Thứ 5, 28/03/2024 21:16:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:49, 25/07/2014 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2014)

Những gia đình thương, bệnh binh kiểu mẫu ở Bù Đốp

Thứ 6, 25/07/2014 | 08:49:00 1,566 lượt xem
BP - Là những cựu chiến binh, dù đang mang nhiều thương tật nhưng đã vượt qua để vươn lên làm giàu chính đáng, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Người thương binh tàn nhưng không phế

Năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Đinh Hồng Quảng lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1983, trong một đợt cùng đồng đội bảo vệ đường biên giới, khi đang gỡ mìn không may bị nổ, ông bị cụt ¾ cánh tay phải và tổn thương vùng mắt. Năm 1985, ông phục viên về quê Nam Định với tỷ lệ thương tật 61%. Là con thứ trong gia đình có 10 người con, không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, ông Quảng vào ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện (Bù Đốp) lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Lúc đầu, ông khai hoang 2 sào đất trồng lúa, mì rồi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Bản thân bị thương tật nặng không thể đi làm thuê mãi được, vì thế ông dựng căn nhà tạm làm nghề sửa xe đạp, xe máy -  nghề mà ông thích từ nhỏ. Ông Quảng tâm sự: Lúc mới lập gia đình, vợ ốm, con thơ, để có tiền nuôi gia đình, tôi đã thức thâu đêm suốt sáng làm thêm.

Ông Đinh Hồng Quảng       Ông Chu Viết Dũng              Ông Nguyễn Văn Ưng

 
Ý chí vượt khó của người cha là động lực cho các con vươn lên. Đến nay, 2 trong 3 người con đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, con trai út đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực phấn đấu, gia đình ông được công nhận gia đình hiếu học, công dân kiểu mẫu của huyện Bù Đốp, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Nuôi 4 con thành tài

Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, gia đình thương binh Chu Viết Dũng (57 tuổi, dân tộc Nùng), ngụ ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện cũng là tấm gương trong phong trào hiếu học của huyện. Gia đình ông đã vượt khó nuôi 4 người con học đại học, cao đẳng.

Ông Dũng quê ở Lạng Sơn, sau khi nước nhà thống nhất, ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Năm 1979, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương năm 1983. Năm 1987, ông xuất ngũ, về địa phương lập gia đình. Là thương binh bị mất một chân nhưng ông luôn cùng bà san sẻ, gánh vác mọi khó khăn để nuôi dạy các con trưởng thành. Lúc đầu, vợ chồng ông mở quán tạp hóa, sau đó kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Ông bà tích góp mua 2,5 ha đất trồng 800 nọc tiêu và cao su sắp cho thu hoạch với tổng tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

Không phụ công lao bố mẹ, 4 người con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Hiện 3 trong 4 người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và có việc làm ổn định, con út đang học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Gia đình ông Chu Viết Dũng được công nhận gia đình hiếu học, công dân kiểu mẫu. Ông Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên làm giàu, gương mẫu trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

Người bệnh binh tỷ phú

Đến gia đình bệnh binh Nguyễn Văn Ưng (61 tuổi, ngụ ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi căn nhà mái Thái trị giá 2 tỷ đồng được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Bà Nguyễn Thị Hòa - vợ ông Ưng chia sẻ: “Có được cơ ngơi hôm nay, vợ chồng tôi phải tần tảo, tích góp hàng chục năm”.

Năm 1973, ông Ưng nhập ngũ vào đơn vị thông tin kỹ thuật thuộc Tiểu đoàn 174, Cục Xăng dầu đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 1981, ông bị sốt rét, đau dạ dày rồi phục viên về quê lập gia đình với tỷ lệ mất sức 61%. Năm 1991, ông cùng 34 hộ ở xã Trực Thắng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào vùng đất Lâm Đồng lập nghiệp, sau đó di cư sang Bình Phước. Ông Ưng tâm sự: Buổi đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới gặp muôn vàn khó khăn. Nhờ chính sách, ông được vay 5 triệu đồng từ quỹ tín dụng để chữa bệnh và phát triển sản xuất.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và tích góp dần, gia đình ông mua được đất trồng cao su, tiêu và nuôi con ăn học thành người... Vợ chồng ông có 3 người con trai, trong đó 2 người đã tốt nghiệp đại học, trung cấp, có việc làm ổn định tại địa phương.

Để giúp những gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống, nuôi con ăn học, ông Ưng đã đứng ra thành lập “Hội tình thương” thu hút 30 thành viên tham gia. Theo quy định, mỗi thành viên đóng 1,5 triệu đồng, số tiền này ưu tiên những hộ khó khăn vay với lãi suất thấp để ổn định cuộc sống. Tiền lãi của hội dùng làm quỹ khuyến học và tổ chức cho các cháu vui chơi trong các ngày lễ, tết. Hộ ông Ưng là gia đình công dân kiểu mẫu, bản thân ông được công nhận nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

V.T

  • Từ khóa
11452

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu