Thứ 6, 19/04/2024 15:34:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:25, 12/09/2018 GMT+7

Những đôi tay vàng

Thứ 4, 12/09/2018 | 14:25:00 227 lượt xem
BP - Gắn bó với nghề cạo mủ cao su khi còn rất trẻ, 2 chàng trai Mai Duy Tuấn và Nguyễn Đăng Hiệp, công nhân Nông trường 4, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng không chỉ có đôi tay khéo léo, tính cần cù, chăm chỉ mà còn không ngừng sáng tạo trong lao động. Chính sự linh hoạt, tâm huyết và quyết tâm gắn bó với từng đường dao, lát cạo đã giúp những công nhân trẻ này trở thành “Bàn tay vàng” cấp tập đoàn.

Từ đam mê đến danh hiệu “bàn tay vàng”

“Sinh ra và lớn lên dưới tán rừng cao su, tuổi thơ của em là các trò chơi gắn liền với cây cao su. Hằng ngày đi học trên con đường mòn băng qua lô tới trường, mỗi lần nghe tiếng dao cạo, rồi tận mắt quan sát dòng mủ trắng tuôn ra từ thân cây, em rất thích. Anh chị làm công nhân cạo mủ nên sau giờ đi học, em lại lên lô phụ giúp, được quan sát tỉ mỉ từng đường cạo, rồi trở thành tay cạo phụ cho anh rể suốt nhiều năm. Mê lắm! Em quyết định học xong lớp 12 không thi đại học mà xin làm công nhân cao su” - Mai Duy Tuấn (1991), công nhân tổ 10, Nông trường 4 chia sẻ.

Mai Duy Tuấn (giữa), công nhân tổ 10, Nông trường 4 không chỉ cạo mủ với đôi tay khéo léo mà còn bằng cả sự đam mê và sáng tạo không ngừng

Năm 2012, Tuấn là công nhân chính thức của nông trường, được giao vườn cây mới khai thác năm 2 và năm 4. Để nâng cao tay nghề, Tuấn không quản ngại khó khăn, chịu khó học hỏi kỹ thuật cạo từ những công nhân lâu năm, thường xuyên tham gia các lớp luyện tay nghề do nông trường tổ chức... “Do vườn cây mới khai thác nên đòi hỏi kỹ thuật cao, cạo đúng độ quy định, không cạn, không sâu, 100% công nhân ở đây phải đạt tay nghề giỏi và Tuấn là một điển hình” - ông Lê Văn Thọ, Tổ trưởng tổ 10 nói. 

Không chỉ là người cạo nhanh, chuẩn xác và đẹp nhất tổ, Tuấn luôn ý thức rèn luyện, nâng cao tay nghề, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cạo hết phần cây, tận thu hết mủ. Trong quá trình chăm sóc vườn cây được giao, ngoài chú trọng khâu bón phân, vệ sinh vườn cây, Tuấn thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những cây bị bệnh báo cán bộ kỹ thuật xử lý. Do một mình phụ trách vườn cây, Tuấn chủ động sắp xếp công việc, giờ nào việc nấy nên hoàn thành rất nhanh mà không vất vả. Sáng cạo hết phần cây, chiều vào lô chăm sóc. Lô của Tuấn phụ trách luôn sạch sẽ, gọn gàng; chén, kiềng, dao luôn bảo đảm không để xảy ra sự cố. Tuy mới 6 năm làm công nhân khai thác nhưng tay nghề của Tuấn thuộc hàng xuất sắc, sản lượng khai thác luôn đạt từ 6,2-6,5 tấn, cao hơn 20% so với những công nhân khác và là đối thủ kỳ cựu tại các hội thi thợ giỏi cấp nông trường và công ty.

Năm 2016, Tuấn đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” cấp tập đoàn với số điểm tuyệt đối 100. Lần đầu được nhận danh hiệu mà bất cứ công nhân nào cũng mơ ước, Tuấn không giấu được niềm vui bởi từ ngày đầu vào làm công nhân, Tuấn đã coi đây là nghề nuôi sống gia đình. “Danh hiệu này thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân và em tự hứa sẽ cố gắng hơn để luôn giữ tay nghề giỏi” - Tuấn nói. Không chỉ là công nhân tiêu biểu, Tuấn còn là tổ trưởng công đoàn năng nổ, nhiệt huyết, là thành viên tích cực trong các phong trào văn nghệ, thể thao.

Thu nhập 191 triệu đồng/năm

Đó là thành tích đáng nể của công nhân Nguyễn Đăng Hiệp (1990) ở tổ 1, Nông trường 4. 28 tuổi nhưng Hiệp có gần chục năm làm công nhân cao su. Được giao phụ trách vườn cây cận thanh lý nên thời gian trên vườn cây của Hiệp nhiều hơn ở nhà vì sáng đi cạo, chiều lên lô sửa lại dây dẫn, tận thu từng giọt mủ để tiết kiệm cho chính mình và góp phần cùng nông trường, công ty vượt qua khó khăn chung.

Nhờ cần cù, chịu khó, tận thu mủ trên vườn cây giúp Nguyễn Đăng Hiệp có thu nhập cao

5 năm liên tục Hiệp khai thác sản lượng vượt gấp đôi so với định mức nông trường giao. “Dao cạo phải thật sắc, cạo đúng kỹ thuật, cạo sâu cách lớp tượng tầng từ 1-1,5mm để cho mủ tốt vì cạo sát, cạo phạm dễ làm khô miệng cạo và khó tái sinh vỏ. Cạo đúng độ sâu quy định mới khai thác được lượng mủ nhiều nhất mà không gây tổn thương cho cây. Các dụng cụ, như chén hứng mủ, máng dẫn mủ, thùng chứa mủ... cho đến vườn cây đều phải sạch” - Hiệp chia sẻ bí quyết.

“Năm 2017, tôi khai thác được gần 14 tấn, trong khi định mức đơn vị giao 6,8 tấn; thu nhập cả năm đạt 191 triệu đồng, gồm lương, thưởng. 6 tháng đầu năm 2018, tôi khai thác đạt 5,2 tấn, dự kiến năm nay sẽ đạt 115% kế hoạch năm. Yêu nghề và xác định gắn bó lâu dài với vườn cây đã giúp tôi nỗ lực phấn đấu. Không vốn, không nghề vào Bình Phước lập nghiệp, đến nay gia đình tôi đã có kinh tế khá, mua sắm được nhiều vật dụng giá trị trong nhà. Tôi nhận thức được rằng, chăm sóc tốt vườn cây, khai thác mủ bảo đảm quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất cao, ổn định, lâu dài, thu nhập của gia đình nhờ thế cũng tăng lên” - Hiệp vui vẻ khoe.

Hà Nam

  • Từ khóa
43103

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu