Thứ 4, 24/04/2024 23:24:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 12:44, 27/07/2014 GMT+7

Những điểm mới trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Chủ nhật, 27/07/2014 | 12:44:00 2,893 lượt xem

BPO - Luật Doanh nghiệp hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006 và đã đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm đi vào thực tế, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đang dần bộc lộ những hạn chế, chưa  thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng hiện hành là cần thiết, cấp bách và Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Ảnh: Công nhân công ty Hoàng Sơn I tại Bù Đăng - Ảnh: Kim Hải

Vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã công bố Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Theo đó, dự thảo luật này gồm có 10 chương, với 220 điều. So với Luật Doanh nghiệp hiện hành, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung thêm Chương IV quy định về Doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời sáp nhập hai chương của Luật Doanh nghiệp cũ là Chương IX về “quản lý Nhà nước” và Chương X về “Điều khoản thi hành” thành Chương X về “Tổ chức thực hiện”. Về số lượng điều khoản, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhiều hơn 48 điều so với luật hiện hành; đồng thời dự thảo luật cũng tăng 54 điều mới, bãi bỏ 6 điều và có 99 điều được sửa đổi, bổ sung nội dung.

Điểm mới căn bản trong dự thảo luật là sẽ tạo được sự đột phá trong việc tạo thuận lợi cho mọi hoạt động của doanh nghiệp và cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh ở nước ta. Cụ thể là đối với doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp. Đồng thời, giảm rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao quyền tự chủ, tính linh hoạt và mức độ an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lực, tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển và nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ của chủ sở hữu và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh. Cũng thông qua đó, Nhà nước sẽ áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối vối doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh, Dự thảo luật áp dụng những quy định theo sự xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, do đó chỉ số gia nhập thị trường thế giới của doanh nghiệp Việt Nam được các chuyên gia kinh tế dự báo là sẽ tăng 50 bậc và xếp hạng khoảng 120 trên 189 quốc gia.

Điểm mới cuối cùng là đối với công tác quản lý thì hiệu lực quản lý Nhà nước sẽ được tăng cường do số liệu thống kê về doanh nghiệp chính xác hơn, đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn cho các bên có liên quan. Qua đó, dự thảo luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội nói chung được tham gia giám sát doanh nghiệp và từ đó phát hiện để rồi ngăn chặn kịp thời hàng vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

LG

 

  • Từ khóa
25145

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu