Thứ 4, 24/04/2024 12:14:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:40, 20/08/2017 GMT+7

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Song Hào (20-8-1917 - 20-8-2017)

Những đóng góp, dấu ấn quan trọng của Bộ trưởng Song Hào về hoàn thiện chính sách xã hội

Nguồn QĐND
Chủ nhật, 20/08/2017 | 09:40:00 1,335 lượt xem
BPO - Thượng tướng Song Hào, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đồng thời là người thủ trưởng đáng kính của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Thượng tướng Song Hào phần lớn gắn bó với LLVT, với QĐND Việt Nam, nhưng cán bộ, công chức Ngành LĐ-TB&XH cũng rất tự hào bởi đồng chí từng có thời gian là người đứng đầu của ngành, đặc biệt là có những đóng góp, dấu ấn quan trọng về hoàn thiện chính sách xã hội trước thời kỳ đổi mới.

 Ngày 23-4-1982, Hội đồng Nhà nước có Nghị quyết số 166-NQ/HĐNN-7  bổ nhiệm đồng chí Song Hào giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB&XH). Bộ được giao trách nhiệm: “Quản lý thống nhất việc nghiên cứu và thực hiện các chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, chuyển ngành, người về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động; công nhân, viên chức, quân nhân từ trần; cá nhân và gia đình có công với cách mạng và các công tác cứu trợ xã hội khác trong phạm vi cả nước, theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chăm sóc mọi thành viên trong xã hội được bảo trợ, làm cho ai cũng có đời sống vật chất và tinh thần ổn định để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Từ phải sang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên 1975 (ảnh tư liệu). 

Đồng chí Song Hào về làm Bộ trưởng đúng vào thời kỳ kinh tế-xã hội đất nước rất khó khăn. Đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh chưa lâu, dân số đông và tăng nhanh, sản xuất tăng trưởng chậm, chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội; lương thực, thực phẩm và các hàng tiêu dùng thiết yếu đều thiếu... Trong bối cảnh đó, đời sống của hàng chục vạn thương binh, bệnh binh ở các trại thương binh (sau này là trung tâm điều dưỡng thương binh) còn khó khăn gấp bội, nhất là phần lớn thương binh, bệnh binh đều mang trên mình những vết thương trong chiến đấu, hoặc bị bệnh nặng, nhưng thiếu thuốc điều trị, khẩu phần ăn sụt giảm, tác động lớn đến sức khỏe, tâm lý.

 Trước khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (TB&XH), đồng chí Song Hào từng đảm nhiệm nhiều trọng trách trong quân đội, là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Sang phụ trách lĩnh vực mới, đồng chí rất sâu sát địa phương, cơ sở, đồng thời cùng tập thể lãnh đạo Bộ sớm thống nhất, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, cải cách việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách đối với thương binh, liệt sĩ. Giai đoạn đồng chí làm bộ trưởng, cán bộ dưới quyền đều tuân thủ một nguyên tắc do Bộ trưởng Song Hào chỉ đạo: “Chính sách ban hành ra phải gắn với thực tiễn, bởi nếu chính sách ban hành mà không có khả năng thực hiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và quân đội”. Từ tinh thần chỉ đạo đó của Bộ trưởng Song Hào, Bộ TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu giúp Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ban hành Quyết định số 105/HĐBT ngày 25-6-1982 về “Chế độ cung cấp hàng hóa và phụ cấp tạm thời đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ”.

Để chăm sóc, bồi dưỡng cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945, đồng chí chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính, trình HĐBT ban hành Quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984, bổ sung, sửa đổi một số chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945. Đây thực sự là những chính sách ưu đãi, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với người có công (NCC) và thân nhân NCC với cách mạng.

Tiếp đó, năm 1985, đồng chí cùng lãnh đạo Bộ TB&XH tham mưu trình HĐBT ban hành Nghị định số 236-HĐBT ngày 18-9-1985 về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về TB&XH. Theo đó, nghị định quy định chế độ về lương hưu đối với cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân, cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng 8-1945, Anh hùng Lao động và Anh hùng LLVT nhân dân nghỉ hưu, hoặc nghỉ mất sức; chế độ trợ cấp thương tật cho thương binh; trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động; trợ cấp đối với NCC giúp đỡ cách mạng; chi phí chôn cất và trợ cấp vì mất người nuôi dưỡng; trợ cấp xã hội và trợ cấp cứu tế cho công dân có nhiều khó khăn trong đời sống. Đây là văn bản hết sức quan trọng về an sinh xã hội, khi được ban hành đã kịp thời giảm bớt những khó khăn, cải thiện đời sống cho NCC, người nghỉ hưu và các đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống các đối tượng chính sách và thương binh, bệnh binh.

Những năm đầu thập niên 1980, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Song Hào, các cơ sở của Bộ đã tổ chức sản xuất, lắp ráp chân tay giả, các dụng cụ chỉnh hình; nghiên cứu chế thử các phương tiện lao động và sinh hoạt chuyên dùng cho người tàn tật; hướng dẫn lựa chọn nghề nghiệp cho thương binh, bệnh binh và người tàn tật; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới để phục hồi chức năng cho thương binh và người tàn tật; triển khai công tác dạy nghề và tổ chức cho các thương binh, bệnh binh, người tàn tật không đủ sức khỏe theo học các trường, lớp dạy nghề; tạo điều kiện sắp xếp việc làm ổn định tại các cơ sở sản xuất tập thể, cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Đây cũng là thời kỳ Ngành TB&XH cả nước mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp nhận viện trợ từ một số nước xã hội chủ nghĩa anh em để xây dựng và lắp ráp các xưởng chế tạo dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng dành cho thương, bệnh binh và người tàn tật.

Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ TB&XH nghiên cứu, trình HĐBT ban hành và tổ chức thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh và bộ đội phục viên, xuất ngũ, Bộ trưởng Song Hào còn đặc biệt chú trọng chỉ đạo nghiên cứu xây dựng nhóm chính sách xã hội đối với người già, trẻ mồ côi không còn người thân thích, người tàn tật, lang thang, cơ nhỡ…; những đối tượng đặc biệt khó khăn phải dựa vào sự bảo trợ của Nhà nước và xã hội.

Bộ TB&XH, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Song Hào đã kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực của ngành từ Trung ương đến cơ sở. Bộ trưởng Song Hào luôn sâu sát chỉ đạo các Sở TB&XH địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tổ chức cấp phát trợ cấp ưu đãi; xây dựng chế độ và hướng dẫn quản lý, sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thương binh, bệnh binh; tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đối với các đối tượng thuộc ngành quản lý. Bộ trưởng Song Hào là người khởi xướng và phát động  phong trào quần chúng chăm lo đời sống, sắp xếp việc làm cho đối tượng thương binh, gia đình có công với cách mạng.

Thời gian 5 năm đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TB&XH (1982-1987) tuy không dài, nhưng đồng chí Song Hào đã tạo dấu ấn lớn bằng phong cách chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, với một loạt chính sách thương binh và xã hội được nghiên cứu, ban hành. Đồng chí thực sự là một tấm gương tận tâm, tận lực; nghiêm khắc nhưng tình cảm, quyết liệt nhưng mềm dẻo; kỷ cương nhưng thân thiện... mà nhiều cán bộ ngành TB&XH vẫn luôn ghi nhớ. Kế thừa những tư duy đột phá trong nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách trong thời kỳ Bộ trưởng Song Hào, sau này ngành LĐ-TB&XH  đã nghiên cứu, tham mưu để Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách đổi mới về công tác NCC. Chỉ thị số 07/CT-TW ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TB,LS, NCC và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”;  Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng; Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... đều ít nhiều kế thừa những tư tưởng mà Bộ trưởng Song Hào từng khởi xướng.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng, Bộ trưởng Song Hào, cán bộ, nhân viên toàn ngành bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với đồng chí Song Hào, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị tướng tài ba, người thủ trưởng đáng kính của ngành LĐ-TB&XH, đồng thời sẽ tiếp tục những tư tưởng đối với công tác NCC và công tác xã hội, mà đồng chí Bộ trưởng đã dành nhiều tâm huyết, để lại nhiều đóng góp, dấu ấn quan trọng.

TS DOÃN MẬU DIỆP
(Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

  • Từ khóa
18655

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu