Thứ 6, 19/04/2024 06:22:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:48, 23/02/2016 GMT+7

Những khó khăn và bất cập ở Trường mầm non Tân Hưng

Thứ 3, 23/02/2016 | 07:48:00 793 lượt xem
BP - Điểm chính được xây dựng khang trang với nhiều phòng chưa sử dụng hết, trong khi các ấp ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo lại chưa có điểm trường; điểm trường lẻ còn thiếu đến 10 giáo viên, khiến nhiều người phải làm việc gấp đôi so với quy định. Đó là những khó khăn, bất cập cần sớm được quan tâm, giải quyết ở Trường mầm non Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản.

THIẾU ĐIỂM TRƯỜNG

Xã Tân Hưng có diện tích tự nhiên 92,6km2, dân số hơn 12 ngàn người, dân tộc thiểu số chiếm trên 20%. Đơn vị hành chính của xã được chia làm 9 ấp. Trường mầm non Tân Hưng có 3 điểm trường, gồm: điểm chính ở trung tâm xã, điểm lẻ sóc Xà Nạp (ấp Hưng Phát) và điểm lẻ ấp Sóc Quả. Nhiều ấp xa trung tâm xã từ 6-10km, như: Sóc Ruộng, Lòng Hồ, Đông Hồ, Sở Xiêm chưa có điểm trường. Chị Thị Ngọc, ngụ ấp Sóc Ruộng, phụ huynh cháu Điểu Lven, lớp lá 1 than thở: “Được đưa đón con đi học là niềm hạnh phúc của bậc làm cha làm mẹ nhưng với người dân chúng tôi lại là nỗi ám ảnh. Bởi để đưa con tới trường, chúng tôi phải vượt gần 10km, trong đó phần lớn là đường đất đỏ rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, sớm đầu tư xây dựng điểm trường cho các cháu”.

Trường mầm non Tân Hưng được xây dựng khang trang bậc nhất trong tỉnh nhưng nhiều trẻ em trong xã vẫn... thiếu lớp họcTrường mầm non Tân Hưng được xây dựng khang trang bậc nhất trong tỉnh nhưng nhiều trẻ em trong xã vẫn... thiếu lớp học

Ấp Sóc Ruộng hiện có 299 hộ với 1.413 người, trong đó gần 60% đồng bào S’tiêng. Ông Trịnh Xuân Hùng, Trưởng ấp cho biết: “Hằng năm, Sóc Ruộng có từ 20-30 cháu trong độ tuổi học mầm non, trong đó trẻ 5 tuổi khoảng 12-17 cháu. Xa trường, giao thông khó khăn, thiếu phương tiện đi lại nên nhiều cháu không được học mẫu giáo mà lên thẳng lớp 1. Ấp cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành chức năng với mong muốn được xây dựng điểm trường cho các cháu nhưng chưa được”. “Do phần lớn trẻ chưa qua mẫu giáo hoặc đã ra lớp nhưng tỷ lệ chuyên cần thấp, phụ huynh lại ít quan tâm đến việc học tập của con cái nên nhiều cháu dù đã học lớp 2 nhưng đọc chưa rõ, viết chưa thạo gây khó khăn trong giảng dạy” - cô Lê Thị Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 23, điểm trường Sóc Ruộng (Trường tiểu học Tân Hưng B) nói.

Tại ấp Lòng Hồ dù cũng đã có điểm trường tiểu học với 6 phòng nhưng nơi đây vẫn chưa có điểm trường mầm non. Trưởng ấp Hoàng Công Thức cho biết, hiện ấp có 30 cháu đang học mẫu giáo, trong đó phần lớn trẻ 5 tuổi, còn trẻ 3-4 tuổi ở nhà với gia đình do đi lại xa và không có lớp. Đặc biệt, tại ấp Đông Hồ, cách trung tâm xã hơn 7km nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ điểm trường nào.

LÃNG PHÍ Ở ĐIỂM CHÍNH

Về xã Tân Hưng, ai cũng dễ nhận thấy ngôi trường mầm non mới được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp bậc nhất tỉnh. Cô Ngô Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường cho biết: Trường được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2015 theo kiến trúc mới, hình chữ V, gồm 1 dãy phòng trệt và 2 dãy lầu với 22 phòng. Trong đó chỉ có 6 phòng học, còn lại là phòng chức năng, phòng học bộ môn, hội trường, nhà bếp... Theo quan sát của chúng tôi, phòng học được thiết kế, phân chia hợp lý theo đúng tiêu chuẩn của bậc học mầm non, gồm các khu vực: học, vui chơi, ăn, ngủ, vệ sinh với diện tích 210m2/phòng. Tuy nhiên, trong khi trường đang thiếu phòng học thì lại có quá nhiều phòng để trống, gây lãng phí, như phòng giặt, phòng ủi, phòng phơi, phòng nhân viên, phòng thu tiền ăn, kho để đồ sạch...

Các phòng học ở điểm chính Trường mầm non Tân Hưng được xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Ảnh: Lớp lá 1 trong giờ họcCác phòng học ở điểm chính Trường mầm non Tân Hưng được xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Ảnh: Lớp lá 1 trong giờ học

Cô Tuyết cho rằng có nhiều phòng không sử dụng đến hoặc không thiết thực, phù hợp như phòng giặt, phòng phơi đặt tận lầu 3, gây khó khăn cho vận chuyển; phòng nhân viên thì không cửa sổ, không quạt thông gió, không điều hòa; phòng giáo dục thể chất - nghệ thuật dù diện tích khá rộng rãi nhưng nội dung mỗi môn học khác nhau nên không thể ghép chung... Một số phòng có diện tích quá hẹp hoặc không đúng quy cách, vì thế không thể sử dụng làm phòng học cho các cháu nên đành để trống. Ngoài ra, dù ngôi trường khang trang nhưng hầu hết chân tường lại chưa được ốp gạch; sân trường chưa được trang bị đồ chơi cho trẻ. Đặc biệt, tại điểm chính do thiếu phòng học nên vẫn phải học 2 nơi (điểm chính mới và điểm chính cũ, cách nhau 500m), gây khó khăn cho quản lý, giáo dục.

CHỈ TRỪ NAM NHÂN VIÊN Y TẾ

Toàn trường hiện có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 13 giáo viên giảng dạy, nuôi dưỡng 324 cháu/11 nhóm, lớp theo học, gồm 5 lớp lá, 3 lớp chồi, 2 lớp mầm và 1 nhóm trẻ. Hiện trường vẫn còn dư 4 phòng học tại điểm chính cũ, trong khi đó trên địa bàn có trên 100 cháu từ 3-4 tuổi chưa được ra lớp do thiếu giáo viên. Đến nay, trường còn 3 chỉ tiêu biên chế nhưng chưa được phân bổ và so với nhu cầu thực tế thì vẫn thiếu 10 giáo viên. Do đó, trường chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi và bố trí 2 cô/lớp 5 tuổi, còn lại 1 cô/lớp.

Để vận động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, trường sử dụng nhiều giải pháp, trong đó có cả việc bao trọn gói tiền ăn, sách vở, học phí cho một số cháu dân tộc S’tiêng nhưng tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp hằng năm vẫn không đạt 100%. Năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,5%; năm học 2015-2016 đạt 98,9%, nhất là dịp sau tết Nguyên đán, tỷ lệ chuyên cần có chiều hướng giảm do các cháu theo cha mẹ vào rẫy lượm điều nên rất khó vận động.

Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Hưng Ngô Thị Tuyết 

Cô Kiều Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp chồi 1 chia sẻ: “So với quy định, trẻ 4-5 tuổi tối đa chỉ 30 cháu/lớp/2 cô nhưng hiện một mình tôi phải dạy 36 cháu/lớp. Dạy 1 cô/lớp lại học bán trú gây rất nhiều áp lực cho giáo viên, như phải làm việc liên tục trong 11 giờ/ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút với rất nhiều việc, từ quản lý, dạy, dỗ, cho ăn, vệ sinh, tổ chức các trò chơi... cho trẻ. Ngoài ra, những ngày nghỉ lễ các cô còn tranh thủ làm đồ dùng, đồ chơi, soạn giáo án. Nhiều lúc đau ốm hay gia đình có việc đột xuất muốn xin nghỉ cũng rất khó vì không có giáo viên dạy thay”.

Không chỉ áp lực đối với giáo viên mà cả ban giám hiệu cũng phải làm việc gấp đôi. Được bổ nhiệm làm hiệu phó từ năm học 2012-2013 nhưng gần 4 năm qua, cô Trịnh Thị Hà vẫn phải dạy học như giáo viên bình thường. Cô Hà cho biết, so với quy định hiệu phó chỉ đứng lớp 4 giờ/tuần nhưng do thiếu giáo viên nên cô phải phụ trách 1 lớp tại điểm lẻ ấp Sóc Quả, cách điểm chính 8km. Cô Hà luôn tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Vào dịp thi giáo viên dạy giỏi hay thi đồ dùng dạy học, để duy trì, ổn định nền nếp lớp học thì chỉ trừ nhân viên y tế là nam, còn lại trường phải huy động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ra đứng lớp vì không thể để học sinh nghỉ học” - cô Tuyết nói.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
85736

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu