Thứ 6, 29/03/2024 19:42:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:45, 01/01/2020 GMT+7

Những kiến nghị của cử tri Bình Phước với Trung ương

Thứ 4, 01/01/2020 | 13:45:00 544 lượt xem
BP - Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Đoàn ĐBQH, trong các ngày từ 2 đến 17-12-2019, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận, tổng hợp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, với nội dung cụ thể như sau:

Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn đi qua địa bàn thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng là tuyến giao thông huyết mạch với mức đầu tư cao. Tuy nhiên, Ban quản lý đường Hồ Chí Minh đã cho lắp đặt dải phân cách bằng bê tông cố định trong khu dân cư dẫn đến gây khó khăn trong việc đi lại và hoạt động kinh doanh của các hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường, cũng như việc dải phân cách được lắp đặt đã lâu không được sơn phản quang nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị. Mặt khác, có một số vị trí đặt mương thoát nước bất hợp lý, không đạt yêu cầu, khi mưa lớn nước tràn vào nhà và đất rẫy của các hộ dân gây ngập úng, xói lở và hư hại hoa màu. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý đường Hồ Chí Minh kiểm tra, có hướng khắc phục và sửa chữa phù hợp.

Một đoạn dải phân cách cứng trên Quốc lộ 14 qua thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) - Ảnh: Sỹ Hòa

Ngày 27-5-2019, UBND tỉnh Bình Phước có Văn bản số 1426/UBND-KT gửi Bộ Giao thông vận tải đóng góp ý kiến đối với dự án kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh khu vực Đông Nam bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải chủ trì thống nhất phương án xây dựng tuyến đường ĐT.753 nhằm kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai và rút ngắn khoảng cách lưu thông với các địa phương khác trong khu vực để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cử tri tỉnh Bình Phước tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, thực hiện dự án này.

Tại Khoản 4, Điều 2 trong Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định mức khoán phụ cấp chi cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã loại I hệ số là 16.0, loại II là 13.7, loại III là 11.4 mức lương cơ sở. Cử tri cho rằng, với mức phụ cấp này không đảm bảo đời sống, quá thấp so với giá cả thị trường hiện nay, chính sách đưa ra không phù hợp, còn cào bằng giữa người có trình độ chuyên môn được đào tạo và người không được đào tạo. Như vậy sẽ khó thu hút nhân tài, không đảm bảo điều kiện để tinh gọn, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực, hiệu quả công tác (theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII). Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh nâng cao mức hưởng phụ cấp, đồng thời cho hưởng phụ cấp theo bằng cấp để khuyến khích và tạo động lực cho người có trình độ, bằng cấp tham gia, gắn bó công tác.

Cũng theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ còn 3 chức danh ở thôn, ấp, tổ dân phố là bí thư, trưởng thôn, ấp và trưởng ban công tác mặt trận. Trong khi công việc của thôn, ấp, tổ dân phố ngày càng nhiều, địa bàn rộng thì chỉ có 1 trưởng thôn, ấp sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Đề nghị Chính phủ xem xét, quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng phụ cấp theo bằng cấp và các chế độ liên quan như cán bộ, công chức.

Tại Khoản 5, Điều 2, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Ngân sách Nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn”. Như vậy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bao nhiêu phần trăm trong 1 tháng (9,5% hay 26,5%)? Việc đóng BHXH, BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 2; Khoản 1, Điều 85 và Khoản 3, Điều 86 của Luật BHXH và Luật BHYT không? Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển, sử dụng năng lượng điện tái tạo. Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển và sử dụng tất cả năng lượng điện tái tạo, như năng lượng điện được sản xuất từ hầm khí biogas, vì hiện nay nguồn điện hầm khí biogas từ các trang trại chăn nuôi tập trung dư nhiều so với nhu cầu sử dụng, nhưng chưa được các ngành chức năng xem xét mua lại để bổ sung vào nguồn lưới điện quốc gia như các nguồn điện tái tạo khác.

Cử tri đánh giá cao tinh thần quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, mới chỉ kiểm tra và xử lý đối với các vụ án tham nhũng có mức thiệt hại lớn, tình trạng tham nhũng vặt, lãng phí xảy ra nhiều nhưng chưa được quan tâm kiểm tra và xử lý triệt để. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi tham nhũng vặt, lãng phí để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Qua buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri đánh giá cao sự thẳng thắn nhận khuyết điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã để xảy ra một số sai phạm thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri nhận thấy giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng “trồng người” và tri thức của người Việt Nam. Do đó đề nghị Bộ trưởng kiểm tra, rà soát lại tổng thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Có biện pháp xử lý đối với các cá nhân năng lực yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, ma túy đá xảy ra nhiều, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và hoang mang cho nhân dân. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ án gây thiệt hại sức khỏe và tính mạng của người dân do các đối tượng sử dụng ma túy, ma túy đá gây nên. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu có biện pháp tăng nặng mức xử phạt, xử lý đối với các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật và các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy. Đồng thời nghiên cứu biện pháp quản lý người nghiện ma túy ngoài xã hội phù hợp, nhằm đảm bảo công tác cai nghiện đạt hiệu quả, giúp nhân dân yên tâm sinh sống.

K.C (tổng hợp)

  • Từ khóa
32094

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu