Thứ 7, 20/04/2024 19:18:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:27, 15/11/2017 GMT+7

Những đường điện bỏ ngỏ

Thứ 4, 15/11/2017 | 06:27:00 1,099 lượt xem
BP - “Tôi không thắc mắc gì về giá điện, chỉ thấy nghịch lý là tiền điện tôi trả hằng tháng mà sao còn phải trả tiền vận hành và bảo trì. Chúng tôi đã đề xuất bàn giao đường dây và cả bình hạ áp do chính chúng tôi đầu tư cho ngành điện nhưng họ không nhận” - nhà nông Lê Văn Tiêu ở thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng cho biết.

NHÀ NÔNG “TỰ BƠI”

Đến thôn 5, xã Long Bình để làm nông trại từ năm 1994 đến nay, nhà nông Lầu Sỹ Nịp đã bỏ tiền túi kéo dây, đặt bình biến áp lên đến 385 triệu đồng. Cụ thể, năm 2001, để có điện tưới tiêu cho 12 ha cây trồng, ông đã đầu tư 1 bình hạ áp với công suất 50kVA và 70m dây điện hết 110 triệu đồng. Năm 2003, diện tích đất canh tác tăng lên 30 ha, nhu cầu sử dụng điện phục vụ tưới tiêu tăng cao nên ông tiếp tục đầu tư thêm 1 bình hạ áp công suất 50kVA cùng 200m đường dây hết 170 triệu đồng. Đến năm 2006, diện tích cây trồng của cả 2 anh em trong gia đình ông cùng nông trại lên đến 38 ha, nên phải tiếp tục đầu tư 1 bình hạ áp 50kVA và 50m đường dây trị giá 105 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình ông phải trả ít nhất 18 triệu đồng tiền điện. Những tháng cao điểm mùa khô, có tháng nông trại của ông trả từ 30-40 triệu đồng, cá biệt có tháng lên đến 44 triệu đồng tiền điện. Không chỉ tiền điện, nông trại của ông còn phải chịu chi phí bảo trì bình hạ áp, tiền vận hành hơn 10 triệu đồng/năm cho cả 3 bình hạ áp.

Để có đủ điện tưới tiêu, nhà nông Lầu Sỹ Nịp phải tự đầu tư 3 bình hạ áp và đường dây, trụ điện hết 385 triệu đồng

Cùng cảnh ngộ ở nơi vùng sâu, vùng xa của xã Long Bình, nhà nông Lê Văn Tiêu muốn có điện phục vụ tưới tiêu cho 6 ha bưởi trồng xen cà phê, tiêu đã tự đầu tư 1 bình hạ áp 50kVA, 1 trụ điện và 20m đường dây hết 320 triệu đồng. Ngoài tiền điện sinh hoạt và tưới tiêu, mỗi năm ông Tiêu còn phải trả 4 triệu đồng tiền vận hành và bảo trì bình hạ áp. Tương tự, Công ty TNHH Cửu Long do ông Nguyễn Văn Tánh làm đại diện cũng phải tự đầu tư đường dây và bình hạ áp để có điện phục vụ chăn nuôi và tưới tiêu 45 ha cây trồng. Công ty ông cũng phải thuê ngành điện bảo trì, vận hành đường dây của mình mỗi năm 4 triệu đồng ngoài tiền điện hằng tháng. 

Do ở gần đường dây vận hành của Điện lực Bù Đốp nên hộ các ông Lầu Sỹ Nịp, Lê Văn Tiêu và Công ty TNHH Cửu Long đều thuê Điện lực Bù Đốp thi công, lắp đặt đường dây và bình hạ áp. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, từ nhà nông Sỹ Nịp đến ông Tiêu và cả Công ty Cửu Long đều có nhu cầu bàn giao đường dây và bình hạ áp tự đầu tư cho Điện lực Bù Đốp nhưng không được nhận. 

ĐIỆN LỰC BÙ ĐỐP NÓI GÌ?

Giám đốc Điện lực Bù Đốp Mai Quy Tiên cho biết: Đường dây, bình hạ áp của các nông hộ là tài sản cá nhân, không phải lưới điện nông thôn, không phục vụ cho nhiều người nên ngành điện không nhận bàn giao. Nguyên nhân không nhận là để đảm bảo tính cạnh tranh giá điện của mỗi cá nhân hoặc tổ chức đã đầu tư lưới điện. Họ là trạm chuyên dùng nên ngành điện chỉ được bán một giá thấp hơn giá điện sản xuất - kinh doanh thông thường và không được khai thác bán cho các nông hộ khác. Mặt khác, kinh nghiệm thực tế từ nhiều năm cho thấy, khi ngành điện nhận bàn giao thì các cá nhân hoặc doanh nghiệp thường lợi dụng lý do đã bàn giao, rồi yêu cầu ngành điện nâng công suất để phục vụ kinh doanh. Nếu cả 50 khách hàng sau khi bàn giao cùng lúc đề nghị nâng công suất nhằm mở rộng sản xuất - kinh doanh thì ngành điện sẽ không đủ tài chính đầu tư để đáp ứng nhu cầu đó. Bởi vậy, ngành điện không có chủ trương nhận bàn giao từ các trạm chuyên dùng mặc dù đó là công trình lưới điện do người dân bỏ tiền đầu tư. Ngoài ra, Điện lực Bù Đốp cũng chưa nhận được văn bản đề nghị bàn giao nào của các nông hộ như đã nêu nên không biết nhu cầu bàn giao của người dân. Việc thuê người vận hành, bảo trì, sửa chữa đường dây cũng như bình hạ áp là do người dân tự quyết định. Kinh phí phục vụ việc vận hành hoặc bảo trì, bảo dưỡng đường dây đều được nhân viên ngành điện áp dụng theo đơn giá của liên bộ Công Thương, Tài chính. Do vậy, người dân có quyền thuê ngành điện hoặc bất kỳ đơn vị nào có đủ năng lực chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Những nhà nông ở thôn 5, xã Long Bình (Phú Riềng) phải tự đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ tưới tiêu và phải “cõng” thêm phí vận hành, bảo dưỡng hằng năm

LỜI KẾT

Ông Nguyễn Văn Tánh, đại diện Công ty TNHH Cửu Long cho biết: “Chúng tôi chỉ biết năn nỉ để có điện phục vụ tưới tiêu cây trồng hoặc chăn nuôi chứ có biết thắc mắc gì đâu”. Còn nhà nông Lầu Sỹ Nịp thì nói: “Chúng tôi chỉ mong cây trồng tươi tốt được mùa bội thu, chứ biết gì quy định của pháp luật. Ngày xưa chạy máy dầu còn tốn kém gấp đôi bây giờ. Nhà báo viết cho khéo chứ chúng tôi không có điện tưới tiêu thì chỉ có chết”.

Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTC-BCT ngày 3-2-2010 của liên bộ Tài chính và Công Thương quy định: Bên nhận có trách nhiệm cùng với bên giao kiểm kê, đánh giá giá trị còn lại của tài sản bàn giao; xác định cơ cấu vốn đầu tư lưới điện bàn giao; thực hiện tiếp nhận, quản lý lưới điện và các hồ sơ có liên quan; tổ chức quản lý, vận hành, cải tạo lưới điện theo đúng quy định của pháp luật. Khoản 2, Điều 7 của thông tư này cũng quy định: Đối với vốn của tổ chức, cá nhân thì bên nhận hoàn trả theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao...

Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT- BTC-BCT cũng quy định khá rõ trách nhiệm của bên nhận nhưng ngành điện lại phớt lờ. Người dân “một nắng hai sương” làm ra sản phẩm nông nghiệp lại oằn mình cõng thêm chi phí tiền đầu tư, vận hành và cả bảo trì, bảo dưỡng hệ thống lưới điện mà lẽ ra họ không phải là người gánh chịu hay ít ra cũng được ngành điện chia sẻ một phần kinh phí đầu tư!?

Đông Kiểm

  • Từ khóa
93434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu