Thứ 6, 29/03/2024 02:59:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:53, 01/08/2018 GMT+7

Những gia đình cách mạng gương mẫu

Thứ 4, 01/08/2018 | 14:53:00 1,157 lượt xem
BP - Dù mang trong mình thương tật do chiến tranh nhưng phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ, gia đình thương binh Bùi Văn Quang (1951), ngụ thôn Tân Lập và Phan Thanh Hùng (1957), ngụ thôn Khắc Khoan, cùng xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, nuôi con ăn học nên người và tích cực đóng góp cho xã hội. Đây là những “gia đình cách mạng gương mẫu” nhiều năm liền của huyện Bù Gia Mập.

6 người con HỌC đại học, cao đẳng

Nhập ngũ năm 1971 tại chiến trường Đông Nam bộ, sau 18 năm phục vụ quân đội, năm 1989, cựu chiến binh Bùi Văn Quang xuất ngũ về quê với tỷ lệ thương tật 21% (thương binh hạng 4/4). Hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại đông con, năm 1993, gia đình ông vào Bình Phước mua 1,3 ha đất vừa ở vừa tăng gia sản xuất. Đất ít lại mang thương tật nên số tiền thu được chỉ đủ trang trải cuộc sống mà không có dư. Kinh tế khó khăn nhưng bù lại các con của ông Quang đều chăm ngoan và có ý chí vươn lên trong học tập. Trong 6 người con thì 3 người tốt nghiệp cao đẳng, 2 người tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm ổn định, còn người con út đang học năm thứ 3 Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Vợ chồng ông Bùi Văn Quang, bà Chu Thị Số

Ông Quang cho biết: Để nuôi 6 con ăn học, ngoài được Nhà nước hỗ trợ học phí (con thương binh), vay tiền ngân hàng chính sách xã hội thì cháu nào ra trường trước có việc làm, thu nhập có trách nhiệm nuôi người đi học sau. Qua đó vừa tạo điều kiện cho các cháu đều được đi học vừa thể hiện trách nhiệm và tạo sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình. Thương cha mẹ vất vả, các con vươn lên học giỏi, sau khi ra trường đều tâm huyết với nghề. Con gái đầu Bùi Thị Thùy Trang, giáo viên tiểu học ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) đoạt giải nhì giáo viên giỏi cấp quốc gia năm học 2016-2017. Vợ ông Quang là bà Chu Thị Số, ngoài giỏi thu vén việc gia đình, bà còn năng nổ trong các hoạt động của thôn. Từ năm 2000, bà được bầu làm trưởng ban công tác mặt trận kiêm Chi hội trưởng phụ nữ, Trưởng ban khuyến học thôn. Hiện bà làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn, nhiều lần được Ủy ban Trung ương MTTQVN và các cấp khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Gia đình thương binh sản xuất -  kinh doanh giỏi

Cùng sinh ra ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, lớn lên tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1971, ông Phan Thanh Hùng lên đường nhập ngũ, còn bạn gái là bà Nguyễn Thị Hòa tham gia du kích địa phương. Trong những năm tháng chiến tranh, cả hai đều bị thương với tỷ lệ thương tật 21%. Sau khi đất nước giải phóng, ông bà nên duyên chồng vợ. Năm 1996, ông bà vào Bình Phước lập nghiệp với hy vọng đưa cuộc sống gia đình sung túc hơn.

Vợ chồng ông Phan Thanh Hùng, bà Nguyễn Thị Hòa

Vốn lập nghiệp ở vùng đất mới không gì ngoài cặp heo nái ông bà đưa từ quê vào nuôi nhân đàn. Ban đầu để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học, ông bà nhận đào hố cà phê thuê. Có chút vốn, ông bà mở lò làm bánh tráng, bánh ướt, chè đậu bán cho người dân trong vùng, kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà. Cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu nên trong khoảng 10 năm đầu ông bà đã tích góp mua 10 ha đất trồng điều, cà phê, cao su, tiêu, cây ăn trái. Sớm ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất, chất lượng sản phẩm vườn cây ngày càng tăng cao. Đặc biệt, 4 sào đất cạnh nhà, ngoài trồng 500 nọc tiêu, ông còn trồng xen bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nuôi cá nên cho thu nhập quanh năm. Thời điểm được mùa, được giá, mỗi năm vườn cây gia đình cho thu gần 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài nuôi 4 người con ăn học (trong đó 2 người tốt nghiệp cao đẳng, 1 tốt nghiệp đại học), ông bà còn xây được căn nhà 2 tầng khang trang trị giá gần 1,5 tỷ đồng và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền.

Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi, ông bà còn là những hội viên cựu chiến binh gương mẫu, luôn tích cực đóng góp vì đồng đội. Chi hội cựu chiến binh thôn Khắc Khoan có 47 hội viên. Nhằm góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế, những năm qua chi hội đã xây dựng nguồn quỹ hơn 500 triệu đồng, trung bình mỗi hội viên 5 triệu đồng, trong đó ông bà đóng 15 triệu đồng. Ngoài ra, chi hội còn vận động hội viên mỗi năm xây dựng 1 căn nhà nghĩa tình đồng đội 40 triệu đồng.

Kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2018), hộ ông Phan Thanh Hùng, bà Nguyễn Thị Hòa được huyện Bù Gia Mập chọn là gia đình cách mạng gương mẫu; ông Hùng nhiều năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện. Ông bà xứng đáng với tám chữ vàng mà Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng: “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”.

V.Thuyên

  • Từ khóa
2149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu