Thứ 7, 20/04/2024 03:18:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 19:47, 09/06/2018 GMT+7

Những khó khăn ở 12 xã về đích nông thôn mới 2017

Thứ 7, 09/06/2018 | 19:47:00 193 lượt xem

BPO - Năm 2017, toàn tỉnh có thêm 12 xã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận về đích nông thôn mới. Hiện nay, các xã này đang trong quá trình hoàn thiện hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để thanh quyết toán theo quy định. Đồng thời, các xã cũng đang xây dựng kế hoạch củng cố và nâng chất các tiêu chí theo yêu cầu. Tuy nhiên, ở tất cả các xã trên hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc mà không thể tự thân tháo gỡ, đó là nguồn lực đầu tư để giữ vững các tiêu chí và phát triển bền vững. Cụ thể khó khăn của từng xã như sau:

Xã Thành Tâm huyện Hớn Quản về đích năm 2017 nên các tiêu chí cơ bản đạt ở mức cao. Hiện xã đang thực hiện củng cố các tiêu chí đã đạt nhất là tiêu chí giao thông, phát triển sản xuất và môi trường... Vì hiện nay, nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn chưa được nâng cao, vì vẫn còn các trường hợp vi phạm về môi trường. Hơn nữa, địa bàn xã có khu công nghiệp Nam Chơn Thành đang phát triển nhanh và là vùng giáp ranh nên vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Đối với xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, việc huy động kinh phí trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và việc xây dựng đường bê tông xi măng thiếu tính bền vững do địa hình đồi dốc, hệ thống mương không đảm bảo. Khó khăn lớn nữa ở Tân Lợi là Trường THCS Tân Lợi hiện chưa được công nhận đạt chuẩn.

Xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, nên tiêu chí số 19 về an ninh và quốc phòng cần được chính quyền xã và thị xã Đồng Xoài quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai thi công một số công trình còn chậm so với kế hoạch đề ra. Cống thoát nước đường Phạm Ngọc Thạch và đường Hải Thượng Lãn Ông ra Quốc lộ 14 chưa được đầu tư xây dựng. Và cống thoát nước số 2 - QL14 cần được nâng cấp, vì lưu lượng nước quá lớn, cống nhỏ thoát không kịp gây ngập lụt cục bộ tại xóm 4, ấp 2 giáp Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh có 9 tuyến đường BTXM của xã đã được phê duyệt, nhưng huyện chưa hỗ trợ kinh phí mua cát, đá nên chưa thực hiện được. Một số nhà văn hóa tại các ấp 2, 7, 8, 9 cần được sửa chữa và xây thêm một số hạng mục công trình để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, các mô hình phát triển kinh tế quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kết nối được với thị trường tiêu thụ và thiếu bền vững.

Xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh có một số tuyến đường BTXM đã được phê duyệt, nhân dân đã đóng góp đủ vốn đối ứng nhưng do ngân sách huyện chưa bố trí để hỗ trợ cát, đá nên chưa thực hiện được trong khi nhu cầu là rất cấp bách. Đồng thời, hiện xã đang cần được bố trí kinh phí xây dựng 10 phòng học và 1 nhà văn hóa ấp để củng cố, nâng cao các tiêu chí.

Xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp hiện có một số công trình trên địa bàn đang trong quá trình thực hiện, chưa được đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân. Các tuyến đường BTXM thực hiện theo cơ chế đặc thù cần được huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua cát, đá.

Đối với xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, công tác môi trường cần được quan tâm cao hơn nữa, vì địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất gần các khu dân cư nhưng chưa được xử lý triệt để về chất thải, gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân nhất là ở các thôn Phú Lợi, Phú Tân, Phú Nguyên. Nghĩa trang nhân dân của xã cũng cần được quy hoạch mở rộng. Bãi xử lý rác thải 1,5 ha của xã cần có sự hỗ trợ của các phòng ban chuyên môn trong việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng cụ thể và khẩn trương. Đặc biệt là thu nhập của một bộ phận nhân dân vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, thiếu ổn định, chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế ở các vùng này còn thấp.

Khó khăn nhất của xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng là việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí để xây dựng các tuyến đường, vì một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn xã còn thấp và thiếu bền vững. Tuyến QL14 cũ có 3 trường học, dân cư đi lại nhiều nên cần được đầu tư mở rộng.

Đối với xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập cần được bố trí kinh phí đầu tư tuyến đường nhựa khoảng 1km để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời cần được tiếp tục bố trí kinh phí để xã đầu tư nhằm nâng cao và duy trì đạt chuẩn các tiêu chí. Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Tân Phước, huyện Đồng Phú hiện còn 18km đường sỏi đỏ cần được bố trí vốn để nhựa hóa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Một số tuyến đường BTXM thực hiện theo cơ chế đặc thù chưa được UBND huyện hỗ trợ kinh phí mua cát, đá nên chưa thực hiện được.

Đối với xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, công tác phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình và cấp vốn còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các công trình. Địa bàn xã rộng, dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng tới việc vận động nhân dân đóng góp thực hiện chương trình. Đặc biệt, đoạn đường từ ngã 3 Đồng Bia đi ấp Thạch Màng dài hơn 3km chưa được bố trí kinh phí thực hiện.

Xã Phước Tín, thị xã Phước Long hiện xã đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình còn dang dở, tiếp tục thực hiện vận động nhân dân đăng ký thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù của tỉnh. Xã đang trong quá trình xây dựng kế hoạch để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Do vậy, đề nghị UBND thị xã hằng năm bố trí kinh phí cho xã để thực hiện các nội dung này.

Tất cả các xã về đích nông thôn mới năm 2017 hiện đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn để củng cố và duy trì các tiêu chí đã đạt, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, những khó khăn này vượt tầm với của các xã nên rất cần sự đầu của tỉnh và các huyện, thị xã.

Q. Minh

  • Từ khóa
54296

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu