Thứ 5, 25/04/2024 17:42:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:22, 01/03/2017 GMT+7

Những “con mắt” của biển đảo

Đức Hồng
Thứ 4, 01/03/2017 | 09:22:00 3,310 lượt xem

BP - Ngày 12-9-2016, ngọn hải đăng cao 7,4m, đường kính 1,4m được lắp đặt tại đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là ngọn hải đăng trên đất liền đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á. Công trình nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được thiết kế nguyên mẫu ngọn hải đăng Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa). Hải đăng được đúc và xây từ bê tông cốt sợi thủy tinh màu trắng pha cát hạt đen và cát đảo Trường Sa. Thân hải đăng được thiết kế sợi quang chìm tỏa sáng lấp lánh tạo hình bản đồ biển, đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam. Sự xuất hiện của ngọn hải đăng chủ quyền biển đảo giữa lòng trung tâm TP. Hồ Chí Minh là sự kết nối tình cảm của người dân và du khách đối với biển, đảo của Tổ quốc.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải, vùng biển đảo nước ta hiện có 92 ngọn hải đăng trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Hải đăng là ngọn tháp, nhà hoặc khung được thiết kế để chiếu sáng từ một hệ thống đèn và thấu kính (thời xưa là chiếu sáng bằng lửa), với mục đích hỗ trợ các hoa tiêu trên tàu biển định hướng và tìm đường. Giống như những ngọn đèn đường trên bộ, hải đăng là ánh sáng của những con đường trên biển giúp thủy thủ tìm đường vào cảng, xác định vị trí của mình trên biển. Ánh sáng của ngọn hải đăng còn có tác dụng báo hiệu cho các con tàu những nơi có đá ngầm, vách đá. Hải đăng có thể hỗ trợ việc định hướng cho máy bay, là những “con mắt” trên vùng biển, đảo.

Mũi Kê Gà Bình Thuận - Ảnh: Internet

Trong 92 ngọn hải đăng có những cái rất đẹp và nổi tiếng, được nhiều người chọn là điểm đến ưa thích không chỉ bởi vẻ đẹp, tuổi thọ, độ kỳ vĩ mà khi đến nơi đây, chúng ta còn được tiếp cận với những kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa. Đó là hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên), được xây dựng năm 1890. Tháp đèn hải đăng Đại Lãnh là một khối hình trụ màu xám, cao 26,5m so với mặt đất và cao 110m so mặt nước biển và có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý. Đây là địa điểm tuyệt đẹp để đón bình minh. Hải đăng Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và nhiều tuổi nhất. Hải đăng Kê Gà được xây dựng từ năm 1897-1899, toàn bộ bằng đá. Tháp đèn có hình bát giác, cao 66m so với mực nước biển. Ngọn đèn đặt trong tháp có thể phát sáng xa 22 hải lý (tương đương 40km). Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng các thiết kế cổ của hải đăng, chúng ta còn có thể dạo chơi trên các bãi đá, đùa giỡn với sóng biển. Hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh núi Nhỏ, được xây dựng và khánh thành năm 1864. Đến năm 1913, ngọn hải đăng này được chuyển từ độ cao 149m lên vị trí hiện nay (cao khoảng 170m). Ngọn hải đăng là một tháp tròn, sơn trắng, cao 18m. Đèn ở đỉnh tháp chiếu xa 30 hải lý. Người ta gọi hải đăng này là “lâu đài trắng” trên vùng biển Vũng Tàu. Hải đăng Ba Lạt nằm trên cồn Vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình), được xây dựng năm 1962. Đến thăm hải đăng Ba Lạt, chúng ta sẽ được trải rộng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh cửa sông Ba Lạt và khám phá hành trình của các con sông đổ ra biển. Hải đăng Cô Tô (Hải Phòng) nằm trên quần đảo cùng tên, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, hải đăng này đã được đầu tư chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời. Ngọn hải đăng Gành Đèn nằm trên một dãy núi đá rẽ ra biển, cách xa khu dân cư, ít người tới nên cảnh trí gần như nguyên sơ. Hải đăng Gành Đèn được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên). Hải đăng Lý Sơn ở phía đông đảo Lý Sơn thuộc xã Lý Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đưa vào hoạt động năm 1898. Điều tuyệt diệu nhất là khi đứng trên đỉnh cao nhất của ngọn hải đăng chúng ta có thể nhìn toàn cảnh hòn đảo với bốn bề là biển. Nhưng có lẽ cảm giác khó quên nhất là cảnh hoàng hôn đỏ rực bao trùm biển khơi...

Mỗi ngọn hải đăng đều có một vẻ đẹp và dấu ấn lịch sử riêng. Đặc biệt tại huyện đảo Trường Sa hiện có những ngọn hải đăng thuộc các đảo: Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết ngày đêm tỏa ánh sáng, dẫn lối đưa đường cho tàu thuyền, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trên biển Đông.

  • Từ khóa
111275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu