Thứ 3, 23/04/2024 16:58:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:23, 27/06/2015 GMT+7

Tội phạm về an toàn thực phẩm cần cụ thể hơn

Thứ 7, 27/06/2015 | 15:23:00 1,398 lượt xem
BP - An toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, vì nó không những ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của cả cộng đồng mà còn trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định về tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Điều 244 có nội dung như sau:

Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên, quy định như trên còn rất nhiều bất cập. Thứ nhất, xét về mặt ý thức chủ quan thì quy định như trong Điều 244 thì người phạm tội phải biết rõ thực phẩm mà họ chế biến, cung cấp hoặc bán là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Nhưng từ thực tế cho thấy thì hành vi “biết rõ” đó có thể nhận biết được bằng trực quan thông qua mắt, mũi để nhận biết về màu sắc, mùi vị của thực phẩm hoặc từ việc thông qua các phương tiện kỹ thuật chuyên ngành. Do đó, đối với các thực phẩm cần có những phương tiện kỹ thuật chuyên ngành mới đánh giá được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì người có hành vi vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, xét về hành vi khách quan thì quy định như Điều 244 là vô hình chung đã phi tội phạm hóa các hành vi sản xuất, nuôi trồng thực phẩm mà người vi phạm biết rõ là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là các hành vi sử dụng chất tạo nạc, thuốc tăng trọng đã bị cấm trong chăn nuôi. Hoặc hành vi sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm trong trồng trọt. Hay những hành vi sản xuất, nuôi trồng là tiền đề, làm cơ sở cho hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tính nguy hiểm cho xã hội của những hành vi này không khác gì so với hành vi được quy định tại Điều 244, thế nhưng lại không bị xem đó là những hành vi phạm tội.

Thứ ba, Điều 244 quy định là vậy nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng; gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì thiếu những hướng dẫn nên các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra ở khắp mọi nơi như hiện nay, nhưng các cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính, mà không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, những bất cập trong Điều 244 của Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi, bổ sung thì mới nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay và trong thời gian tới.  

Diệp Viên

  • Từ khóa
26690

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu