Thứ 7, 20/04/2024 20:52:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 12:51, 23/07/2017 GMT+7

Những điểm mới đáng lưu ý trong Luật Quản lý Ngoại thương

Chủ nhật, 23/07/2017 | 12:51:00 190 lượt xem

BPO - Luật Quản lý Ngoại thương được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12-6-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Luật này thay thế các pháp lệnh: Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11. Đặc biệt, luật này đã sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ nhiều điều, khoản của Luật Thương mại năm 2005. Dưới đây, xin giới thiệu cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh và những nội dung mới đáng lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu, như sau:

Kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Theo quy định tại Điều 39 của luật này, việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bán chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác được thực hiện như sau:

Thương nhân phải có giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải đáp ứng các điều kiện đã được quy định đối với hàng hóa thuộc ngành, nghề kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện; Thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điều 40 của luật này.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ được lưu lại lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải được làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan cho tới khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc tiêu thụ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác

Theo Điều 41, trừ trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất quy định của luật này, thương nhân được tạm nhập vào Việt Nam hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa không thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo hợp đồng với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

Thủ tục tạm nhập, tái xuất được thực hiện như sau: Thương nhân phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; Thương nhân chỉ phải làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Thời hạn tạm nhập, tái xuất thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tạm xuất, tái nhập hàng hóa

Trong nội dung của Điều 42 có quy định: Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất, thi công, thuê, mượn, trưng bày, triển lãm hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo hợp đồng với nước ngoài.

Thủ tục tạm xuất, tái nhập được thực hiện như sau: Thương nhân phải có giấy phép tạm xuất, tái nhập đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; Thương nhân chỉ phải làm thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Thời hạn tạm xuất, tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất. Hàng hóa tạm xuất, tái nhập khi tiêu thụ tại nước ngoài phải thực hiện theo quy định về quản lý xuất khẩu hàng hóa của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa

Tại Điều 100 có quy định cụ thể về đối với các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa, như sau: Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.

Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó. Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.

Thời gian quá cảnh

Thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp được gia hạn; trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất; phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong quá trình quá cảnh.

Đối với hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất hoặc phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong thời gian quá cảnh cần phải có thêm thời gian để lưu kho, khắc phục hư hỏng, tổn thất thì thời gian quá cảnh được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh chấp thuận; trường hợp gia hạn thời gian quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương cho phép. Trong thời gian lưu kho và khắc phục hư hỏng, tổn thất, hàng hóa và phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh vẫn phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

KT

  • Từ khóa
29927

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu