Thứ 6, 29/03/2024 12:51:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:05, 28/09/2016 GMT+7

Những ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa

Trung Lương
Thứ 4, 28/09/2016 | 15:05:00 1,855 lượt xem
BP - Trong đợt tập huấn tại Học viện Hải quân ở Nha Trang (Khánh Hòa), tôi có dịp gặp gỡ và hỏi chuyện các sĩ quan hải quân đã có nhiều năm gắn bó với các đảo ở Trường Sa. Các anh đều cho rằng, khó khăn của quân và dân huyện đảo Trường Sa tuy vẫn còn nhiều nhưng cuộc sống nơi đây đang ngày càng khởi sắc. Điều đặc biệt là đời sống tâm linh của nhân dân trên đảo rất được chú trọng, hằng ngày tiếng chuông chùa vẫn vang lên và ngân xa, khiến nơi này như một làng quê yên bình của nước Việt Nam.

Theo sử sách ghi lại, từ xa xưa, trên các đảo giữa biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu trời, khấn phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm, cá. Những ngôi chùa ở Trường Sa ngày nay là sự tiếp nối truyền thống xưa của cha ông. Bởi, ở đâu có người dân nước Việt thì ở đó có đền chùa, vì đó là tín ngưỡng bao đời của nhân dân ta. Ngôi chùa chính là hình ảnh của chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật. Hiện nay đã có 5 ngôi chùa được xây dựng tại huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đó là các ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết. Một đặc điểm chung là cả 5 ngôi chùa ở Trường Sa đều hướng về thủ đô Hà Nội và được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Điều này mang ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời cũng là lời tri ân của quân, dân huyện đảo Trường Sa đối với đồng bào cả nước. Những ngôi chùa ở Trường Sa vừa là điểm hẹn văn hóa tâm linh của ngư dân mỗi khi đánh bắt hải sản trên vùng biển này vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc. 

Chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất tại quần đảo Trường Sa - Ảnh: InternetChùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất tại quần đảo Trường Sa - Ảnh: Internet

Chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng trên đảo, chùa ở Trường Sa Lớn cạnh đường băng; chùa ở đảo Nam Yết sát bờ biển, in hình xuống bóng nước lung linh; chùa đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, đón ánh bình minh đầu tiên của mỗi ngày. Riêng chùa Sinh Tồn ở ngay cạnh các hộ dân trên đảo, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng quê điển hình ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Kiến trúc chùa gồm một gian hai chái, tường bao trổ hoa; hệ thống sân, vườn với những cây phong ba, bồ đề xanh, mang đậm hồn của dân tộc. Đại tá, Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) Chu Ngọc Sáng cho biết: Chùa Sinh Tồn được xây dựng ở một vị trí trang trọng. Ngoài những nơi thờ, tụng niệm phật, chùa còn đặt trang trọng tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo đến đây thắp hương, tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Chùa ở Trường Sa Lớn cũng được xây dựng rất uy nghi, tọa lạc ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống. Bên trong chùa Trường Sa Lớn có 6 bức tượng phật được chế tác công phu bằng ngọc quý có màu trắng (gọi là Phật ngọc). Chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Chùa có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ. Những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng, ghi bằng chữ quốc ngữ như: “Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”. Điều này càng khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc Việt Nam trên vùng biển đảo Trường Sa. Và nơi đây mãi mãi là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo từ xa xưa. Chùa ở Trường Sa thể hiện nét văn hóa với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Những ngôi chùa ở Trường Sa là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa bờ; đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vùng biển, đảo Trường Sa.

  • Từ khóa
111260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu