Thứ 7, 20/04/2024 10:08:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:14, 07/08/2013 GMT+7

Những kỷ vật mang linh hồn bất tử

Thứ 4, 07/08/2013 | 09:14:00 214 lượt xem
Ông Vũ Năng Luyện và người thân bên chân dung mẹ mình - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị DiễnNhà báo Đặng Trường Sơn nhận lại hai lá thư của cha mình, nhà văn - nhà báo Hà GiaoPhút gặp gỡ giữa ông Vũ Năng Luyện và cựu chiến binh Australia D.HerrNhiều cựu chiến binh đã đến nhận lại kỷ vật

12 lá thư của cựu chiến binh, liệt sĩ quê Bình Định được các cựu binh của Australia, New Zealand lưu giữ được trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1966 - 1971 giờ mới tìm lại chủ nhân.

Chương trình trả lại kỷ vật này là dự án "Những linh hồn phiêu bạt" thuộc Trung tâm nghiên cứu Xung đột vũ trang và xã hội của Đại học New South Wales (Australia), chi nhánh Canberra phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) thực hiện tại Bình Định.

Chiều 5-8, tại UBND tỉnh Bình Định, trong buổi lễ trao trả kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc xúc động nói: “Nhận được những kỷ vật hôm nay, chúng tôi rất cảm động, tự hào. Xúc động vì đồng đội của chúng tôi hầu hết không còn nữa, tự hào vì những bức thư, những bức ký họa của đồng đội thể hiện ý chí mãnh liệt, quyết tâm cao độ trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc; thể hiện hoài bão, lý tưởng và tình cảm đối với quê hương, đất nước. Đó là những kỷ vật vô giá, có ảnh hưởng lớn và tác dụng giáo dục truyền thống đối với bao thế hệ thanh niên Việt Nam…”

Ông Vũ Năng Luyện (tức Lê Sang, 84 tuổi) ở Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, là người nhận lại bức vẽ chân dung mẹ mình từ cựu binh Derrill De Heer, bạn của G.W. Dennis - người “cứu” bức tranh từ ngôi nhà đang cháy. Thân sinh ra ông chính là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Diễn.

Ông Luyện nghẹn ngào: “Đây là bức họa mẹ tôi, do em trai tôi - họa sĩ Lê Đình Sung vẽ. Giờ cả mẹ tôi và em tôi đã về cõi vĩnh hằng. Đây là một kỷ vật vô giá của gia đình chúng tôi… Tôi nghĩ người có lương tâm trong sáng mới cất giữ bức tranh của một người không quen biết lâu như thế. Chiến tranh kết thúc làm sống lại tình người”.

Phía sau bức tranh chân dung vẽ theo kiểu truyền thần, có ghi chép nhiều thông tin, chẳng hạn tên của những người thân trong gia đình. Dennis không hiểu nhưng nghĩ là có giá trị với gia đình này nên đã cất giữ cẩn thận, cho đến khi gặp được dự án “Những linh hồn phiêu bạt”.

Nhà báo Đặng Trường Sơn, phóng viên Đài PTTH Bình Định tham gia buổi lễ với cả hai tư cách: người đưa tin và người nhận kỷ vật. Tại đây, Trường Sơn đã nhận lại hai lá thư của cha mình, nhà văn - nhà báo Hà Giao, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo tỉnh Bình Định.

Nhà báo Hà Giao viết hai lá thư, một cho bạn và một cho vợ và cuối năm 1968, khi ông đang chiến đấu ở chiến trường khu V. Trong thư gửi bạn là Kim Anh, có đoạn: “…Vừa qua, Giao đi mặt trận gặp nhiều ác liệt, tất cả ba lần bị B52, hai lần bị phục kích và một lần bị đại bác, song bom đạn Mỹ chưa làm trày da. Người ta đồn sốt ác tính chứ thật thì năm 66 có sốt nằm ít hôm, 67 và 68 thì chưa biết sốt là gì, chưa bao giờ bỏ cơm trừ trường hợp thiếu gạo, thiếu mì nhịn đói mà thôi! Sức khỏe tốt lắm anh ạ. Vẫn công tác cũ nhưng tiến bộ hơn…”. Nhìn vào mắt đồng nghiệp Trường Sơn, chúng tôi hiểu anh rất tự hào về cha mình.

Cụ Đào Đắc Luyện, quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định, đã 91 tuổi, cũng lụm cụm chống gậy đến nhận lại lá thư viết cho vợ cách đây tròn 45 năm. Cụ rưng rưng: “Kỷ vật này thật vô giá đối với tôi và con cháu chúng tôi khi vợ tôi không còn nữa. Nó gợi nhớ những năm tháng hào hùng trong lửa đạn của thế hệ chúng tôi; là nguồn động viên cho tôi những ngày còn lại của đời mình”.

Trong buổi gặp mặt nhiều nước mắt của những người từng là cựu thù, cựu binh, tiến sĩ Bob Hall bộc bạch: “Nỗi đau chiến tranh là điều mà những người lính ai cũng thấu hiểu. Chúng tôi làm công việc này để tỏ lòng biết ơn và đáp lại những người Việt Nam giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm cựu binh Australia đã mất tích trước đây. Thông qua việc trao trả lại những kỷ vật này, chúng tôi mong xoa dịu một phần nỗi đau chiến tranh mà chúng ta đã trải qua…”

Gửi gắm những cảm xúc cuối cùng, ông Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: “Những kỷ vật chưa tìm được thân nhân, chúng tôi sẽ xin nhận lại và trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh để giới thiệu cho mọi người về chứng tích chiến tranh và lòng dũng cảm hy sinh của quân giải phóng Việt Nam. Những kỷ vật này hầu hết là của nhiều liệt sĩ... Với chúng tôi, đó là “những linh hồn bất tử”. Bởi đồng đội của chúng tôi vẫn sống mãi với chúng tôi hôm qua, hôm nay và các thế hệ mai sau”.

(Theo NDĐT)

  • Từ khóa
90570

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu