Thứ 7, 20/04/2024 18:41:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:22, 23/08/2018 GMT+7

Những con sâu làm rầu chính sách

Thứ 5, 23/08/2018 | 14:22:00 111 lượt xem

BP - Vừa kết thúc tháng 7 - tháng tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công thì dư luận đã hết sức bất bình khi báo chí đồng loạt đưa tin Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đình chỉ chế độ đối với 569 trường hợp gian lận hồ sơ, trục lợi 115 tỷ đồng tiền chính sách tại tỉnh Nghệ An. Tình trạng lợi dụng chính sách tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công để trục lợi đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc dư luận. Và Bình Phước không ngoại lệ. Đó là một thực tế đau lòng trong quá trình thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Thời gian qua, ở một số địa phương đã phát hiện và xử lý những trường hợp giả mạo hồ sơ thương binh, liệt sĩ để trục lợi chính sách. Bình Phước cũng đã phát hiện có gian lận, giả mạo hồ sơ với số tiền trục lợi cần phải thu hồi hơn 1,5 tỷ đồng.

Từ những thông tin phản ánh của người dân về các trường hợp gian lận hồ sơ trục lợi chính sách người có công, năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 7. Sau khi kiểm tra 3.264 hồ sơ tại Phòng Chính sách Quân khu 7 đã phát hiện 798 hồ sơ sai sót hoặc có nghi vấn không bảo đảm pháp lý như viết chèn tên đối tượng hoặc tẩy xóa, sửa chữa, viết lại nội dung trên giấy tờ gốc để làm căn cứ xác lập hồ sơ thương binh. Trong đó, có đối tượng đang sinh sống tại Bình Phước.

Thủ đoạn trục lợi chính sách

Qua sàng lọc của đoàn thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, trong 12 trường hợp sử dụng giấy tờ giả hoặc giấy tờ không bảo đảm tính pháp lý để làm căn cứ xác lập hồ sơ, Bình Phước có 1 trường hợp. Trong 365 trường hợp giấy tờ gốc có nghi vấn là giấy tờ giả, khai man, Bình Phước có 33 trường hợp. Trong 41 trường hợp giấy tờ gốc ghi bị thương nhưng kết quả kiểm tra tại Quân khu, Bộ CHQS và Sở LĐ-TB&XH không có bản gốc, dấu đỏ lưu trong hồ sơ, Bình Phước có 1 trường hợp. Trong 11 trường hợp Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đã thẩm định hồ sơ thương tật và xác định giấy tờ gốc làm căn cứ xác lập hồ sơ không bảo đảm tính pháp lý, nhưng Quân khu vẫn ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật, Bình Phước có 8 trường hợp. Trong 13 trường hợp đồng đội làm chứng bị thương nhưng kết quả kiểm tra xác định hồ sơ chưa bảo đảm quy định, cụ thể là không có biên bản kiểm tra vết thương thực thể, Bình Phước cũng có 3 trường hợp. Đối với hồ sơ xác lập theo Thông tư số 25, trong số 139 trường hợp xác lập hồ sơ trên cơ sở giấy tờ gốc có nghi vấn giả mạo, khai man, Bình Phước có 23 trường hợp...

Theo kết quả giám định kỹ thuật hình sự tài liệu gốc và xác minh danh sách quân nhân bị thương đối với 504 trường hợp thì đã xác định 111 trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ thương binh. Lý do là kết quả giám định đã xác định tài liệu bị tẩy xóa, viết lại nội dung mới không đúng với nội dung cũ; dấu hình trên tài liệu được kẻ, vẽ bằng tay... Và trong 111 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ này, Bình Phước có 17 trường hợp (hiện 1 trường hợp đã chuyển về tỉnh Bắc Giang). Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có trường hợp cố tình khai man hồ sơ để trục lợi chính sách hoặc hồ sơ chưa bảo đảm các quy định của pháp luật.

Ngày 7-3-2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ban hành Kết luận thanh tra số 670/KL-LĐTBXH về việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 7. Và ngày 20-3-2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục ban hành Văn bản số 1010/LĐTBXH-TTr về việc kiến nghị biện pháp xử lý Kết luận thanh tra số 670/KL-LĐTBXH. Kết luận thanh tra ghi rõ: Yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi và buộc hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định, nộp ngân sách nhà nước đối với 16 trường hợp. Tổng số tiền phải thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước là 1.504.285.800 đồng. Như vậy, tính đến thời điểm này, Bình Phước có 18 trường hợp phải truy thu tiền chính sách do hồ sơ giả mạo hoặc chưa đáp ứng các quy định của pháp luật, trong đó 1 trường hợp có quyết định thu hồi từ năm 2016. Trong 17 trường hợp có quyết định thu hồi theo Kết luận thanh tra số 670 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thì 1 trường hợp đã chuyển đi khỏi tỉnh.

Rất khó thu hồi tiền chi sai chính sách

Ngày 25-9-2017, UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định ngưng, thu hồi trợ cấp thương binh đối với 16 trường hợp theo Kết luận số 670/KL-LĐTBXH của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, ngày 4-10-2017, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước đã có Công văn số 1567/SLĐTBXH-NCC gửi UBND các huyện, thị xã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH phối hợp cùng các ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức trao quyết định thu hồi của UBND tỉnh đến tận tay đối tượng và tiến hành thu hồi tiền trợ cấp cùng các chế độ liên quan đối với các đối tượng nêu trên. Ngày 11-1-2018, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có Công văn số 59/SLĐTBXH-NCC gửi UBND các huyện, thị về việc báo cáo kết quả thu hồi trợ cấp đối với thương binh theo các quyết định của UBND tỉnh.

Tổng số tiền phải thu hồi đối với 16 trường hợp là 1.504.285.800 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được 77,445 triệu đồng. Trong đó thu hồi của ông Lê Văn Chẩn, cư trú xã Tân Tiến (Đồng Phú) 70,950 triệu đồng và của ông Nguyễn Hoàng Nam, cư trú phường Long Phước (Phước Long) 6,495 triệu đồng. Thực tế là có một số trường hợp hoàn cảnh không quá khó khăn nhưng cố tình chây ỳ không chịu nộp lại. Còn đa phần đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn, số tiền phải nộp lại quá lớn so với điều kiện hiện tại. Vì thế, 1,426 tỷ đồng còn lại chưa biết đến khi nào mới thu hồi được.

Ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Quá trình thực hiện việc thu hồi chính sách, cán bộ LĐ-TB&XH phát hiện có 2 trường hợp đã đi khỏi nơi cư trú. Có 7 trường hợp kiến nghị do hoàn cảnh quá khó khăn, sức khỏe yếu nên việc phải trả lại số tiền trợ cấp một lần là rất khó. Có 2 trường hợp xin trả trợ cấp trong năm 2018. Có 4 trường hợp đang tiếp tục kiến nghị Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và không chịu nộp lại số tiền đã nhận trợ cấp vì cho rằng hồ sơ của mình đủ điều kiện theo quy định của Quân khu 7. Một số người thuộc đối tượng phải thu hồi đề nghị Nhà nước ngưng trợ cấp nhưng không thu hồi số tiền đã cấp sai. Thậm chí có người còn nói “cùn”: Việc thẩm định hồ sơ là do bên quân đội. Ngành LĐ-TB&XH chỉ thực hiện chi trả chế độ theo các quyết định của cấp có thẩm quyền. Giờ phát hiện sai sót thì ai làm sai người đó chịu chứ không nên “bắt” ngành LĐ-TB&XH thu hồi, vì việc này quá khó.

Tình trạng khó thu hồi số tiền trục lợi chính sách không chỉ ở Bình Phước. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng ngày 11-5-2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung rất bức xúc, bởi Nghệ An khi đó có trên 1.200 trường hợp phải tạm dừng chi trả chế độ chính sách, thế nhưng báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh này chỉ có trên 300 trường hợp. Tổng số tiền thất thoát do chi sai là 33 tỷ đồng, nhưng thời điểm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm việc, tỉnh này mới chỉ thu hồi được hơn 60 triệu đồng. Và Bộ trưởng đã yêu cầu lãnh đạo sở phải làm rõ vấn đề này. 

Công lý, công bằng đã và đang được thực thi

Do những sơ hở trong thực hiện chính sách, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những đường dây làm giả chế độ thương binh, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam. Thậm chí có người chưa từng đi bộ đội cũng được hưởng chế độ thương binh. Qua tố cáo của quần chúng, nhiều đường dây làm giả hồ sơ thương binh, nạn nhân chất độc da cam đã bị bóc gỡ. Năm 2016, Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố 12 bị can, làm rõ số tiền hưởng trái phép gần 1,1 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã xét xử 41 bị cáo làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, chiếm đoạt tài sản nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Năm 2017, qua kiểm tra hơn 60 ngàn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1.800 hồ sơ giả mạo. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị các đối tượng hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng. Và gần đây nhất là vụ phát hiện 569 trường hợp gian lận hồ sơ, trục lợi 115 tỷ đồng tại tỉnh Nghệ An...

Tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công không chỉ gây thất thoát ngân sách mà còn làm ảnh hưởng đến những người thật sự có công với đất nước. Đau lòng là trong lúc ngân sách nhà nước bị bòn rút mỗi năm từ việc lợi dụng chính sách, thì vẫn còn rất nhiều trường hợp đã cống hiến, hy sinh cho đất nước, nhưng vì nhiều lý do, chưa thể hoàn tất hồ sơ nên vẫn chưa được hưởng chính sách. Tại Bình Phước, trước đây đã có trường hợp liệt sĩ hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam 21 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Sau khi báo chí đưa tin, cơ quan chức năng vào cuộc thì thân nhân liệt sĩ mới được hưởng chính sách và truy lĩnh số tiền chưa được hưởng. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 12 đối tượng chưa được hưởng chính sách, đang được Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn làm hồ sơ theo Quyết định số 408 của Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công.

Dư luận bức xúc trước tình trạng trục lợi chính sách là bởi nó không chỉ đơn thuần gây thất thoát ngân sách nhà nước. Điều lớn hơn là gây ảnh hưởng xấu tới một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc ta đối với những người có công. Vì vậy, cần phải đấu tranh quyết liệt với những kẻ trục lợi; cần xét xử công khai những trường hợp vi phạm để làm gương. Và dù khó đến mấy cũng phải kiên quyết thu hồi số tiền chi sai để đảm bảo sự minh bạch, công bằng của chính sách tri ân người có công với đất nước.

Thảo Linh

  • Từ khóa
31164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu