Thứ 6, 19/04/2024 06:23:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:30, 17/10/2019 GMT+7

Những lớp học tình thương đặc biệt

Thứ 5, 17/10/2019 | 06:30:00 2,077 lượt xem
BP - Những năm gần đây, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập trở thành nơi “đất lành” nên lượng người di dân tự do đến ngày một nhiều, nhất là từ Campuchia về sống trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Dân di cư tự do đã gây áp lực cho xã về mọi mặt, đặc biệt các hộ đều có con em trong độ tuổi đến trường, nhưng do không có bất kỳ loại giấy tờ nào nên không biết các cháu đã đi học hay chưa? Vì vậy, những lớp học tình thương đã hình thành ở Trường tiểu học Nguyễn Huệ, xã Đức Hạnh.

Nơi “đất lành”

Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Nguyễn Minh Hóa cho biết: Hiện nay, vấn đề đang khiến lãnh đạo xã băn khoăn, lo lắng là lượng di dân tự do đến xã ngày một đông, gây áp lực về mọi mặt. Năm 2015, trên địa bàn xã có 10 hộ di cư từ Campuchia về thì năm 2019 tăng lên 86 hộ, trung bình mỗi hộ 6 người. Nguyên nhân là do tiềm thức của người dân thường gắn với sông nước, ở Campuchia sống ở Biển Hồ thì khi về Việt Nam họ cũng chọn vùng có sông nước, trong đó xã Đức Hạnh là nơi “đất lành”. Khi về Việt Nam, họ không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, không nhà ở, không đất sản xuất, không có việc làm. Cư trú trên địa bàn, lãnh đạo xã không thể để họ ngoài cuộc mà luôn quan tâm, hỗ trợ như mọi người dân bình thường. Dù không làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội nhưng di dân tự do nhiều gây áp lực về vệ sinh môi trường, dịch bệnh và các hoạt động an sinh xã hội khác.

Lớp học đặc biệt tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) có nhiều em cao bằng cô giáo. Trong ảnh: Cô, trò lớp 3A3 trong giờ học

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Cuộc sống của các hộ di dân tự do thường gắn với lòng hồ để đánh bắt cá mưu sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn cá cạn kiệt dần nên họ chuyển sang làm thuê đủ nghề, ai thuê gì làm nấy. Vì thế, các hộ cư trú không ổn định, đi - đến thường xuyên và vẫn chọn Đức Hạnh làm điểm dừng chân cuối cùng. Qua theo dõi của Công an xã, các hộ dân di cư mới đến ở có thông báo nhưng khi chuyển đi nơi khác làm ăn thì không báo, gây khó khăn cho công tác quản lý. Số lượng các hộ thường xuyên biến động, tuy nhiên khi xã thông báo nhận quà lễ, tết lại về đông đủ. Ngoài 86 hộ đăng ký cư trú tại xã, vẫn còn hộ khác đã đến ở nhưng chưa thông báo, Công an xã đang rà soát những trường hợp này.

Và những lớp học  đặc biệt

Phần lớn các hộ di dân tự do đến xã Đức Hạnh đều có con em trong độ tuổi đi học, nhưng do không có bất kỳ loại giấy tờ nào nên không biết các cháu đã đi học hay chưa và học lớp mấy. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo xã Đức Hạnh đã làm việc với Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Huệ mở lớp dạy học cho các cháu. Hiện học sinh thuộc đối tượng này được huyện hỗ trợ 100 ngàn đồng/em/tháng.

Thầy Bùi Hữu Nam, Hiệu phó Trường tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: Hè năm 2016, số lượng hộ di dân tự do đến xã tăng đột biến, số trẻ trong độ tuổi đi học nhiều, vì thế trường phối hợp chính quyền xã kêu gọi, vận động trẻ đến lớp với tổng 75 em. Đồng thời vận động chùa Đức Hạnh hỗ trợ kinh phí giảng dạy cho giáo viên. Các em chia thành 2 lớp, 1 lớp 1 và 1 lớp chung cho mọi lứa tuổi. Sau 2 tháng hè, trường phân loại thành các lớp học theo trình độ tương ứng để đưa các em vào học chính thức năm học 2016-2017, gồm 1 lớp 1 và các lớp 2, 4, 5. Do không có giấy tờ và chưa qua trường lớp nên nhiều em dù học lớp 2 nhưng cao lớn bằng thầy, cô giáo. Năm học 2018-2019, trường có 88 học sinh là con em các hộ di cư tự do, tăng 13 em so năm học 2016-2017, nhưng đến năm học 2019-2020 giảm còn 64 em, do nhiều em lớn tuổi nên xin nghỉ học. Trong đó, 17 em lớp 1, 15 em lớp 2, 19 em lớp 3 và 13 em lớp 4, không có lớp 5. Việc dạy học ở các lớp này vẫn tổ chức bình thường như những lớp học khác, trong đó khối lớp 1 và khối lớp 4 học xen kẽ với các lớp khác trong trường. Ngoài miễn phí các khoản đóng góp, các em còn được trường, thầy cô vận động hỗ trợ tư trang, dụng cụ học tập.

Cô Đỗ Thị Tuyết Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 cho biết: Lớp có 15 em đều là con em các hộ di dân tự do, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Theo độ tuổi đến lớp, học sinh lớp 2 sinh năm 2012 nhưng theo khai báo của phụ huynh thì các em đủ thành phần lứa tuổi, có em sinh năm 2012 nhưng cũng có em sinh năm 2006, 2008; có trường hợp là chị em, anh em ruột nhưng học chung lớp. Tuy lớn tuổi nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi ở không ổn định, cha mẹ ít quan tâm nên nhiều em bị suy dinh dưỡng. Lớp có 5 em cha mẹ bỏ đi làm ăn xa không về nên các em ở với ông bà, người thân. Do điều kiện quá khó khăn nên phần lớn đồ dùng, dụng cụ học tập của các em đều do trường và giáo viên vận động trao tặng. Vào vụ mùa, các em theo gia đình đi mót, lượm điều thuê nên nhiều em đi học không chuyên cần, khiến giáo viên phải thường xuyên vận động đến lớp.

Cạnh lớp 2A3 là lớp 3A3 - lớp học đặc biệt dành cho học sinh các hộ di dân tự do. Cô Lê Trúc Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3 chia sẻ: Do không biết các em sinh năm nào nên cả lớp thống nhất đều lấy năm sinh 2009, trong đó có em đúng tuổi nhưng cũng có em lớn hơn 4, 5 tuổi, thân hình cao lớn bằng cô, đã đến tuổi dậy thì. Vì thế, nhận thức lớp học không đồng đều, một số em lớn tuổi hiểu biết nhanh hơn nhưng các em nhỏ tuổi thì ngược lại. Điều kiện gia đình khó khăn, phụ huynh ít quan tâm nên mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của các em phần lớn phó mặc cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhìn chung các em đi học sớm, khá đầy đủ nhưng phần lớn sinh sống trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ, ở nhà trọ nên thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như trường lớp. Về chất lượng giáo dục, dù được thầy cô bồi dưỡng thêm, giao nhiều bài tập về nhà nhưng do các em tiếp thu chậm nên lớp không có học sinh khá, giỏi, chỉ từ trung bình đến trung bình khá.

Thầy Hiệu phó Bùi Hữu Nam cho biết thêm: So với học sinh địa bàn thì học lực của con em các hộ di dân tự do không bằng. Tuy nhiên, phần lớn các em học lực trung bình, nếu chưa đủ điểm thì thầy cô ôn tập, rèn luyện thêm trong dịp hè để được lên lớp; trong đó một số em tiến bộ, vượt khó học tốt được trường tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Với nhiều giải pháp khác nhau, những năm qua trường không có học sinh bỏ học giữa chừng, tuy nhiên một số em lớp 4, lớp 5 do độ tuổi và thân hình quá lớn so với các bạn cùng lớp nên xin nghỉ học vì tự ti, ái ngại. Những em này (khoảng 20 em), trường đang tập hợp, vận động mở lớp phổ cập xóa mù chữ trong thời gian tới.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2329

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu