: S’tiêng, Tày, Mơnông. Ông kể: “Ban ngày, tôi cùng đồng đội thăm dò đường đi của giặc, ban đêm lại cùng chị em mang thức ăn cho bộ đội. Chiến tranh nên cái gì cũng thiếu thốn, nhất là muối. Nhiều lần chúng tôi phải đốt cây tre, nứa lấy tro làm muối. Cũng có lần suýt chết do ăn củ nần (một loại củ có vị đắng, dễ say, rất nguy hiểm nếu không được làm cẩn thận). Chúng tôi thực hiện mọi phương thức để vận động thanh niên trong xã đi bộ đội, đào hầm, vót chông... bảo vệ dân. Còn những người ở nhà tăng gia sản xuất, có lương thực nuôi cách mạng”.

Những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán nhăn nheo, đôi mày nhíu lại khi ông Khung nhớ về những gì đã qua, nhất là chứng kiến cảnh người thân hy sinh. Gia đình ông có 5 anh em trai đều theo cách mạng, giờ chỉ còn lại ông và một người anh trai ở Lâm Đồng. Nhà bà Ai cũng vậy, đều làm du kích, anh chị nuôi phục vụ bộ đội.

Trong nhà ông bà treo trang trọng nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương ghi nhận thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1998, bà Ai được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; năm 2001, ông Khung được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2014, ông được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

GIỌT NƯỚC MẮT HẠNH PHÚC

Thật tình cờ, ông Điểu Bá Lộc (75 tuổi) cũng có mặt tại nhà ông Điểu Khung. Câu chuyện của ông Lộc khiến những người được nghe vô cùng cảm phục và tự hào. Ông bắt đầu câu chuyện: “Tôi đã khóc nhưng không phải là giọt nước mắt đau đớn mà là niềm hạnh phúc của một bộ đội Cụ Hồ”.

Vợ chồng ông Khung (bên phải) và ông Điểu Bá LộcVợ chồng ông Khung (bên phải) và ông Điểu Bá Lộc

Cũng như nhiều thanh niên khác, Điểu Bá Lộc đi theo tiếng gọi Tổ quốc tham gia hoạt động cách mạng. Làm đội trưởng đội trinh sát nên ông luôn là người tiên phong. Ông bị giặc bao vây, bắt sống và bị thương rất nặng ở bụng. Uống một cò rượu cần, ông Lộc chậm rãi nói tiếp: “Khoảng 3 giờ sáng ngày 25-12-1970, tôi bị thương và bị giặc bắt sống đưa lên máy bay. Gia đình tưởng tôi đã chết, vì thấy anh họ là Điểu Tắc cùng đi với tôi bị chúng chôn ngồi trong rừng. Chúng đưa tôi vào khu biệt giam ở nhà tù Đồng Nai”.

Những tưởng sẽ khai thác được thông tin của trinh sát Điểu Bá Lộc nên khi vết thương lành, địch nhanh chóng đưa ông vào một phòng kín. Ban đầu chúng đưa ra những lời đường mật, rằng sẽ thả về và cấp cho nhiều lương thực, thực phẩm; được chính quyền miền Nam cộng hòa đãi ngộ nếu khai ra những người tham gia cách mạng và căn cứ hoạt động của ta. Dỗ ngọt không được, chúng bắt đầu tra tấn ác liệt. Trước sau như một, ông chỉ khai: “Tôi là người đồng bào đi làm rẫy kiếm gạo, trồng mì, tôi không biết gì cả”. Tra khảo mãi không được, chúng giam ông lại.

Trong tù, ông cùng đồng đội tham gia tuyệt thực để yêu cầu chúng phải thả tù nhân. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông được trao trả. “Bước xuống máy bay, tôi bật khóc khi thấy đồng đội, người thân. Tôi đã khóc nhưng đó là giọt nước mắt của tự do, hạnh phúc”.

Trở về, ông Lộc tiếp tục hoạt động cách mạng đến khi đất nước thống nhất. Sau năm 1975, ông giữ chức vụ Phó bí thư Huyện đoàn Phước Long. Năm 1978, ông vinh dự thay mặt quân và dân Đồng Nai đi nhận danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Quân khu 7. “Khi được nêu tên và cầm tấm bằng, tôi lại bật khóc. Đây là lần thứ hai tôi khóc trong cuộc đời làm cách mạng. Giờ nhớ lại, tôi thấy mới như diễn ra ngày hôm qua” - ông Lộc xúc động.

XỨNG DANH ANH HÙNG

Trước đây, vùng căn cứ cách mạng bị giặc bao vây gồm một nửa bên kia sông Đồng Nai (thuộc tỉnh Lâm Đồng) và một nửa huyện Phước Long (tỉnh Sông Bé cũ). Năm 1965 đã có tên xã Đồng Nai và được chia từ thôn 1 đến thôn 8, trong đó thôn 7, 8 nằm trong ấp chiến lược.

Ông Điểu Bôn, nguyên là Chủ tịch UBND xã Đồng Nai năm 1968-1969. Ông là một trong những người chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cuộc kháng chiến giành độc lập cũng như đời sống của nhân dân trong xã sau hòa bìnhÔng Điểu Bôn, nguyên là Chủ tịch UBND xã Đồng Nai năm 1968-1969. Ông là một trong những người chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cuộc kháng chiến giành độc lập cũng như đời sống của nhân dân trong xã sau hòa bình

Với tinh thần “Chết thì bỏ, sống là phải chiến đấu”, dù khổ cực thế nào, người dân Đồng Nai cũng không đầu hàng giặc. Năm 1970, xã có bà Điểu Thị Lôi bắn rơi máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Xã Đồng Nai ngày ấy, không một gia đình nào không có người theo cách mạng. Không chỉ ông Khung, bà Ai, ông Lộc, chúng tôi còn gặp những người cùng thời với họ như vợ chồng ông Điểu BLong, bà Thị Đứt ở thôn 1; các ông Điểu Lôn, Điểu Bên ở thôn 2... Có người không nhớ rõ tham gia cách mạng từ khi nào, họ chỉ biết lúc đó đã có thể gùi được từ 5-6kg là bắt đầu vận chuyển lương thực, thực phẩm vào rừng cho bộ đội.

Nhà các cựu chiến binh ở xã Đồng Nai đều có điểm chung là trên tường treo nhiều huân, huy chương kháng chiến và huy hiệu 40, 50 năm tuổi đảng. Đồng Nai cũng có nhiều liệt sĩ, như gia đình anh Điểu Thọ ở thôn 2 có đến 4 người là liệt sĩ. Anh Thọ cho biết: “Cha mẹ tôi đều là người hoạt động cách mạng. Các chú, bác tôi cũng vậy. Thế hệ chúng tôi được sống trong hòa bình, đó là điều rất đáng quý và phải biết trân trọng”.

Đồng Nai ngày nay đã và đang chuyển mình. Người Đồng Nai trân trọng, tự hào với thế hệ đi trước, để từ đó kế thừa và phát triển  hơn. Cộng đồng dân tộc S’tiêng, Mơnông, Châu Mạ... đều có những người con kiên trung, bất khuất, Đồng Nai được như bây giờ có một phần hy sinh của họ. Rời Đồng Nai trong không khí chộn rộn đón mừng năm mới, chúng tôi càng thêm phấn chấn và tin tưởng vào những đổi thay ở Đồng Nai để xứng danh là xã anh hùng.

Hải Yến

  • Từ khóa
14979

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu