Thứ 6, 29/03/2024 18:37:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:27, 13/05/2016 GMT+7

Những hành động và việc làm đẹp

Thứ 6, 13/05/2016 | 15:27:00 92 lượt xem

BP - Những ngày qua, trên nhiều tờ báo và các trang mạng xã hội đăng thông tin: Một nam thanh niên 20 tuổi sống tại TP. Hồ Chí Minh bị tai nạn giao thông dẫn đến chết não. Gia đình người thanh niên đã quyết định hiến tặng thận, gan, tim của con trai để cứu 4 người bệnh khác đang trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trước ca mổ lấy tạng, ê kíp các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã dành một phút mặc niệm người thanh niên này. Phút mặc niệm đã được một thành viên trong ê kíp mổ ghi lại. Nhiều tờ báo, trang thông tin điện tử trân trọng đăng tải lại tấm hình và đưa lên trang nhất với những dòng tít, chú thích nhấn mạnh hành động đẹp không phải ai, gia đình, các y, bác sĩ nào cũng làm được.

Năm 2006, Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tuy nhiên, luật và thực tế còn cách xa nhau. Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng. Nhưng 5 năm qua, bệnh viện chỉ tiếp nhận gần 30 trường hợp hiến, trong khi nhu cầu được ghép tạng ngày càng cao. Và dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, bệnh viện có 3-4 người bị chết não trước đó đã đồng ý hiến tạng nhưng không vận động được ca nào vì gia đình không đồng ý.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng cho biết, ở nước ta hiện có hàng chục ngàn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không đủ nguồn mô, tạng. Trong đó, trên 6.000 người bị suy thận đang chờ ghép, trên 300 ngàn người mù chờ ghép giác mạc; 1.500 người chờ ghép tim... Nguyên nhân chính do quan niệm của đa số người dân cho rằng, khi chết cơ thể phải còn nguyên vẹn, cùng nhiều vấn đề tâm linh khác. Vì vậy, việc vận động, thuyết phục gia đình, người thân gặp rất nhiều khó khăn, dù người hiến tạng đã có di nguyện đồng ý. Năm 2011, người viết từng chứng kiến các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi về một huyện của Bình Phước lấy tạng đã bị người nhà của bệnh nhân có di nguyện hiến tạng đuổi đánh, đòi đốt xe. Tuy nhiên, lại có những trường hợp đã làm đơn xin hiến giác mạc, xác, nội tạng sau khi mất như vợ chồng ông bà Huỳnh Tấn Tài - Trần Thị Ngọc Hạnh, xã Đắk Nhau (Bù Đăng); ông Nguyễn Văn Thuyết ở thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành); bà Trần Thị Thanh, xã Đồng Tâm (Đồng Phú)... Họ tâm nguyện hiến xác, hiến giác mạc cho khoa học, cho sự sống người khác là việc được sống tiếp một cuộc đời khác ý nghĩa hơn.

Một hành động đẹp không kém khi ê kíp các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức đã dành một phút mặc niệm người thanh niên hiến tạng cứu người ở trên. Trong khi ở một số nơi, vấn đề y đức, y đạo của cán bộ, nhân viên ngành y tế đã và đang gây bức xúc trong dư luận thì việc làm trên, dù nhỏ nhưng rất đáng được trân quý.

Hằng ngày, có rất nhiều hành động, cư xử đẹp, việc làm quý như nhắc người đi đường khi quên gạt chân chống xe; hình ảnh những sĩ quan, chiến sĩ mang quân hàm xanh, đỏ và đoàn viên, thanh niên giúp dân dựng lại nhà, nọc tiêu bị gãy đổ do lốc xoáy; hay chở từng can nước tới nhà dân vùng hạn hán… đang tạo dựng một xã hội tốt đẹp, sâu sắc hơn. Cần nhiều hơn nữa những hành động Đẹp!

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu