Thứ 3, 16/04/2024 14:20:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:21, 08/11/2017 GMT+7

Những đề xuất hợp lòng dân

Thứ 4, 08/11/2017 | 08:21:00 96 lượt xem

BP - Trong những ngày vừa qua, nhân dân cả nước luôn dõi theo diễn biến của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhất là những phiên họp được các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình trực tiếp. Cử tri đặc biệt quan tâm hoạt động thảo luận của các đại biểu Quốc hội; từ vấn đề “quốc gia đại sự” đến những việc liên quan đời sống hằng ngày, đặc biệt là những đề xuất hợp lý, hợp tình của đại biểu Quốc hội.

Trong 2,5 ngày, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, với 94 người phát biểu ý kiến, 27 đại biểu tham gia tranh luận. Theo dõi các phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường cũng như ở tổ, cử tri đều rất phấn khởi khi biết hầu hết đại biểu Quốc hội đều quan tâm công tác cải cách bộ máy hành chính, nhất là vấn đề tinh giản biên chế. Có đại biểu cho rằng, tinh giản biên chế là nhiệm vụ phải thực hiện bằng được. Bởi vì, với bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay thì ngân sách nhà nước có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng không thể nuôi nổi. Cùng với các ý kiến thảo luận, tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, nhiều đại biểu Quốc hội đã có đề xuất sửa đổi, hoặc tạm dừng thực hiện những điểm mà chính sách chưa phù hợp. Hầu hết đề xuất đó đều rất xác đáng, phù hợp với ý nguyện của người dân. Việc bỏ sổ hộ khẩu cũng là một trong những đề xuất của đại biểu Quốc hội, đã được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017.

Đặc biệt, trong ngày 2-11, tại kỳ họp Quốc hội có 2 đề xuất hoãn thực hiện rất đáng quan tâm đã được đông cử tri và nhân dân hoan nghênh. Thứ nhất là việc đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới để có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Bởi lẽ, hằng năm, nước ta có trên 20 triệu học sinh bước vào năm học mới. Thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục hay sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của hàng chục triệu học sinh và giáo viên. Nếu sách giáo khoa chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến sản phẩm giáo dục là hàng chục triệu con người với cả một quãng đời tương lai hàng chục năm sau.

Đề xuất thứ hai là tạm dừng cách tính lương hưu mới từ ngày 1-1-2018 để lao động nữ bớt thiệt thòi. Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi đạt tỷ lệ này, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 3%, nam là 2%. Tuy nhiên, quy định trên sẽ thay đổi từ ngày 1-1-2018 theo cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, người lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì cả nam và nữ sẽ đều được tính thêm 2%. Với cách tính này, lao động nữ sẽ phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu tối đa 75%, thay vì chỉ cần 25 năm như trước. Đại biểu Quốc hội cho rằng, thay đổi nêu trên sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu lao động nữ và lâu dài sẽ tác động tới chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội của Nhà nước ta.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu