Thứ 6, 29/03/2024 14:31:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:36, 18/10/2016 GMT+7

Những chiếc cầu nhỏ

Thảo Linh
Thứ 3, 18/10/2016 | 06:36:00 96 lượt xem

BP - Thông tin anh Phạm Văn Hát, một nông dân ở tỉnh Hải Dương sáng chế hàng loạt máy nông cụ; đặc biệt là sáng chế ra robot gieo hạt tự động với năng suất cao gấp 30-40 lần và tiết kiệm từ 20-30% hạt giống so với phương pháp thủ công đã khiến nhiều người quan tâm. Những sáng kiến của anh Hát đã có tác động rất tích cực đến sự phát triển của xã hội. Với khả năng sáng tạo của mình, anh Hát đã được người Israen thưởng nóng 5.500 USD và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Điều quan trọng là tất cả những sáng chế bắt nguồn

từ lao động của anh Hát - một người chỉ có trình độ văn hóa lớp 7 đã đánh thức tư duy sáng tạo của nhiều người, nhất là những người nông dân. Rõ ràng, cuộc sống quanh ta có thể thay đổi được nhờ khả năng sáng tạo kỳ diệu của con người, bất chấp trình độ văn hóa của họ như thế nào.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật ở nước ta không ngừng phát triển về số lượng. Tiền của Nhà nước và nhân dân chi cho hoạt động khoa học - công nghệ không hề nhỏ. Rất nhiều công trình, dự án bạc tỷ, thậm chí là nhiều tỷ đồng đã được giải ngân thực hiện. Thế nhưng trong thực tế, từ việc nghiên cứu đến ứng dụng trong đời sống chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Chỉ nhìn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta cũng đã thấy các đề tài nghiên cứu khoa học chưa tạo nên những “cú hích” nhằm giải phóng sức lao động của nông dân, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với một đất nước mà tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên dưới 70% cơ cấu kinh tế, vậy mà chúng ta vẫn lệ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài. Chất lượng nông sản không biết đến bao giờ mới theo kịp các nước trong khu vực. Ngay cả vựa lúa, vựa trái cây đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ cũng có gia đình mua gạo nhập khẩu từ Campuchia bởi độ dẻo, thơm ngon hơn hẳn gạo trong nước; dùng trái cây Thái Lan bởi vị ngọt đậm và mùi thơm hơn hẳn trái cây trong nước.

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất và chế biến nông sản, từ trước tới nay Bình Phước cũng có rất nhiều nông dân sáng tạo trong sản xuất và đã sáng chế ra những loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Đó là lão nông Mai Văn Cúc ở ấp 5, xã Minh Lập (Chơn Thành) - người vinh dự được ghi tên trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016. Năm ngoái, ông cũng vinh dự là một trong 63 “nhà sáng chế không chuyên” tiêu biểu toàn quốc được Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh. Là ông Nguyễn Minh Quan ở thôn 5, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) được mọi người gọi với cái tên thân mật là “Quan điện tử”. Là ông Nguyễn Hữu Năm ở xã Phú Riềng (Phú Riềng) đã cải tiến máy tuốt lúa thành máy quét lá cao su rất hiệu quả...

Trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra, vai trò của khoa học - công nghệ là hết sức quan trọng, không chỉ tác động đến tiến độ mà cả đến chất lượng của tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng suốt nhiều năm qua, vẫn chưa có một công trình, một mô hình khoa học - kỹ thuật nào khả dĩ có tác động tích cực đến đời sống và có sức thuyết phục đối với xã hội. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng trân trọng tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những nông dân như anh Phạm Văn Hát, ông Mai Văn Cúc... Sáng tạo của họ giống như những chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng sông, con suối dẫn đưa nền khoa học - kỹ  thuật nước nhà ra biển lớn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu