Thứ 7, 20/04/2024 18:11:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:39, 22/02/2013 GMT+7

Những điểm mới căn bản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ 6, 22/02/2013 | 15:39:00 2,812 lượt xem

Ngày 28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TƯ của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước đó, ngày 23-11-2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến Pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để thuận tiện cho việc góp ý kiến của bạn đọc, dưới đây Binhphuoc Online xin giới về một số điểm mới trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Dự thảo hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, với 126 điều so với Hiến pháp 1992, dự thảo đã giảm 1 chương, 21 điều; 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và 13 điều bổ sung mới. Điểm mới đầu tiên và quan trọng nhất là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; hoàn thiện kỹ thuật lập Hiến đảm bảo để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản có tính ổn định lâu dài. Đồng thời, dự thảo Hiến pháp mới cũng đã làm rõ hơn, cụ thể hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của nhà nước.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở đó, sắp xếp lại các Điều theo các nhóm quyền để đảm bảo tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân.

Về chế độ kinh tế, Dự thảo Hiến pháp đã làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tài sản thuộc sở hữu toàn dân, việc quản lý và sử dụng đất đai. Còn về bộ máy Nhà nước, Dự thảo đã bổ sung hai thiết chế Hiện định độc lập là: Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước. Giao thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho Ủy ban thường vụ Quốc Hội theo đề nghị của Chính phủ.

Một trong những thay đổi được chú ý trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Theo đó, với tính chất là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước… với tính chất là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ công vụ, thực hiện việc phân công, phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước. Đồng thời, dự thảo làm rõ hơn mối quan hệ giữa chính phủ, thủ tướng chính phủ và các thành viện khác của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiện cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đối với hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước được quy định trong dự thảo hiến pháp nhằm làm rõ quyền làm chủ của nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đối với hội đồng bầu cử quốc gia được đề nghị thành lập nhằm hiến định địa vị pháp lý của Hội đồng bầu cử Trung ương đã được quy định trong Luật Bầu cử hiện hành. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia còn nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Còn cơ quan kiểm toán nhà nước, việc Hiến định địa vị pháp lý nhằm tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan kiểm toán Nhà nước. Đây sẽ là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính là tài sản quốc gia. Đây là hai thiết chế hiến định mới nên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định một cách tổng quát, còn các vấn đề cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ do luật định.     

NV

  • Từ khóa
4789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu