Thứ 6, 29/03/2024 21:31:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:57, 22/04/2015 GMT+7

Những điển hình người Khơme vượt khó ở Nha Bích

Thứ 4, 22/04/2015 | 13:57:00 3,021 lượt xem
BP - Một cái tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây nữa đã về với đồng bào Khơme trên khắp mọi miền đất nước. Năm nay, đồng bào Khơme ở xã Nha Bích đón tết vui hơn mọi năm vì số hộ khá giàu tăng lên, hộ nghèo đã giảm.

Chỉ mua thêm chứ không bán đất

Ông Lâm Ngữu ở ấp 5 cho biết: “Nhiều người dân tộc Khơme ở đây nói gia đình tôi giàu, nhưng ít ai biết tôi cũng có thời gian dài sống trong nghèo khó. Chính từ khó khăn đã giúp tôi biết cách tính toán, sắp xếp để gia đình có cuộc sống ổn định, con cái được học hành”.

Kinh tế gia đình đã ổn định nhưng vợ chồng ông Lâm Ngữu vẫn chăm chỉ lao động

Bà Lâm Thị Cư, vợ ông Ngữu kể, ông bà lấy nhau năm 1986 thì năm sau đã đi khai hoang. Ngày đi làm thuê, tối về vợ chồng động viên nhau phát rẫy trồng lúa để có gạo ăn. Mở đất tới đâu gieo trồng tới đó nên chẳng mấy chốc đã có gạo, không còn sợ đói. Từ số tiền làm thuê tích cóp được, ông mua trâu đi cày thuê. “Lúc đó, một số người dân phát rẫy rồi bán lại với giá rất rẻ. Nhờ dành dụm, tiết kiệm nên mỗi năm, vợ chồng tôi mua thêm một ít đất. Đến nay, gia đình tôi đã có 7 ha đất, trong đó 5 ha cao su đang cạo, 2 ha còn lại trồng mì và đào ao thả cá” - ông Ngữu cho biết.

Ông Ngữu có 3 người con, con gái đầu đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa (TP. Hồ Chí Minh) và đang làm việc tại UBND xã Nha Bích. Con trai lớn phụ gia đình cạo mủ và cậu trai út đang học lớp 8. Nhiều năm nay, ông Ngữu còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Hiện vợ chồng ông có nhà cửa khang trang và tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Nói về kinh tế khá giả của mình, ông Ngữu cho rằng, đó là thành quả của sự cần cù, yêu lao động và sống tiết kiệm của vợ chồng ông. Đặc biệt hơn, với ông Ngữu đất đai là tài sản gắn liền với người nông dân nên ông chỉ mua thêm chứ chưa bao giờ bán đất để lấy tiền chi tiêu.

Lập nghiệp trên đất lành

Rời quê hương Trà Vinh, năm 1989, vợ chồng ông Kim Hùng và bà Thạch Thị Vân mang theo 2 con nhỏ đến Bình Phước lập nghiệp bằng nghề làm thuê. Bà Vân chia sẻ: “Hơn 15 năm làm thuê, vợ chồng tôi mới có tiền mua đất, xây nhà ở ấp 5. Chúng tôi làm công cho vườn nhãn hơn 7 năm, sau đó làm đủ thứ nghề cũng không thấy cuộc sống ổn định. Mấy năm gần đây, được Nhà nước dạy nghề miễn phí nên tôi và con trai đăng ký đi học cạo mủ cao su. Sau đó, chỉ lại cho chồng và con gái. Cả nhà đi làm thợ cạo, có công việc ổn định, thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, gia đình bà Vân được Nhà nước hỗ trợ vay nguồn vốn sản xuất - kinh doanh 20 triệu đồng. Từ số tiền này, bà Vân đã mua một cặp bò sinh sản, đến nay đã nhân lên gấp đôi. Bà Vân vui mừng cho biết: “Tiền đi cạo, vợ chồng tôi dành dụm và đã trả đúng hạn. Thời gian tới, nếu được tiếp tục hỗ trợ vay vốn, tôi sẽ mua thêm bò mẹ để nhân đàn”.

Ông Kim Hùng xúc động chia sẻ: Từ hoàn cảnh khó khăn phải tha hương cầu thực đến nay gia đình ông đã có cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, từ lâu gia đình ông đã xem Bình Phước là quê hương thứ 2 của mình. Các con thấy cha mẹ vượt khó cũng cố gắng vươn lên. Đến nay, con gái lấy chồng cũng tự lực mua đất, xây nhà, có cuộc sống ổn định.

Ông Thiệu Hồng Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Nha Bích cho biết: Toàn xã có 300 hộ đồng bào Khơme/1.322 hộ dân. Hiện chỉ còn 10 hộ đồng bào Khơme nghèo vì thiếu đất sản xuất, mất sức lao động, bệnh tật. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nên số hộ nghèo là người Khơme giảm. Bên cạnh những điển hình vượt khó vươn lên như gia đình ông Lâm Ngữu, Kim Hùng ở ấp 5, ông Thạch Bình ở ấp Suối Ngang... thì vẫn còn một số ít hộ đồng bào Khơme nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, có biểu hiện lười lao động và không muốn vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo các ngành đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và có phương pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng hộ.

P.Dung

  • Từ khóa
1878

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu